Thu tác quyền âm nhạc qua tivi: Minh bạch bằng cách nào?

21/09/2017 07:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Việc VCPMC (Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam) tuyên bố tiếp tục triển khai thu tác quyền sử dụng âm nhạc qua tivi tại khách sạn đang gây ra những phản ứng rất trái chiều.

Theo trung tâm, việc thu phí này sẽ tiến hành từ đầu tháng 10 năm nay, tại các khách sạn từ 1 sao tới 3 sao, với mức phí 25.000đ/ti vi.

Nếu minh bạch, sẵn sàng đóng... gấp đôi

Cần nhắc lại, vài tháng trước, VCPMC từng nhắc tới việc này và gặp những phản ứng khá mạnh. Và với tình trạng hiện tại, có thể thấy kế hoạch của Trung tâm cũng khó triển khai suôn sẻ.

Gần nhất, ngày 18/9, Hội Khách sạn Đà Nẵng đã có văn bản từ chối yêu cầu của VCPMC và nêu rõ quan điểm: sẽ không thực hiện điều này, cho đến khi VCPMC trả lời, giải đáp được những thắc mắc của Hội.

Theo lý giải trong văn bản, tại Việt Nam, đài truyền hình đã đóng tiền tác quyền cho VCPMC. Do vậy, việc VCPMC tiếp tục thu tiền các khách sạn là trùng lặp. Và, do các khách sạn đã nộp tiền cho các đơn vị phát sóng, việc VCPMC thu tiền trên từng ti vi là phí chồng phí.

Chú thích ảnh
Việc thu phí tác quyền âm nhạc qua ti vi tại khách sạn chắc chắn sẽ còn gây tranh luận

"So với vài tháng trước, việc VCPMC triển khai thu vẫn không có gì mới, Vẫn là cách áp đặt cũ, vẫn biểu giá cũ, vẫn chưa hề có sự thuyết phục để tìm đồng thuận từ các khách sạn" - ông Phạm Việt Cương, đại diện Hội khách sạn Đà Nẵng, chia sẻ.

"VCPMC nên xem lại hành lang pháp lý của mình. Mức phí họ đưa ra hoàn toàn không có cơ sở. Nếu hành lang pháp lý đầy đủ, phải đóng không chỉ 25.000 đồng mà tới 50.000 đồng chúng tôi cũng sẽ đóng theo pháp luật" – ông Cương nói thêm – "Nhưng trước hết, VCPMC phải có công cụ đo lường chính xác về đơn vị sử dụng, chỉ thu những tác phẩm mà VCPMC được ủy quyền thu. Và vì là quan hệ dân sự, họ phải tìm được sự đồng thuận của chủ sử hữu và người sử dụng”.

Luật sư Đỗ Pháp, Trưởng văn phòng luật sư Đỗ Pháp tại Đà Nẵng cũng cho rằng, VCPMC cần chỉn chu hơn trong cách tiếp cận vấn đề. "Họ phải có căn cứ pháp lý vững chắc để bảo vệ cho quan điểm thu phí, phải có sự ủy quyền của tác giả âm nhạc, phải có biểu giá biểu mẫu tại các nơi thu phí một cách công khai, minh bạch" – ông nói – "Như vậy, may ra mới có thể thu phí được từ các khách sạn".

Có nên "đếm phòng ngủ" để thu?

Có kinh nghiệm lâu năm về bản quyền, chuyên gia Đặng Đình Long (Viện trưởng Viện nghiên cứu và tư vấn phát triển RCD) đặt ra câu hỏi: "VCPMC viện tới kinh nghiệm quốc tế trong cách thu này. Vậy nhưng, đó là kinh nghiệm ở đâu, bởi có nước làm như vậy, có nước thì không".

Theo nghiên cứu của ông Long, tại Anh và Mỹ, việc thu phí bản quyền tivi tại khách sạn chỉ áp dụng ở những không gian công cộng như tiền sảnh, quầy bar – còn phòng ngủ thì không. Bởi, theo định nghĩa của các quốc gia này, khu vực phòng ngủ là không gian riêng tư, chứ không phải công cộng. Đặc biệt, việc thu phí này có công cụ giám sát về sử dụng tác phẩm qua việc lắp đặt thiết bị.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch VN: Thu tác quyền âm nhạc qua ti vi ở khách sạn là tùy tiện

Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch VN: Thu tác quyền âm nhạc qua ti vi ở khách sạn là tùy tiện

Câu chuyện về thu phí tác quyền âm nhạc qua ti vi ở khách sạn đang làm nóng dư luận với rất nhiều ý kiến.

"Có nơi dùng bao nhiêu thu bấy nhiêu, có nơi khoán. Thậm chí, Mỹ và Anh trước đây còn thu phí theo diện tích, chẳng hạn khách sạn hay quán bar rộng dưới 1200m2 thì họ không thu, trên mức đó thì họ thu"- ông Long nói.

Theo lời ông, việc các doanh nghiệp phản ứng với VCPMC là dễ hiểu, bởi vấn đề thu phí này chưa thật minh bạch rõ ràng. Đặc biệt, do là quan hệ dân sự, nên việc này cần có sự thỏa thuận giữa bên chủ sở hữu và bên sử dụng.

"Thật ra, chuyện dùng công nghệ để đáp ứng sự minh bạch là không khó. Chẳng hạn, tôi biết có công ty công nghệ tại Việt Nam đã nhập về loại thiết bị cho phép giám sát đến từng phút từng giây những ca khúc nào được sử dụng suốt 24/24 giờ ở trên hàng trăm kênh truyền hình và radio" – ông Long cho biết. "Vấn đề là các chủ sở hữu có sẵn sàng để dùng nó không? Bởi vì nếu mà dùng nó mà có lợi thì họ sẽ dùng, còn dùng nó mà không có lợi thì chưa chắc họ đã dùng. Nhưng tôi tin rằng với sự văn minh dần lên của xã hội, chuyện minh bạch hóa trong việc thu và sử dụng sẽ được rõ ràng hơn rất nhiều trong một tương lai không xa".

Từng được yêu cầu tạm dừng

Kế hoạch thu phí bản quyền âm nhạc qua ti vi tại khách sạn được VCPMC công bố vào cuối tháng 4 vừa qua và gây ra khá nhiều tranh luận. Sau một thời gian ngắn, Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã ra văn bản quyết định dừng việc thu phí do nhận thấy việc tiến hành thu phí tác quyền qua tivi tại khách sạn của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Việt Nam còn chưa minh bạch, rõ ràng.

Đồng thời, cơ quan này yêu cầu VCPMC xác định tác giả thành viên ủy quyền, xây dựng biểu mức, tiến hành đàm phán thỏa thuận với tổ chức/cá nhân khai thác, sử dụng theo đúng quy định của pháp luật. Khi làm rõ được các vấn đề nêu trên, việc thu phí mới được tiếp tục theo đúng quy định.     

Hoàng Yến – Hồng Nhung

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm