Thư Trường Sa: 'Yên tâm nhé, đất liền!'

19/05/2014 09:02 GMT+7 | Thế giới


(Thethaovanhoa.vn) - Trong phút chia tay, quân dân trên đảo xếp hàng dài đồng thanh hát vang những khúc ca biển đảo, người trên tàu lặng lẽ vẫy tay chào mặc dòng nước mắt lăn dài xuống biển Đông. Khi tàu bắt đầu rời bến, những khúc ca ngưng lại, người trên tàu với vọng: "Vững vàng nhé, Trường Sa!" Quân dân trên đảo đồng thanh đáp lại: "Yên tâm nhé, đất liền!".

Đó cũng là lời nhắn cuối cùng mà người trên con tàu HQ 996 chúng tôi nghe được từ đảo Trường Sa Lớn (thị trấn Trường Sa) khi con tàu rẽ sóng tiếp tục cuộc hành trình thăm và kiểm tra các đảo thuộc quần đảo Trường Sa (huyện Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam).

Thanh bình Trường Sa

Một đường băng dài giữa đảo làm trung tâm nối mọi ngả đường tẽ ra các hướng của thị trấn Trường Sa. Những con đường nhỏ xinh được cắt đặt gọn gàng đều được phủ một màu xanh mướt mát dưới ánh nắng trong veo đầu Hè. Đây đó, những người lính hải quân đen xạm vì nắng gió biển Đông vẫn nghiêm mặt, nắm chặt cây súng, tập trung canh giữ biển trời đất nước.

Chúng tôi tản bộ dưới những tán cây, hỏi chuyện một vài người lính trong phút nghỉ ngơi, lắng nghe tiếng con trẻ cười khanh khách vang ra từ lớp học, quyện hòa với tiếng chuông chùa văng vẳng cùng tiếng sóng biển quê hương ào ạt vỗ bờ đá... Một khung cảnh bình yên đến lạ nơi tiền tiêu của Tổ quốc!


Nhân dân thăm hỏi các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên đảo Đá Lát. Ảnh: Quý Trung - TTXVN

Vừa rắc những vụn bánh quy cho đàn bồ câu, anh Nguyễn Phong Danh (33 tuổi), cư dân huyện đảo Trường Sa vừa nói: "Từ cha ông ngàn đời, những cây tra, phong ba, bão táp, bàng vuông, phi lao... đã đồng hành cùng người Trường Sa chống chọi với cái nắng biển Đông. Nên lớp lớp người Trường Sa chỉ trồng thêm cây để phủ xanh đảo chứ không bao giờ chặt hạ những tán cây che chở cho sự sống của mình. "

Cũng theo chia sẻ của anh Danh, cư dân Trường Sa chủ yếu sống bằng đánh hải sản, trồng trọt, chăn nuôi. Cuộc sống của người dân trên đảo diễn ra êm ả và trong lành. Sáng sáng, bố mẹ gửi con tới mẫu giáo, trường học. Rồi người cha ra khơi đánh cá, người mẹ về chăm vườn cây và đàn gia súc. Ngày Rằm, mồng một Âm lịch, cả nhà tới chùa Trường Sa thắp hương, nguyện cầu những điều an lành. Còn ngày thứ 2 đầu tháng (Dương lịch), toàn bộ quân và dân trên đảo tập trung dưới ngọn quốc kỳ, nơi đặt cột mốc chủ quyền Quốc gia chào cờ, hát quốc ca.

Thầy Phạm Trung Việt, giáo viên Trường Tiểu học Trường Sa cho biết: Các em học sinh ở Trường Sa quen với "chào cờ chủ quyền" từ nhỏ. Lúc bé, các em theo cha mẹ đứng nghiêm trang dưới ngọn quốc kỳ. Lớn hơn, tới trường, các em được nghe kể những câu chuyện vươn khơi, bám biển, giữ đảo của cha anh rồi  cùng bạn bè đồng lứa cùng hát vang quốc ca giữa biển trời quê hương. Dần dần, việc "chào cờ chủ quyền" như một niềm kiêu hãnh đặc biệt của người Trường Sa.


Đội văn nghệ Đăklăk giao lưu với các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên đảo Đá Lát, quần đảo Trường Sa. Ảnh: Quý Trung - TTXVN

Trường Sa không tin vào nước mắt

Ở Trường Sa Lớn, có lẽ buổi chiều tối là lúc nhộn nhịp hơn cả. Những người lính tranh thủ giờ nghỉ ngơi để đá bóng, đá cầu, chơi bóng chuyền, cắt tóc... Một vài người ngồi dưới tán cây gọi  về hỏi thăm người thân. Một nhóm lính khác tụ tập nhặt rau, làm cơm... Các hộ gia đình tíu tít đón những đứa trẻ từ trường về và cho những đứa trẻ ăn quanh những con đường nhỏ. Đảo nhỏ thanh bình lại rộn rã tiếng khóc, tiếng cười hồn nhiên...

Đoàn công tác chúng tôi đến thị trấn Trường Sa vào lúc 10 giờ sáng ngày 15/ 5/ 2014. Trong suốt 12 tiếng đồng hồ trên đảo, ngoài việc được tận hưởng cảm giác thanh bình đặc biệt của Trường Sa, chúng tôi có tới thăm chùa Trường Sa, viếng nghĩa trang liệt sĩ Trường Sa, giao lưu với quân và dân thị trấn...

Đúng 22 giờ đêm cùng ngày, chúng tôi được lệnh lên tàu, rời đảo Trường Sa Lớn. Trừ những người lính đang trực gác, cả đảo đã đứng thành nhiều hàng dài để chào "những người đất liền" (cách gọi của người dân trên đảo). Những bước chân ngập ngừng lên tàu; những cái ngoái đầu ngoảnh lại, môi mím chặt nhìn về hướng ngọn quốc kỳ; những cái bắt tay, vòng ôm rất vội... diễn ra đột ngột từ những cảm xúc tự đáy lòng.


Đại diện Đoàn công tác của Quân chủng Hải quân tặng quà cán bộ, chiến sĩ, quân và dân huyện đảo Trường Sa. Ảnh: Quý Trung - TTXVN

Và khi cả đoàn công tác đã lên tàu, quân và dân thị trấn Trường Sa đồng thanh hát những khúc ca biển đảo. Những ca từ làm khoảnh khắc càng trở nên lắng đọng: không xa đâu Trường Sa ơi...; đây Trường Sa, kia Hoàng Sa ngàn bão tố phong ba ta vượt qua...; hồn dân tộc nghìn năm không chịu khuất, bóng con tàu vẫn lướt sóng ra khơi... Người trên tàu lặng người vẫy tay chào mặc dòng nước mắt lăn dài xuống biển Đông.

Trước đó, một lính trên tàu đã nói với tôi: "Con người Trường Sa ngoan cường lắm. Họ đã vượt qua nhiều nghịch cảnh song ít khi rơi lệ". Và quả thực trong khoảnh khắc nghẹn ngào ấy, người Trường Sa chỉ càng tỏ vẻ rắn rỏi chứ không mảy may yếu đuối .

Khi còn tàu nhổ neo và động cơ đã chạy, những người trên tàu đồng loạt hô: "Hoàng Sa- Trường Sa", người dưới đảo đáp đồng thanh: "Việt Nam". Kế đó, người trên tàu hô: "Cả nước vì Trường Sa", người dưới đảo đáp: "Trường Sa vì cả nước." Khi tàu đã rời cảng, những lời động viên vang vang từ tàu: "Vững vàng nhé, Trường Sa!". Quân và dân trên đảo vừa vẫy tay vừa đồng thanh nói: "Yên tâm nhé, đất liền!"

Con tàu HQ 996 của chúng tôi lại rẽ sóng ra khơi, tới những hòn đảo mới, gặp những con người mới, trên biển cả quê hương mình.

Phạm Mỹ (từ Trường Sa, Khánh Hòa)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm