VIDEO: Thước phim vô giá về lãnh tụ Fidel Castro tại sân bay Gia Lâm 1973

26/11/2016 14:20 GMT+7 | Video clip

(Thethaovanhoa.vn) - Sân bay Gia Lâm (Hà Nội), ngày 12/9/1973. Chuyến bay IL 18 đưa người anh hùng giải phóng dân tộc của thế giới Fidel Castro lần đầu tiên đặt chân tới Việt Nam.

Fidel lúc đó 47 tuổi, là bí thư thứ nhất Đảng cộng sản Cuba kiêm thủ tướng và tổng tư lệnh các lực lượng vũ trạng cách mạng Cuba.

Trong một động thái ít thấy của nghi lễ ngoại giao, đích thân tổng bí thư Lê Duẩn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Chủ tịch quốc hội Trường Trinh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra tận sân bay nghênh đón.

Sự xuất hiện của Fidel tại Hà Nội chỉ ít tháng sau Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết không chỉ là nguồn động viên đối với cách mạng Việt Nam.

Chuyến đi để tạo dũng khí cho cuộc đấu tranh của nhân dân Cuba và phong trào cách mạng Mỹ La tinh. Fidel đã đến đây, mảnh đất Việt Nam không còn tiếng bom. Việt Nam không phải là câu chuyện tưởng tượng. Việt Nam là minh chứng cho chân lý một dân tộc nhỏ có thể chiến thắng một cường quốc nếu có ý chí và đoàn kết.

"Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình". Câu nói ấy đã đi vào tiềm thức của lớp lớp những thế hệ người Việt Nam.

Thời ấy báo đài không nhiều, nên ai cũng mong được tận mắt nhìn thấy Fidel một lần. Người ta thường nói "Lịch sử được tạo nên bởi những con người biết vượt ra khỏi khuôn khổ".

Nếu đúng như vậy thì Fidel đã làm nên lịch sử tại Việt Nam. Ông đã trở thành lãnh tụ đầu tiên và duy nhất trên thế giới ghe thăm vùng giải phóng Quảng Trị.

Một lãnh tụ đi vào kỷ lục thế giới với 683 lần bị ám sát hụt nhưng đã bất chấp hiểm nguy rình rập tại mảnh đất với hàng rào điện tử Mc Namara, dù mấy chục năm bom đạn vẫn chưa yên. Khi ông vẫy lá cờ này, nòng súng của quân đội Mỹ chỉ cách một dòng sống Thạch Hãn .

Chuyến thăm của Fidel đã tạo một tiếng vang lớn cho VN. Việc một nguyên thủ quốc gia vào thăm vùng giải phóng Quảng Trị đã chứng tỏ tính chính danh của ta ở vùng đất này.

Nó cũng phát đi một tiếng nói quốc tế để nâng cao vị thế cho chính phủ cách mạng lâm thời miền nam Việt Nam.

Trong quan hệ quốc tế, hiếm có 2 dân tộc nào cách xa nửa vòng trái đất, không cùng chung văn hóa, ngôn ngữ, không liên hệ nhiều về địa chính trị mà lại có một mối quan hệ thủy chung trước sau như một như Việt Nam - Cuba.

Càng lạ hơn, khi đã bao năm trôi qua, nhưng nhân dân của 2 dân tộc hầu như không ai mảy may suy tư vì sao. Một tình hữu nghị đã ăn vào tiềm thức của 2 dân tộc có lẽ là tình hữu nghị bền vững nhất.


Đỗ Bảo (Nguồn: Ký ức Việt Nam/VTV)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm