14/06/2015 05:00 GMT+7 | Âm nhạc
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thành Nhân - nguyên Phó trưởng phòng Quản lý biểu diễn (Cục Nghệ thuật biểu diễn), nhạc sĩ - nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long và nhà báo Đỗ Huyền - báo Văn hóa.
Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long: “Nhái” Sơn Tùng là hệ quả của Việt hóa K-pop thành công
Câu chuyện “nhái của hàng nhái” là một hiện tượng xã hội nằm trong trong đời sống nghệ thuật. Trên thực tế, câu chuyện thần tượng hóa và hóa thân thành thần tượng không phải hiếm gặp trong làng giải trí toàn thế giới. Nó không chỉ xuất hiện trong âm nhạc mà còn cả trong điện ảnh, thời trang…
Hơn nữa, không chỉ hóa thân chơi, cho vui, cho thỏa lòng ngưỡng mộ thần tượng mà nó có thể biến thành một nghề nghiêm túc, giúp cho người hóa thân vào nó có thể kiếm sống bằng công việc ấy. Thậm chí còn nổi như cồn.
Có một điều, sự hóa thân ở mức độ nào thì sẽ được sự đón nhận tương ứng. Trong điện ảnh, không quá khi nói rằng có hẳn một trường phái phong cách mang tên Charlei Chaplin. Còn trong âm nhạc thì cũng nhiều vô kể. Như trường hợp FABBA bản sao của ABBA, thành lập từ năm 1996 được cả thế giới biết đến và đã từng tới lưu diễn tại Việt Nam.
Điều đáng nói, FABBA chỉ là bản sao thành công nhất trong số những bản sao của nhóm nhạc huyền thoại này. Hay như “ông hoàng nhạc pop” Michael Jackson, trong hàng thập niên trước đây và bây giờ vẫn vậy, có không biết bao nhiêu người hóa thân thành, thậm chí sự hóa thân còn phân ra từ nhiều góc độ khác nhau: toàn diện, chỉ hát hoặc chỉ phong cách (trang phục và nhảy).
Một trường hợp điển hình khác nữa, là “ông hoàng nhạc rock‘n’roll“ Elvis Presley đã mất từ năm 1977 nhưng mãi tới thời gian gần đây vẫn có những cuộc thi hóa thân thành huyền thoại âm nhạc này diễn ra ở khắp mọi nơi trên toàn thế giới.
Trở lại với câu chuyện “nhái của hàng nhái” đang nóng thời gian qua. Trường hợp của Sơn Tùng M-TP xuất hiện trong “cơn cuồng” K-pop của giới trẻ Việt; cộng thêm sự láu lỉnh và thông minh khi đưa yếu tố cá nhân vào trong đó; tức là nhái phong cách chung nhưng đã đưa được những cái riêng, chẳng hạn tự sáng tác giai điệu, lời ca... cho nên có thể coi đây là bản sao có sáng tạo, chứ không hoàn toàn thụ động vào bản chính. Đây chính là điểm đáng chú ý nhất của anh chàng này.
Công bằng mà nói, đây là trường hợp Việt hóa K-pop thành công nhất. Chính những yếu tố Việt hóa ấy đã tạo được dấu ấn riêng và là hệ quả cho sự xuất hiện của Sơn Tùng giả.
Vì thế cả người trong cuộc và ngoài cuộc hãy xem trường hợp Sơn Tùng nhái là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra hay chuyện bỏ công sức ra để nhái một nghệ sĩ nào đó với mong muốn kiếm được việc làm từ đó cũng là một chuyện bình thường của đời sống xã hội.
Nếu không, hãy coi đó là một câu chuyện vui chứ không phải là thứ nghệ thuật cao siêu cần hướng tới. Nói như vậy để thấy rằng, chuyện nhái trong nghệ thuật là điều được chấp nhận; nhưng có một điều, những bản nhái ấy mãi mãi chỉ sống trong cái bóng của bản sao chính mà thôi.
Ông Nguyễn Thành Nhân: Lệ Rơi có thể thành lập công ty giải trí, nhưng…
Ông Nguyễn Thành Nhân cho rằng: “Trường hợp như Lệ Rơi thành lập công ty giải trí cũng là bình thường. Nếu công ty của anh ấy không làm gì vi phạm pháp luật, không gây ảnh hưởng xấu đến xã hội thì pháp luật không cấm. Chất lượng nghệ thuật các tiết mục của họ tới đâu, sẽ do các cơ quan quản lý trên địa bàn thẩm định và cấp phép.
Mỗi công ty muốn được cấp phép biểu diễn đều phải chứng minh được năng lực. Các chương trình của họ trước khi biểu diễn phải được duyệt và cấp phép. Luật pháp cũng khá chặt chẽ rồi, vấn đề còn lại là thực thi mà thôi.
Tuy nhiên hiện nay việc cấp phép cho các công ty kinh doanh biểu diễn nghệ thuật không thuộc thẩm quyền của ngành văn hóa, mà lại thuộc quyền của Sở Kế hoạch và Đầu tư. Riêng lĩnh vực văn hóa thì nên để cơ quan có chuyên môn thẩm định thì tốt hơn.
Trường hợp ca sĩ Sơn Tùng M-TP có “bản sao”. Nếu người đóng giả Sơn Tùng chỉ đơn giản là muốn giống thần tượng, không gây ảnh hưởng gì đến cá nhân Sơn Tùng M-TP thì không có vấn đề gì. Nhưng nếu anh ta đi biểu diễn ca hát dưới hình thức của Sơn Tùng M-TP, hát các bài hát của nam ca sĩ này... thì Sơn Tùng M-TP hoàn toàn có thể kiện. Vì mỗi ca sĩ đều có quyền đăng ký bản quyền hình ảnh, các ca khúc, chương trình của mình và pháp luật bảo hộ cho họ.
Những nhộn nhạo trong nghệ thuật biểu diễn thời gian qua càng cho thấy các cơ quan quản lý sẽ phải tự nâng cao trình độ, năng lực của mình để thẩm định, phát hiện, quản lý sao cho phù hợp với tình hình mới.
Nhà báo Đỗ Huyền: Chỉ tại “đặt nhầm chỗ”
Với tôi, không có xu hướng thể hiện hay hình thức giải trí nào là đáng bị phản đối nếu chúng không vi phạm các quy định pháp luật. Ở góc độ cá nhân, tôi không quan tâm lắm đến Lệ Rơi, vì không cảm thấy được giải trí với những phần “biểu diễn” của anh ta.
Còn ở góc độ của một người làm báo, vấn đề khiến tôi suy nghĩ không phải là chuyện Lệ Rơi được công chúng yêu thích, mà là sự quan tâm khai thác và tung hô quá mức của truyền thông đối với hiện tượng này.
Chúng ta không chỉ quan tâm quá mức mà còn lo lắng quá mức về sức ảnh hưởng của Lệ Rơi đối với khán giả. Nhiều người lo lắng rằng Lệ Rơi sẽ làm hỏng thị hiếu âm nhạc của khán giả. Chúng ta có đánh giá thấp khán giả quá không khi lo lắng như vậy? Họ phân biệt được đâu là mua vui, đâu là nghệ thuật chứ?!
Chỉ là trong cuộc sống nhiều áp lực, người ta cần vài giây phút được cười thỏa thích để xả stress thôi, và thay vì đọc truyện cười, họ xem Lệ Rơi hay một thứ gây cười nào khác. Vậy thôi! Không nên và không thể đổ lỗi cho những người như Lệ Rơi về sự lộn xộn của thị trường giải trí hiện nay.
Sự lộn xộn đó được tạo nên bởi chính những người làm truyền thông đã vô tình hay cố ý đặt nhầm vị trí của các đối tượng. Chúng ta mang những người hát cho vui vào chỗ của các ca sĩ, chúng ta tung hô những bản sao như một nghệ sĩ tài năng.
Nếu một bản sao đã được tung hô, thì không có gì là bất ngờ khi có các bản sao khác ra đời. Riêng về hiện tượng “bản sao”, tôi cho rằng cũng không có lý do gì để phản đối nếu như họ hoàn thành được các nghĩa vụ về bản quyền. Nó giống như người ta phải xin phép và thực hiện các nghĩa vụ về bản quyền với người sở hữu bản quyền tác phẩm gốc khi làm tác phẩm phái sinh.
So sánh có vẻ hơi buồn cười, nhưng tôi nghĩ bản chất hiện tượng đúng là như vậy. Khi anh nhái hình tượng của một ai đó để kiếm tiền, nếu anh được sự cho phép của người đó, và anh trả tiền tác quyền cho những tác phẩm mà anh sử dụng, thì có lẽ chẳng lý do gì để người khác phản đối anh. Còn chuyện anh tồn tại được bao lâu, bền vững hay không lại là chuyện khác.
Lam Anh - Ngọc Diệp (ghi)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất