VTV trực tiếp 13 trận lượt đi của HA.GL: Không bất hợp lý

11/01/2015 13:25 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Sau khi thấy được sứt hút từ thương hiệu U19 trong màu áo HA.GL ở Toyota V-League 1-2015, VTV (đơn vị nắm giữ bản quyền giải đấu) quyết định sẽ truyền hình trực tiếp toàn bộ 13 trận đấu có sự tham dự của những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… trong giai đoạn 1. Và từ đây tranh cãi nổi lên, khi nhiều CLB cho rằng họ đã và đang phải chịu bất công trong việc khai thác quảng cáo cũng như phục vụ người hâm mộ địa phương.

Cái lý được đưa ra ở đây là tiền lệ phí tham dự giải cũng như tiền ký quỹ giữa các CLB là ngang nhau thì quyền lợi phải là ngang nhau. Nhưng tại sao và như thế nào HA.GL của bầu Đức lại được ưu ái trên sóng truyền hình quốc gia (vốn vẫn được phát rộng khắp trên hệ thống analog)?

Cái lý của thị trường

Người ta tính rằng chỉ cần giành suất tham dự vòng bảng UEFA Champions League, mỗi CLB đã bỏ túi hơn 8 triệu USD từ UEFA và nếu đội bóng đi đến trận đấu cuối cùng, rồi giành chức vô địch sau đó, tổng số tiền thưởng sẽ rơi vào khoảng 35 triệu USD.

Cũng tựa như Champions League của UEFA, FIFA cũng phân bổ tiền bản quyền truyền hình World Cup theo công thức này. Sau khi ĐT Đức đoạt chức vô địch World Cup 2014, LĐBĐ Đức (DFB) đã nhận khoảng 35 triệu USD từ FIFA. Còn LĐBĐ Argentina (AFA) nhận 25 triệu USD, sự chênh lệch rất đáng kể so với nhà vô địch. Tất nhiên, việc sử dụng tiền thưởng từ FIFA như thế nào là chuyện của DFB và AFA. Phần lớn các LĐBĐ có đội bóng tham dự VCK World Cup đều không có phàn nàn khi quyền lợi của họ được đảm bảo như nhau và tuỳ thuộc vào thành tích đội bóng.

Tại Việt Nam với giải đấu cao nhất là V-League, trước đây, tiền bản quyền truyền hình được chia theo công thức 4-4-2, tức VFF và đội chủ nhà hưởng 40% như nhau, đội khách nhận 20% còn lại. Kể từ khi VPF ra đời, với việc tính thêm luỹ tiến, công thức trên có điều chỉnh chút ít (có giai đoạn là 5-3-2), song về cơ bản, quyền lợi giữa các bên liên quan, về lý thuyết vẫn được đảm bảo.

Tuần nào cũng có “Super Sunday”

Bên cạnh các luồng ý kiến gây tranh cãi, cũng có người cho rằng việc HA.GL trở thành đầu tàu, không chỉ làm lợi cho họ, cho VTV, mà cho cả đối thủ. Tức là khi các trận đấu có Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường…, được truyền hình trực tiếp trên VTV, dù sân Pleiku hay sân của đối phương, thì tất cả đều được lợi. Rằng các bảng quảng cáo sẽ được phủ kín sân, người hâm mộ cả nước cũng sẽ biết đến XSKT.Cần Thơ, Đồng Tháp, hay Đồng Nai…, vậy có gì phải lăn tăn?!

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ một doanh nghiệp khi ký hợp đồng tài trợ - quảng cáo với một đội bóng thì sẽ không chỉ ký cho 1, 2 trận đấu (được lên sóng), mà là cho cả mùa giải, hoặc ít nhất một nửa mùa giải. Họ bỏ tiền ra làm bóng đá thì phải thu về chút thành quả, tiếng thơm. Nhưng nếu đổ tiền tài trợ cho cả mùa giải, nhưng chỉ 2 lần họ được lên sóng truyền hình quốc gia, thì liệu họ có sẵn sàng không?! Có lẽ khi ký kết hợp đồng bản quyền truyền hình giữa VPF và VTV, người trong cuộc đã không tính đến tình huống này. Ví như năm ngoái, mấy khi Đồng Nai được lên sóng VTV khi họ đá sân nhà?!

Hiện nay ngoài VTV thì các đài truyền hình địa phương có nhu cầu sản xuất sóng sạch hoặc tiếp sóng hoàn toàn có thể thương lượng với đơn vị nắm bản quyền. Bên cạnh đó, VTC cũng rất tích cực truyền hình trực tiếp các trận đấu mà VTV không chọn. Tức là về lý thuyết, người hâm mộ (và cả nhà tài trợ) vẫn có đầy đủ sự lựa chọn, nhưng VTV vẫn luôn được xem là lựa chọn ưu tiên. Đấy cũng là một nghịch lý khác trong nhu cầu cảm tính của người xem và có lẽ trong tương lai gần, chúng ta phải thay đổi. Giờ thì hãy tạm hài lòng rằng, tất cả các trận đấu có HA.GL đều là “Super Sunday”!  

Họ đã nói

- Ông Nguyễn Đức Mạnh, trưởng phòng truyền thông VPF, ủy viên BTC giải: “Theo thỏa thuận, VTV được chọn trận đấu để sản xuất, còn các trận còn lại, chúng tôi bán cho các đài khác. Vì thế, chúng tôi không thể can thiệp vào công việc của họ. Chuyện thời lượng trên sóng đài truyền hình quốc gia là thẩm quyền của VTV. VPF chỉ được đảm bảo những trận đấu tốt nhất, hình ảnh tốt nhất để phục vụ người xem, khán giả”.

- Ông Phan Ngọc Tiến, trưởng Ban Thể thao VTV, Phó Giám đốc kênh VTV3: “Là đơn vị nắm giữ bản quyền truyền hình V-League, được ưu tiên chọn trận đấu theo thỏa thuận hợp đồng, chúng tôi có nhiệm vụ sản xuất - cung cấp cho người hâm mộ cũng như đối tác các trận đấu có chất lượng chuyên môn và hình ảnh tốt nhất. Với màn thể hiện của lứa U19 Học viện HA.GL suốt 2 năm qua, rõ ràng HA.GL sở hữu một đội bóng tốt, tạo được sức hút tốt nhất, cũng như giành được thiện cảm của người hâm mộ lớn nhất. Tôi quả quyết rằng bất cứ đội bóng nào ở V-League cũng đều mong sớm được gặp họ và người xem ở mọi miền Tổ quốc đều muốn được thấy những Công Phượng, Tuấn Anh... chơi bóng hàng tuần. Đó là lý do cốt lõi để VTV quyết định sản xuất - tường thuật trực tiếp các trận đấu có HA.GL, chứ không có sự ưu ái hay sắp đặt ở đây.

Về rating, tức số lượng người xem các trận đấu có HA.GL trên VTV, chắc chắn sẽ tăng mạnh, đấy là tín hiệu đáng mừng với giải đấu và thậm chí với cả nền bóng đá. Còn việc doanh thu quảng cáo, thì đấy là vấn đề của TVAd, nhưng chắc là sẽ tăng rồi, từ mối quan hệ cộng hưởng đơn thuần thôi.

Ở góc nhìn chuyên môn, với bộ phận sản xuất của VTV chúng tôi chỉ có thể cam kết về chất lượng hình ảnh, âm thanh, đường truyền, chứ không thể cam kết về chất lượng chuyên môn, kỹ thuật bóng đá. VTV sẽ đem đến cho người xem thứ mà số đông kỳ vọng, chứ không thể phục vụ thiểu số”.


CCKM (ghi)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm