Thủ tướng yêu cầu triển khai nhóm chuyên trách chống nạn xâm hại trẻ

06/08/2018 20:20 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương bố trí cán bộ bảo vệ trẻ em ở cấp xã và triển khai mô hình các nhóm chuyên trách bảo vệ trẻ em cấp xã để thực hiện tốt nhiệm vụ phòng ngừa xâm hại, bạo hành trẻ em.

Đây là chỉ đạo được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em do Ủy ban Quốc gia về trẻ em tổ chức ngày 6/8 tại Hà Nội.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, tình hình bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục vẫn diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong xã hội. Bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt xâm hại tình dục trẻ em là không thể chấp nhận, dung thứ cả về pháp lý, đạo đức xã hội.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

“Công tác bảo vệ trẻ em ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức, kịp thời. Còn nhiều vụ việc, hành vi xâm hại trẻ em chưa được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, có vụ việc xử lý chưa nghiêm,” Thủ tướng trăn trở.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cần huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị cho việc thực hiện quyền trẻ em, đặc biệt quyền được bảo vệ, được sống an toàn của trẻ em, Thủ tướng đề nghị cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên môn và các đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội, đặc biệt ở cấp địa phương, cơ sở phải nhận thức đầy đủ hơn, sâu sắc hơn và quan tâm đúng mức hơn về công tác bảo vệ trẻ em.

Hiện nay, toàn quốc chỉ có 590/11.162 (khoảng 5%) xã, phường có cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã trong số các công chức cấp xã hoặc người hoạt động không chuyên trách thuộc quyền quản lý xã.

Thủ tướng đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã bố trí ngay người làm công tác bảo vệ trẻ em. Cần nghiên cứu, triển khai mô hình tổ chức, hoạt động của các nhóm chuyên trách bảo vệ trẻ em cấp xã do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã đứng đầu với thành phần gồm người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã, công an xã, Đoàn thanh niên xã, hội Phụ nữ xã, nhân viên y tế thôn bản….

Thủ tướng cũng yêu cầu tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, đoàn thể, các cơ quan, tổ chức trong công tác bảo vệ trẻ em, không để xảy ra để tình hình nhiều cơ quan bảo vệ trẻ em nhưng cơ quan chịu trách nhiệm từng công việc cụ thể thì chưa rõ.

Báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và xã hội cho biết, ước tính mỗi năm trung bình Việt Nam có khoảng 2.000 trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại được phát hiện và giải quyết, trong đó trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm hơn 60%. Theo thống kê 5 tháng đầu năm 2018, toàn quốc phát hiện 682 vụ xâm hại trẻ em. Đáng chú ý, trẻ em bị xâm hại tình dục bởi chính người thân trong gia đình chiếm 21,3%, bởi người quen, hàng xóm là 59,9%, người lạ là 12,6%...

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, con số khoảng 2.000 trẻ em bị bạo hành, xâm hại tình dục theo báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chưa phải là con số phản ánh hết tình hình thực tế. Ngoài 2.000 trường hợp bị bạo hành, xâm hại được phát hiện, can thiệp, hỗ trợ và đưa vào số liệu thống kê vẫn còn nhiều trường hợp khác chưa được phát hiện.

“Nhiều hành vi, cách ứng xử với trẻ em được coi là ‘bình thường’ nhưng thực chất là bạo hành, là xâm hại trẻ em, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ em. Đau lòng hơn, không ít trẻ em bị chính người thân trong gia đình, trường lớp hay xóm giềng ngược đãi và xâm hại, nhiều trường hợp được pháp luật can thiệp nhưng vẫn để lại những di chứng khó lành trong tinh thần trẻ,’ Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá thực trạng xâm hại trẻ em, phân tích nguyên nhân và đưa ra những giải pháp nhằm hạn chế tình trạng này. Các đại biểu thống nhất là cần có sự phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ đồng bộ giữa các bộ, ban, ngành, tổ chức xã hội và cộng đồng ở địa phương; xác lập cơ chế phối hợp phòng ngừa, xử lý vụ việc xâm hại trẻ em tại địa phương. Công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức cảnh giác, phát hiện sớm, tự phòng ngừa các hoạt động xâm hại tình dục và hỗ trợ tư vấn pháp lý khi cần thiết cũng cần được đẩy mạnh.

Kết thúc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khẩn trương xây dựng, trình Thủ tướng Đề án vận động nguồn lực xã hội để hỗ trợ chăm sóc trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động phong trào hỗ trợ đồ ấm cho trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi nhân Ngày Vì người nghèo Việt Nam 17/10/ 2018.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm