Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ đã từ trần!

10/12/2010 12:10 GMT+7 | Thế giới

Sáng ngày 10-12, huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam và gia đình  vô cùng thương tiếc báo tin: Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ (SN 1904, quê quán xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), đã từ trần hồi 1 giờ 40 phút ngày 10-12-2010. thượng thọ 106 tuổi.

Được biết, để chấm dứt cuộc chiến tranh tại Việt Nam, để có được ngày quê hương hoàn toàn giải phóng, sự hy sinh của quân và dân Việt Nam vô cùng lớn lao. Có những người mẹ đã nhiều lần gạt nước mắt tiễn chồng, con lên đường theo cánh mạng. Trong số đó có một bà mẹ ở Quảng Nam đã 12 lần tiễn người thân lên đường và trong số họ chẳng một ai trở về vì tất cả đã hy sịnh. Mẹ đã chịu nỗi đau đớn tột cùng và là người mẹ có đức hy sinh to lớn cho đất nước. Đó là mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ.

Mẹ Nguyễn Thị Thứ một người mẹ anh hùng, vĩ đại!

Lúc mẹ còn sống, trong một dịp ghé thăm bà, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, đã cầm tay bà và nói: “Mẹ đã tiếp thêm nghị lực cho chúng con vững bước! Mẹ là Mẹ Việt Nam!” Điều đó cho thấy, đức hy sinh của bà đã to lớn đến dường nào. Nhưng không chỉ có những người Việt Nam chúng ta mới yêu quý bà mà rất nhiều người nước ngoài cũng đã cho rằng bà là người phụ nữ vĩ đại.

Vâng! Một người mẹ vĩ đại, bởi vì đức hy sinh và nỗi đau của bà quá lớn! Trên thế giới này có lẽ khó có thể tìm được người thứ 2. Mẹ có tới 9 người con, 2 ngưòi cháu ngoại và một người con rể đã hy sinh cho cách mạng. Theo bà Lê Thị Trị (cũng là Bà mẹ VNAH) người con gái duy nhất còn lại của bà, thì nỗi đau đớn, mất mát đầu tiên mà bà Thứ phải đón nhận là tin anh Lê Tự Xuyến, hy sinh ngày 18/6/1948. Vài tháng sau bà lại đón nhận thêm một nỗi đau nữa, đó là sự hy sinh của anh Lê Tự Hàn (anh) vào ngày 5/10/1948, mười ngày sau người em của anh Hàn (anh) cũng đã ra đi trong một trận chống càn, đó là anh Lê Tự Hàn (em), hy sinh ngày 15/10/1948. Như vậy chỉ trong một năm người mẹ này đã mất 3 người con.



 Tấm ảnh căn cước và CMND của Bà mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ.

Cứ thế, nấm mồ này cỏ chưa xanh đã lại phải đắp thêm một nấm mộ mới cho người con ruột thịt. Nỗi đau chồng chất nỗi đau, nhưng bà vẫn nén nỗi đau, đào hầm nuôi dấu cán bộ. Thời kháng chiến tại khu vườn của nhà bà rộng đến cả hecta, bà đã đào 5 hầm bí mật để cùng con gái đầu Lê Thị Trị nuôi giấu nhiều cán bộ, bộ đội, du kích. Trong vườn nhà, bà nuôi hàng chục con bò, để trong lúc chăn dắt chúng gặm cỏ, bà tới lui các hầm bí mật bọn địch không để ý. Thời đó, bà thống nhất với anh nằm hầm là vào ban đêm hễ không có địch thì bà để ngọn đèn sáng trên bàn thờ, còn lúc có địch thì bà không chong đèn. Mỗi lần các anh ở dưới hầm lên đi trừ gian, diệt ác, thì bà làm sẵn một thau lá rau lang giã nhỏ trộn với lọ nghẹ để các anh nguỵ trang. Những đêm bộ đội, du kích về đánh đồn, bà lại chuẩn bị sẵn cơm nước chu đáo. Trong những năm chiến tranh đã có rất nhiêu cán bộ, bộ đội, du kích đã được bà nuôi giấu.

Đến năm 1954 bà tiếp tục đón nhận tin buồn, đó là sự hy sịnh của anh Lê Tự Lem vào ngày 1/4/1954. Hai năm sau anh Lê Tự Nự, hy sinh ngày 5/9/1966. Rồi tiếp đến anh Lê Tự Mười, hy sinh ngày 14/4/1972, anh Lê Tự Trịnh, hy sinh ngày 12/9/1972, anh Lê Tự Thịnh, hy sinh ngày 28/8/1974 và anh Lê Tự Chuyền, hy sinh ngày 30/4/1975. Ngoài ra bà còn có người con rể Ngô Tường, hy sinh năm 1957 và 2 cháu ngoại, Ngô Thị Điểu, hy sinh năm 1970,  Ngô Thị Cúc, hy sinh năm 1973.

Như vậy 10 người con của mẹ Thứ đã hy sinh hết 9, nay chỉ còn người con gái đầu lòng là bà Trị. Nhưng người này cũng đã nhiều lần rơi vào hoàn cảnh “thập tử nhất sinh” bởi những trận đòn tra trấn của địch và nỗi đau chồng cùng 2 con hy sinh. Thật khó có thể nói hết về sự hy sinh của mẹ con bà Thứ.

Mãi mãi tri ân người mẹ vĩ đại!

Nhìn tấm thẻ căn cước do chế độ cũ cấp số 02238802 lại ghi năm sinh của Mẹ là 1902, còn CMND số 200624222 do chính quyền cách mạng cấp ghi bà sinh năm 1904 (năm Giáp Thìn). Như vậy, nếu tính theo âm lịch năm nay bà thượng thọ 106 tuổi. Lúc mẹ còn sống, nhà của mẹ ngày ngày đều có người ở mọi miền đất nước đến thăm với cả tình thương yêu, quý trọng, sự thành kính và tri ân một người mẹ vĩ đại. Trong đó có nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước như Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải... và nhiều lãnh đạo cấp tỉnh, không ít người đến đây nhìn trang thờ các liệt sĩ đã xúc động ngậm ngùi không cầm được nước mắt.

Vào giữa năm 2007 mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ, sau trận ốm đó mẹ được được đưa ra bệnh viện Đà Nẵng điều trị, nhưng do tuổi cao sức yếu mà mẹ đã mãi mãi ra đi vào sáng ngày 10-12.



Phác thảo tượng đài bà mẹ VNAH lấy nguyên mẫu Bà mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ để mãi mãi tri ân mẹ.

Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ là một biểu tượng của đức hy sinh cao cả đã khắc sâu vào tâm khảm người Việt Nam và cũng đã làm cho nhiều người trên thế giới kính phục. Một lần nữa viết những dòng này, cho tôi bày tỏ lòng tri ân với bà, một bà mẹ  vĩ đại mãi mãi trân trọng và kính yêu.

Bằng tình cảm trân trọng với những gì các Bà mẹ VNAH bà đã cống hiến cho tổ quốc, cho nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Chính phủ đã đồng ý cho xây dựng tượng đài Bà mẹ VNAH, lấy nguyên mẫu Bà mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ và công trình đã được khởi công vào ngày 27/7/2009, tại Núi Cấm thuộc thôn Phú Thạnh, xã Tam Phú, TP Tam Kỳ - Quảng Nam. Tượng đài Mẹ VNAH có diện tích 150.000m2; Chính giữa khối tượng đài là chân dung Mẹ Nguyễn Thị Thứ cao 18m, phần thấp nhất của cánh cung cao là 5,83m. Bên trong khối tượng là Nhà tưởng niệm Mẹ VNAH có diện tích 400m2, có bia ghi danh gần 50.000 Bà mẹ VNAH, giới thiệu hình ảnh, cuộc đời và sự cống hiến của các Mẹ đối với Tổ quốc... Tổng vốn đầu tư là 81.062.680.000 đồng.

Được biết, lễ viếng mẹ bắt đầu từ 19 giờ ngày 10-12-2010, tại nhà riêng thôn Thanh Quýt  2, xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam; lễ truy điệu tổ chức hồi 8 giờ ngày 14-12-2010, di quan lúc 9 giờ cùng ngày; an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Điện Bàn (xã Điện Thắng Trung).


Theo SK&ĐS

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm