“Gieo gió, gặt bão”?!

20/03/2012 13:32 GMT+7 | Bóng đá Việt

(TT&VH) - Cách đây chưa lâu, trong một lần trả lời phỏng vấn trên mục “Cà phê bóng đá” (TT&VH Cuối tuần), nhạc sĩ Dương Thụ đã có câu để đời: “Bóng đá nào thì trọng tài ấy”, và đến thời điểm hiện tại, phát biểu của một nhân vật bị xem là ngoại đạo với giới bóng banh như nhạc sỹ Dương Thụ hóa ra vẫn rất đúng người đúng việc.

Mới đây nhất, ở vòng 10 V-League 2012 có tới 3 trên tổng số 7 trận đấu gặp vấn đề về công tác trọng tài, trong đó có đến 2 trận trọng tài bị cuống vì áp lực tâm lý quá mức nên đã đưa ra những quyết định không chuẩn xác (trận V.Ninh Bình-Sài Gòn FC) và thậm chí là sai luật (K.KG-Thanh Hóa). Điều đó cho thấy vấn đề người cầm cân nảy mực cho giải VĐQG VN đã trở thành một câu chuyện nghiêm trọng thực sự, có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của bóng đá nước nhà.



Phó Chủ tịch CLB Thanh Hóa Nguyễn Trọng Hoài dùng tay chỉ thẳng vào mặt

trọng tài Hoàng Phạm Công Khanh ở trận K.KG-Thanh Hóa. Ảnh: Kim Ngọc

Trách cứ hay phê phán các trọng tài thì rất dễ, và trên thực tế đây là những đối tượng dễ bị “tấn công” nhất trong sân chơi bóng đá chuyên nghiệp. Bất kể ai, từ cầu thủ, quan chức, HLV hay cả các CĐV đều tự cho mình cái quyền phản ứng, trách móc, hoặc nặng hơn là mạt sát, chửi bới trọng tài mỗi khi gặp phải kết quả không thuận lợi.

Hình ảnh Phó Chủ tịch CLB Thanh Hóa Nguyễn Trọng Hoài dùng tay chỉ thẳng vào mặt trọng tài Hoàng Phạm Công Khanh với thái độ chắc chắn là không lấy gì làm thân thiện ở trận K.KG-Thanh Hóa khiến người ta chợt nhớ lại tình huống tiền đạo số một VN Công Vinh sử dụng hành vi tương tự với trọng tài Võ Quang Vinh cách đây chưa lâu.

Quan chức cao cấp của đội bóng với cầu thủ thuộc tầm cỡ ngôi sao còn ứng xử với trọng tài như vậy thì trách gì chuyện trên khán đài CĐV kêu réo tên tuổi họ hàng 3 đời nhà trọng tài ra để mắng mỏ? Thậm chí, có SVĐ ở miền Bắc độ chục năm nay người ta còn chế ra tiếng kèn phỏng theo tiết tấu âm thanh của một câu chửi rất tục tĩu để “dành tặng” trọng tài, và bây giờ thì hình như không chỉ một mình SVĐ ấy biết sử dụng tiếng kèn “chửi tục” như trên mà phong trào này đã lan rộng ra không ít SVĐ láng giềng.

Phải sòng phẳng mà nói với nhau rằng trọng tài dù sao cũng chỉ là con người nên chuyện mắc sai lầm là không thể tránh khỏi, bởi ngay như những giải đấu đỉnh cao thế giới như World Cup hay EURO cũng còn có sai sót của trọng tài. Và cũng không phủ nhận sự thực là không phải sai sót nào của trọng tài ở bóng đá VN cũng chỉ xuất phát từ lý do chuyên môn thuần túy, mà có thể còn có những căn nguyên ngoắt ngoéo đằng sau.

Tuy nhiên, việc xử lý sai sót do trọng tài mắc phải, dù là vô tình hay cố ý, đều là nhiệm vụ của các cơ quan hữu trách, và điều đó không đồng nghĩa với chuyện người ta có quyền mắng mỏ, mạt sát trọng tài chỉ vì sai lầm của họ. Thử hỏi trong cuộc sống này có mấy ai dám tự tin khẳng định từ lúc được sinh ra cho tới khi nhắm mắt xuôi tay chưa bao giờ mắc phải sai lầm?

Xem bóng đá Anh thì thấy tuy trọng tài ở Anh cũng thường xuyên mắc phải sai lầm, nhưng thái độ phản ứng của các đội bóng là rất chừng mực, chẳng có chuyện HLV và cầu thủ hò nhau rời sân ra ngoài đòi bỏ cuộc (nhưng vẫn căn giờ “lãn công” rất chuẩn xác để không vi phạm Quy chế) mỗi khi gặp phải quyết định bất lợi của trọng tài, hoặc tình trạng trận đấu đã kết thúc hàng tiếng đồng hồ mà trọng tài vẫn chưa thể rời khỏi sân do khán giả bao vây bên ngoài để đòi “xin tí tiết”.

Bởi thế, sẽ không quá lời nếu nói rằng những gì mà các đội bóng V-League đang phải chịu đựng từ sai lầm liên tiếp của đội ngũ trọng tài cũng có một phần nguyên nhân quan trọng xuất phát từ cái cung cách ứng xử có phần hơi thiếu tôn trọng mà không ít quan chức, HLV, cầu thủ và CĐV đã dành cho các ông vua sân cỏ suốt trong thời gian dài vừa qua.

Hoàng Huy



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm