Người phương Tây có câu: "Món ăn của người này có thể là Thuốc độc với người khác". Vấn đề quan trọng của mục tiêu công bằng xã hội, vì thế, phải nằm ở chỗ, số người được xơi "món ăn" nên đông hơn số người buộc phải "nếm" vị thuốc đắng.
Vậy là rõ. Phương án thay đổi giờ tham gia giao thông sẽ được áp dụng trong những ngày không xa, khi năm Con Rồng đang ngấp nghé chờ ở cửa, với kỳ vọng không đổi từ nhiều năm nay: đất nước sẽ cất cánh. Đúng vậy, đất nước sẽ cất cánh nếu các nút thắt cổ chai được tháo gỡ. Dễ nhìn thấy nhất là nút thắt giao thông và hạ tầng đô thị.
Kèm theo giải pháp đổi giờ làm, giờ học ở hai thành phố lớn nhất nước, Hà Nội và TP. HCM, là một số giải pháp được coi là đồng bộ để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trầm kha. Giải pháp kinh tế hàng đầu đang được đề xuất là thu phí lưu hành các phương tiện trong thành phố - ô tô và xe máy. Kết quả được kỳ vọng của giải pháp này là tốc độ tăng phương tiện cá nhân được hãm bớt, còn kinh phí để nâng cấp và cải tạo hệ thống đường bộ, chi để thực hiện các giải pháp chống ùn tắc thì được tăng lên.
Mỗi chính sách hay các giải pháp thực hiện chính sách đều có khả năng tác động tới các nhóm cá nhân hay tổ chức khác nhau, gần đây thường được gọi dưới cái tên "nhóm lợi ích". Vậy thì liên quan tới câu chuyện này có bao nhiêu nhóm lợi ích?
Nhóm lợi ích bị hy sinh
Ngành công nghiệp ô tô - xe máy từng được kỳ vọng là một trong những bệ phóng đưa Việt Nam đi vào quỹ đạo công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Tuy nhiên, sau ngót 15 năm, cỗ xe công nghiệp mà hai ngành này tạo nên dường như vẫn chạy khật khưỡng, nếu nhìn vào giá xe cao áp trên công nghệ thấp và sự phụ thuộc bền chặt vào nguồn linh kiện nhập khẩu từ chính những quốc gia mà Việt Nam phải cạnh tranh để xây dựng nền công nghiệp sản xuất.
Hai năm gần đây, ngành này lại liên tiếp đón nhận những tin tức bất lợi. Giá xăng tăng, thuế không còn được ưu đãi, và gần đây nhất là cú đánh hiểm hóc của việc tăng phí trước bạ và phí cấp biển số ở Hà Nội và TP. HCM. Mấy tháng cuối năm thị trường loay hoay bí tiền thì xe liên miên bí ẩn cháy. Tới giờ thì thêm đề xuất thu phí lưu hành hàng năm. Khách hàng của ngành công nghiệp ô tô - xe máy chắc chắn sẽ phải lo âu nhìn túi tiền của mình khi ra quyết định mua xe hơn. Cái khó của ngành này lại ở chỗ, quá nửa khách hàng của họ lưu trú và đi lại ở hai thành phố sẽ bị thu phí ấy. Thực tế này đã khiến nhận định của VAMA rằng "đến năm 2018, sẽ chỉ còn 3 doanh nghiệp ô tô FDI trụ lại với sản xuất" bớt màu sắc dọa dẫm giận dỗi đi nhiều.
Hà Nội cũng vừa tăng mạnh chi phí trông giữ xe đối với các loại ô tô. Một chiếc xe dưới 10 chỗ có giá trông giữ ban ngày là 2,5 triệu và ban đêm là 2 triệu đồng. Một lượt đỗ xe có giá lên tới 40 nghìn đồng. Mức tương ứng cho xe 10 chỗ trở lên là 3 triệu, 2,5 triệu và 50 nghìn đồng.
Khoan hãy nói tới đối tượng là bạt ngàn xe máy hay ô tô dưới 10 chỗ, vốn được coi là xe cá nhân, xe của doanh nghiệp, xe của người giàu.v.v. Đa số ô tô trên 10 chỗ là các phương tiện làm dịch vụ vận tải như xe mini-buýt hay xe khách. Chi phí tăng thêm của các loại xe này tất yếu sẽ khiến chủ xe "phân bổ" lại trên đầu hành khách. Chuỗi logic này tiếp diễn khi các hành khách đưa các chi phí phát sinh đó vào hàng hóa dịch vụ mà họ cung cấp ra thị trường.
Nếu suy xét kỹ, chắc rằng người ta khó lạc quan được khi đối chiếu các hiện tượng trên với mục tiêu kiềm chế lạm phát của năm 2012 là dưới 10%.
Nhóm lợi ích nào cũng phải hy sinh (?)
Xin đặt vấn đề xa hơn thời hạn của việc giảm ùn tắc xe cộ trong thành phố. Giả sử giảm được ách tắc 10% trong năm 2012, việc tiếp theo đó là gì? Giảm 80% như mục tiêu dài hạn của ngành giao thông, phải chăng người ta sẽ tiếp tục duy trì nó?
Suy luận logic theo tiền lệ của các hiện tượng về quy hoạch đô thị ở Việt Nam, e rằng một giả thiết có thể xảy ra: vì trung tâm đã bớt kẹt xe (ít nhất là qua con số thống kê nào đó), dần dà sự hạn chế nghiêm ngặt các dự án nhà cao tầng sẽ có thể được nới lỏng (?). Đây là một dự đoán mà tác giả bài viết mong là hoàn toàn sai và hẳn là ai cũng mong muốn kỷ luật quy hoạch đô thị cũng vững chãi như ý chí của các nhà hoạch định giải pháp cho giao thông.
Tuy nhiên, tham chiếu tới trường hợp thị trường tài chính - ngân hàng, trông vào những ý kiến sốt sắng đề nghị nới tín dụng - hạ lãi suất trong hai quý gần đây, khi lạm phát được báo cáo là "có dấu hiệu giảm bớt", quan ngại này không phải không có lý. Thêm vào đó, sự phấp phỏng còn đó khi gần đây người dân được biết rằng Quy hoạch Hà Nội sẽ tiếp tục được chỉnh sửa, dựa trên tình hình thực tế của sự phát triển thành phố.
Thực chất, trong lĩnh vực giao thông, những lợi ích liên quan tới thị trường bất động sản hầu như chưa bị đụng tới, dẫu rằng rất nhiều phân tích đã chỉ ra mối liên hệ mật thiết giữa hạ tầng giao thông quá tải với tình trạng xây cất tràn lan tới mức "nứt" quy hoạch, "bục" chỉ giới, "rách" giấy phép.
Đã từng có những khuyến nghị xác đáng từ các chuyên gia trong ngành kiến trúc, rằng chủ của các công trình xây dựng cũng cần phải nộp phí môi trường. Trông thì tưởng là gián tiếp, nhưng cũng không quá đáng khi xếp họ vào nhóm những người trực tiếp hưởng lợi từ hạ tầng công cộng như đường xá, hệ thống cấp thoát nước và thậm chí cả không gian xanh của thành phố. Nếu những người đi xe máy và ô tô có nghĩa vụ phải trả thêm cho việc sử dụng các dịch vụ công này, thì tại sao chủ của các công trình xây dựng đứng ngoài nghĩa vụ cao cả đó?
Người phương Tây có câu: "Món ăn của người này có thể là Thuốc độc với người khác". Vấn đề quan trọng của mục tiêu công bằng xã hội, vì thế, phải nằm ở chỗ, số người được xơi "món ăn" nên đông hơn số người buộc phải "nếm" vị thuốc đắng.
Chính sách của Singapore thì tạo ra một quan niệm thú vị ở đảo quốc này: "rất khó để tất cả mọi người hạnh phúc đều nhau, song chúng ta có thể làm cho mọi người đau khổ đều nhau". Giải pháp kinh tế đương nhiên là hợp lý trong những vấn đề như giao thông. Nhưng nghe chừng "sự đau khổ" áp tới số đông, thiệt thòi ở mức độ đại trà, thi hành được cấp tập, đáp ứng mục tiêu đã đặt ra trong một "thời hạn" nhất định, thì dễ hơn là đưa ra giải pháp toàn diện dành cho các tác nhân đòi hỏi nghiên cứu công phu hơn.
Trong cái giá buốt se sắt đẫm nước mưa phùn ngày đầu năm, những người lái taxi ở Hà Nội, một trong "nhóm lợi ích" đang chịu hy sinh để cải thiện tình trạng giao thông, tranh thủ rít nốt điếu thuốc ấm nhìn đồng hồ chờ nốt vài phút để nổ máy đi vào con đường sắp hết giờ cấm.
Theo Vietnamnet