Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Vương Duy Biên: 'Đối thoại' về văn hóa năm 2018

03/01/2018 07:16 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Đầu năm Dương lịch, Thể thao & Văn hóa đã “xông đất” nhà Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Vương Duy Biên trong lúc ông đang tranh thủ ngày nghỉ để “vọc đất”, làm khuôn một con bò nặng tới cả chục tấn ở “không gian sáng tác” của ông tại xã Hiền Ninh, Sóc Sơn.

Nhìn lại bức tranh văn hóa 2017, bên cạnh những điểm sáng đã được ghi nhận, Thứ trưởng Vương Duy Biên cũng thẳng thắn trao đổi về những điều khiến bản thân ông còn trăn trở.

Ông nói:

- Thời gian tới, cần nhất là phải thay đổi tư duy và cách quản lý, từ đó kiến nghị sửa lại những quy định liên quan. Ví dụ, hoạt động triển lãm bây giờ không chỉ được thực hiện bởi các nghệ sĩ trong nước mà các nghệ sĩ nước ngoài ở các lĩnh vực khác nhau hoàn toàn cũng có thể vào Việt Nam để làm triển lãm. Chỉ cần lấy một ví dụ đó thôi cũng đủ thấy môi trường ở Việt Nam cũng đầy hấp dẫn và có nhiều điều kiện để các nghệ sĩ có cảm hứng sáng tác nhưng vẫn được quản lý chặt chẽ.

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Vương Duy Biên

Sẽ có quy định về thi sắc đẹp cởi mở hơn

* Xin lấy ra đây một "gam màu" gây ra nhiều ý kiến trái chiều nhất trong năm qua, đó là những lùm xùm về các cuộc thi nhan sắc. Xin ông cho biết năm nay có quy định gì mới không? (về phẫu thuật thẩm mỹ, điều kiện dự thi quốc tế...).

- Trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, Nghị định 79 mới chỉ có mấy năm nay, sau đó sửa đổi cũng vẫn chưa đáp ứng được. Các cuộc thi sắc đẹp chỉ là một phần trong Nghị định 79 nhưng nó đã bộc lộ nhiều bất hợp lý mà chúng ta cần phải điều chỉnh gấp. Cụ thể trong năm 2018 này sẽ phải có những quy định liên quan đến các cuộc thi sắc đẹp để quản lý rất chặt chẽ trên bình diện chung, nhưng cũng phải thoáng và cởi mở, phù hợp với các thông lệ quốc tế, phù hợp với tinh thần hội nhập của đất nước.

* Còn việc cấp phép ca khúc trước năm 1975 thì sao, thưa ông?

- Đất nước chúng ta có thời kỳ bị chia cắt thành 2 miền Nam - Bắc, cho nên việc quản lý những ca khúc trước năm 1975 ở phía Nam đương nhiên vẫn phải xem xét trước khi cấp phép lưu hành trên toàn quốc.

Có ý kiến cho rằng bây giờ cứ "up" lên mạng danh sách những bài hát bị cấm, và tự hiểu rằng, những bài nào chưa "up" nghĩa là được phổ biến. Nhưng cách thức này chưa phải là chặt chẽ vì nhỡ sau khi công bố lại phát hiện thêm những bài không phù hợp, không biết rõ nguồn gốc, thời gian sáng tác... thì phải làm sao?

Lại có ý kiến lại cho rằng, việc cấp phép ca khúc trước năm 1975 nên giao về cho các địa phương. Và tôi từng nói, nếu làm như thế, cán bộ văn hóa ở đâu thì trình độ cũng phải như nhau, ai sai cứ thế chiểu theo luật mà xử. Nhưng nhiều địa phương lại tỏ ra... ngại, cho rằng "không phải đầu cũng phải tai", tốt nhất nên "đá quả bóng trách nhiệm" lên cho Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho an toàn.

Vì thế, để không xảy ra trường hợp như lần tạm dừng cấp phép 5 ca khúc gây ý kiến trái chiều như năm vừa qua, tôi nghĩ khi đơn vị nào đó đưa danh sách đề nghị lên Cục, thì Cục cần phải xem xét ngay. Nếu nội dung không chống phá nhà nước, vi phạm thuần phong mỹ tục thì phải có văn bản trả lời ngay chứ không cần phải dùng đến hai chữ "cấp phép" làm gì. Theo tôi đó là cách nhẹ nhàng nhất, phù hợp với thực tiễn nhất. Đương nhiên, nói thế không có nghĩa là bỏ cấp phép ca khúc hoàn toàn.

Chú thích ảnh
Nguyễn Thị Thành bị phạt 22,5 triệu đồng vì “thi chui” cuộc thi Miss Eco International 2017 tổ chức ở Ai Cập

Mọi vấn đề cần phải giải quyết từ từ

* Chuyển sang chủ đề điện ảnh, năm mới sẽ có gì nổi bật và Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội 2018 có gì mới, thưa ông?

- Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội là sân chơi có thương hiệu, được nhiều nền điện ảnh quốc tế biết đến. Tất nhiên là so với quốc tế thì... chưa ăn thua gì vì Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội chỉ mới được vài tuổi.

Liên hoan năm nay chắc chắn sẽ phải tìm ra những cái mới, nhưng tạm thời chưa thể nói trước được. Về cơ bản thì nó vẫn là "format" như những liên hoan đã tổ chức trước thôi. Cứ thế mà vận hành! Có chăng chỉ khác về tư duy làm truyền thông vì cái đó rất quan trọng để khuếch trương "thương hiệu".

Về câu chuyện cổ phần hóa Hãng phim Truyện đương nhiên không riêng gì tôi mà nhiều anh em nghệ sĩ khác cũng rất băn khoăn. Tất nhiên, cổ phần hóa là xu hướng mà nhà nước mong muốn có được một mô hình mới để phát triển. Nhưng vận hành một mô hình mới để đạt được như kỳ vọng không hề đơn giản vì cổ phần không chỉ có mô hình là xong mà còn cần rất nhiều yếu tố và thời gian.

Còn nói về điện ảnh nước nhà nói chung, chỉ cần nhìn vào rạp chiếu thôi thì chúng ta có thể biết điện ảnh đang phát triển đến đâu và có đồng đều hay không. Tôi cho rằng, ở đâu có rạp chiếu phim nhiều thì điện ảnh ở đó nảy nở, điển hình như Hà Nội và TP.HCM. Còn đầu tư rạp chiếu ở những nơi thưa dân và dân thì không thích, không yêu, không xem phim thì phải tính.

Hollywood từng sang Ấn Độ thăm dò thị trường để đầu tư vào đất nước hơn 1 tỷ dân này nhưng rồi đầu tư không nổi vì một lý do đơn giản là dân Ấn Độ họ chỉ thích xem phim do chính mình sản xuất. Vì thế Bollywood như mọi người đều thấy, họ rất phát triển, mỗi năm có thể sản xuất hàng trăm bộ phim...

Với chúng ta, bao giờ mới có được một thị trường đúng nghĩa, một thị trường mà ở đó có những cái chợ có thể buôn bán phim. Nói ra điều này nhiều người lạc quan bảo sẽ đạt được trong tương lại gần. Nhưng theo tôi thì... "chưa gần".

* Nhưng bây giờ, trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật đang có xu hướng sáp nhập thì hẳn cái tương lai gần ấy hoàn toàn có thể đến chứ, thưa ông?

- Đúng là bây giờ đang có xu hướng sáp nhập. Chẳng hạn việc điện ảnh sáp nhập với trung tâm văn hóa và các đoàn nghệ thuật là đúng với chủ trương tinh giản đầu mối, bộ máy. Nhưng đây là vấn đề thực sự khiến tôi cảm thấy rất lo ngại. Ví dụ các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp mà "ghép" với các trung tâm văn hóa lẽ đương nhiên trung tâm văn hóa sẽ mạnh lên nhưng các đoàn nghệ thuật sẽ... nghiệp dư đi.

Có những nơi thì sáp nhập chẳng cái nào với cái nào cả. Ví dụ chèo, cải lương sáp nhập với múa rối thế thì cái nào sẽ là cái phát triển? Với cách thức như thế thì dường như chúng ta đang vừa làm vừa học tập, vừa nghiên cứu thì phải.

Vì thế chúng ta phải xác định chúng ta đang ở đâu và phải nhìn thấy trước được lĩnh vực nào đang bị đe dọa hoặc gặp khó khăn.

* Xây dựng "công nghiệp hóa văn hóa" là một việc lớn. Một trong số những việc phải làm là giải quyết tốt vấn đề quyền tác giả. Ông nghĩ gì về vấn đề này?

- Công nghiệp văn hóa là sản phẩm của xã hội công nghiệp. Và rõ ràng chúng ta đều thấy cần phải phát triển văn hóa nhưng hạ tầng lại chưa được chuẩn bị tốt, chưa đầy đủ để đáp ứng được nhu cầu phát triển công nghiệp văn hóa. Ví dụ, vấn đề bảo vệ quyền tác giả, chúng ta cũng rất muốn làm tốt để tuân thủ những cam kết quốc tế song phương hoặc đa phương và đã cam kết thì mình phải thực hiện.

Muốn làm được việc đó thì từ người dân cho đến những chủ thể sáng tạo cần phải nhận thức rõ về vấn đề này, rồi cần phải vận dụng luật để bảo vệ quyền tác giả của mình trước thế giới... Ngoài ra là cần phải có nguồn nhân lực để thực thi luật, xử lý các vi phạm!

Vì thế, mọi vấn đề cần phải giải quyết từ từ và còn cần rất nhiều thời gian để điều chỉnh!

* Xin cảm ơn ông!

Thứ trưởng Vương Duy Biên chia sẻ: “Nhiều người đẹp đạt danh hiệu trong nước nhưng đi thi quốc tế lại trượt, trong khi đó nhiều người "ẵm giải" quốc tế lại không phải là người đoạt danh hiệu trong nước”.

Thi người đẹp quốc tế không cần phải có danh hiệu trong nước?

“Theo ý kiến của tôi thì không nhất thiết các người đẹp Việt Nam cần phải đạt được một danh hiệu nào đó trong nước mới được tham dự các cuộc thi nhan sắc quốc tế. Cụ thể hơn, tôi nghĩ, hồ sơ của các người đẹp đi thi quốc tế cũng chỉ nên rất đơn giản, miễn ai có "hạnh kiểm tốt, đạo đức tốt", có thư mời của BTC... thì nghiễm nhiên "automatic" sẽ được cấp phép.

Điều này cũng giống như bên điện ảnh, nhiếp ảnh và mỹ thuật vậy: nước ngoài họ thấy bộ phim, bức tranh, tấm ảnh nào tốt thì họ mua, chiếu, trưng bày, triển lãm chứ chẳng cần phải có tiêu chí khắt khe...”.

(Quan điểm của Thứ trưởng Vương Duy Biên)

Thứ trưởng Vương Duy Biên: Không có tư nhân sẽ khó có Đêm Việt Nam tại Cannes 2017

Thứ trưởng Vương Duy Biên: Không có tư nhân sẽ khó có Đêm Việt Nam tại Cannes 2017

'Đêm Việt Nam tại LHP Cannes là nỗ lực rất lớn của các hãng phim tư nhân. Không có họ, Việt Nam khó có thể có một đêm quảng bá điện ảnh Việt tại Cannes hoành tráng như thế' - Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL chia sẻ.

Huy Thông (thực hiện)

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm