16/10/2022 15:12 GMT+7 | Tin tức 24h
Ngày 16/10, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã tổ chức họp khẩn các sở ngành, chính quyền các địa phương trong bối cảnh tình hình ngập lụt trên địa bàn sẽ còn kéo dài trong nhiều ngày tới, do việc điều tiết nước từ các hồ chứa và thủy triều duy trì ở mức cao, làm hạn chế khả năng thoát lũ.
* Ngập lụt sẽ kéo dài
Theo Văn phòng Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên – Huế, từ 15-16/10, lượng mưa trên địa bàn tỉnh đã giảm, trung bình từ 50-100mm, tuy nhiên một số khu vực miền núi vẫn có mưa lớn, như: khu vực Rào Trăng 4 là 173mm, Tà Lương 130mm, Khe Ngang 120mm.
Mực nước trên các sông của Thừa Thiên – Huế đang xuống chậm, dao động ở mức cao; sáng 16/10, mực nước trên sông Hương ở dưới báo động 3, tại sông Bồ trên báo động 3.
Các hồ thủy điện, thủy lợi lớn trên địa bàn tiếp tục điều tiết nước về hạ du để đảm bảo an toàn hồ đập, chuẩn bị đón những đợt mưa lớn của bão số 6, dự báo sẽ hình thành và đi vào đất liền trong những ngày tới. Lúc 7 giờ sáng 16/10, lưu lượng nước đến hồ thủy điện Hương Điền là 2.906m3/s, lưu lượng xả về hạ du 1.645m3/s; lưu lượng đến hồ Bình Điền là 1.278m3/s, lưu lượng về hạ du 1.384m3/s.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế vẫn diễn ra ngập trên diện rộng, với khoảng 19.918 nhà ngập trong nước, ở độ sâu từ 0,3-0,8m. Trong đó, toàn huyện Quảng Điền bị ngập. Thành phố Huế có hơn 70% tuyến đường của 36 phường, xã đều bị ngập. Hệ thống đường liên thôn của huyện Phong Điền bị ngập từ 0,4-0,8m với tổng chiều dài khoảng 12km.
Thị xã Hương Thủy ngập diện rộng với tổng diện tích hơn 50%, độ sâu ngập trung bình từ 0,4-0,6m, có nơi ngập sâu 0,8m…Toàn tỉnh Thừa Thiên – Huế hiện có 37 điểm sạt lở, trong đó chủ yếu tại huyện Phú Lộc với 25 điểm. Các địa phương, ngành chức năng đã tích cực khắc phục, một số vị trí ở các tuyến đường đã cơ bản thông xe trở lại.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh, tình trạng ngập lụt trên địa bàn sẽ còn tiếp tục kéo dài, nên chính quyền địa phương cần thông tin rộng rãi, cũng như triển khai các biện pháp ứng phó, hỗ trợ người dân. Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên – Huế sẽ cố gắng duy trì điều tiết xả nước các hồ chứa, để hạ thấp dần mực nước dưới vùng hạ du.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên – Huế phối hợp với các địa phương chủ động nghiên cứu cho phép học sinh tại các trường học ở khu vực vùng cao đi học trở lại, với tinh thần đảm bảo an toàn cho các em là trên hết. Đồng thời, các địa phương chủ động đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân có nguy cơ bị chia cắt do ngập sâu, sạt lở, sẵn sàng cứu trợ cho các hộ dân có nguy cơ bị thiếu đói.
Tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế Lê Trường Lưu đánh giá cao công tác vận hành điều tiết các hồ chứa trong những ngày qua, góp phần cắt lũ, hạn chế ngập sâu cho thành phố Huế và các vùng lân cận; đồng thời lưu ý, do tình hình mưa lụt vẫn còn kéo dài, ngành y tế cần phối hợp với địa phương thành lập các đội y tế cơ động với phương tiện ghe, thuyền đầy đủ, để hỗ trợ cấp cứu người dân khi cần thiết.
*Không chủ quan với đuối nước
Mưa lũ lớn trong những ngày qua đã khiến 2 người dân của Thừa Thiên – Huế bị đuối nước; làm sập một nhà dân ở xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc; hơn 120 hecta nuôi trồng thủy sản ở huyện Phú Vang, A Lưới bị thất thoát do lụt…
Hiện nay, lượng mưa đã giảm nhưng tình trạng ngập còn kéo dài khiến nguy cơ xảy ra đuối nước rất cao nếu như chính quyền địa phương không tăng cường cảnh báo, người dân chủ quan trong quá trình di chuyển bằng ghe, thuyền. Mới đây nhất, chiều tối 15/10, ông Hồ T. (sinh năm 1971, ở xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền) khi đi thăm bà con về bị lật ghe ngay trước nhà, dẫn tới tử vong.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Văn Phương yêu cầu các địa phương trong tỉnh cần lưu ý đặc biệt đến nguy cơ đuối nước, nhất là những trường hợp khi người dân đi thả lưới đánh cá, học sinh nghỉ học ở nhà; khuyến cáo người dân trong quá trình di chuyển cần trang bị đầy đủ áo phao, không di chuyển trong điều kiện thời tiết xấu.
Để đảm bảo an toàn cho người dân, Công ty Điện lực tỉnh Thừa Thiên – Huế đã ngắt kết nối 43% lưới điện trên địa bàn, tập trung ở vùng ngập lụt tại các huyện Quảng Điền, Phong Điền, Phú Vang, phía Bắc thành phố Huế, một phần thị xã Hương Thủy…
Nhằm ứng phó với tình trạng ngập lụt kéo dài, các lực lượng vũ trang tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng chủ động bố trí nhân lực, phương tiện hỗ trợ sơ tán, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm, tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu của địa phương. Từ ngày 14/10 đến nay, các địa phương của tỉnh Thừa Thiên – Huế đã tiến hành sơ tán di dời tại chỗ, tập trung 3.687 hộ, với 10.322 nhân khẩu ở những vùng ngập trũng đến nơi an toàn. Thời gian tới, chính quyền địa phương tiếp tục rà soát người dân ở những khu vực nguy hiểm dễ xảy ra sạt lở đất đá để tiến hành sơ tán.
Theo Văn phòng Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên – Huế, dự báo ngày 17/10, bộ phận không khí lạnh sẽ ảnh hưởng tới tỉnh gây mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và dông; trong cơn dông cần đề phòng có lốc, sét mưa đá và gió giật mạnh.
Đỗ Trưởng/TXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất