Tết Ta ăn theo lịch Tây, thời nay tiện đủ đường

23/01/2013 08:39 GMT+7

Tết là tiết, thời tiết. Tết vẫn quen gọi, là tiết xuân, lúc xuân sang. Nhưng từ thời “cổ truyền” vẫn gắn với xả cảng ăn, chơi, với nhiều thủ tục thịt mỡ, câu đối…

Những năm 60 thế kỷ trước có văn bản hành chính dùng lịch dương, nhưng vẫn có ngày âm, dưới tờ lịch vẫn loằng ngoằng tý chữ lạ, chả hiểu là gì. Chục năm nay có đề xuất “nhất biên đảo” theo lịch Tây cho tiện.

Nay ồn lên sáng kiến: Vẫn Tết Ta, nhưng dồn cả vào dịp Tết Tây, “Đông Tây y kết hợp” ăn chơi ngủ nghỉ, hai trong một cho dễ nhớ, tiện luôn mọi thứ.



Phù, nghe rất phù hợp. Các thứ “chính thống” theo dương lịch. Âm vẫn còn, vẫn “quá độ”, làng xã, cá nhân vẫn “thích thì chiều”, riêng tư “âm lịch”.

Tết như hiện nay trở thành Tết xuân, Lễ hội đón xuân, Festival mùa xuân… Vẫn hội hè, múa hát, du xuân, nhưng dân gian, hội hè, chứ không mang tính “chính chủ” quốc gia, long trọng cờ đèn kèn trống, hoa hoè hoa sói, chúc tụng, quà cáp, nghỉ làm…

Lịch, như một sản phẩm văn hóa, do con người làm ra. Tết bày lựa lúc nông nhàn, phù hợp thời tiết. Chẳng qua ước lệ, thống nhất cho tiện, lối mòn đi mãi thành đường.

Thời tự cung tự cấp, mạnh ai nấy vui. Đến thời hoà hợp, âm dương vênh thế, kẹt, chênh nhiều thứ. Tây nghỉ ta làm, ông hùng hục làm bà lại õng ẹo tháng giêng ăn chơi, lệch pha làm mất hứng…

So với thời chế biến lịch, phương thức sản xuất nay đã khác, lực lượng và quan hệ sản xuất cũng đã khác, nhưng về văn hoá vẫn nhiều cái kéo đuôi “cổ truyền”. Đổi, khó sớm chiều mà được, cần quá độ và đổi trước tư duy…

Nhật Bản nặng nề truyền thống, đổi sang dương lịch từ năm 1868. Triều Tiên, Miến Điện cũng chuyển sang đón Tết dương lịch hoành tráng.

Nếu một mai, không ăn Tết theo kiểu “cổ truyền” sẽ bỏ được bao nhiêu thứ rườm rà, tốn kém, hủ tục và cả tư duy phô  trương.

Trong các món cổ truyền ngày Tết như “thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”… dường như chỉ có bánh chưng có tích hay, nên gạn đục khơi trong.

Nào hay gì phong tục lạ như lì xì, chúc tụng được tiền làm trẻ con líu ríu. Được tập huấn dịp Tết, lớn lên chúng nhớ, có thể “sáng tạo” thêm cả những dịp không cần Tết.

Nguyên Đán qua, lắm thứ Tết khác (Nguyên Tiêu, Đoan Ngọ, Trung Thu…) lại đến, luẩn quẩn, rườm rà như thủ tục của “văn minh lúa nước” chưa công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Văn hoá, phong tục, tập quán, lễ nghĩa… riêng cần bảo tồn, phát huy. Bỏ cái cổ hủ, lai căng, vay mượn…, hội nhập với nhịp sống công nghiệp văn minh.

Theo Trần Giang Phương

Đẹp

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm