28/04/2023 08:22 GMT+7 | Văn hoá
Sophia thân mến! Vậy là những ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần 2 năm 2023 đã kết thúc. Là người có hơn nửa thế kỷ say mê đọc sách, tôi vui mừng khi thấy sự rộn ràng, và rồi chính sự rộn ràng ấy lại khiến tôi băn khoăn liệu có như một số hoạt động có tính phong trào khác, sau khi sự kiện kết thúc mọi sự có trở nên trầm lắng, và ai thích đọc sách vẫn đọc, ai không thích đọc sách thì vẫn không đọc?
Lại thiển nghĩ, trong một số giá trị - hành vi văn hóa dường như đã mai một ở Việt Nam, có sự mai một của Văn hóa đọc - một mỹ tục theo tôi khó tạo lập, trao truyền trong năm bảy năm, thậm chí vài chục năm?
Một thời ở Hà Nội, tủ sách, giá sách được trân trọng, là niềm tự hào của nhiều gia đình. Cuối những năm 60 thế kỷ trước, vẫn thấy một số hàng sách cũ bày bán các cuốn sách xuất bản trước năm 1954, đóng dấu mực tím hình ô-van, ghi rõ từ tủ sách gia đình với tên, địa chỉ cụ thể. Hồi ấy, cửa hàng cho thuê sách cũng nhiều, người tấp nập, thuê 5xu/ngày.
Từ thời chiến tranh đến thời bao cấp, hệ thống hiệu sách nhân dân, thư viện các cấp, thư viện nhà trường trở thành địa chỉ để nhiều người ghé qua buổi tối, hoặc ngày nghỉ. Đám trẻ như tôi, tích cóp được dăm hào là đến hiệu sách. Có cuốn sách hay, bạn thân thiết thì cho mượn, không thân thiết thì trao đổi theo lối cho mượn cuốn này phải đưa lại cuốn khác. Cuốn nào không có để đọc, đành há hốc mồm nghe bạn đã đọc rồi kể lại... Qua đó có thể thấy, đọc sách trở thành nhu cầu không thể thiếu của mấy thế hệ.
Ham đọc sách nên gia đình tôi 5 lần dọn nhà thì lần nào nặng nề nhất cũng là mấy bao tải sách. Hồi đầu nhà chật, giá sách để phòng khách. Sau phải nghe những câu hỏi, đại loại "Đọc sách có ra tiền không?", "Đọc lắm thế?", "Đọc thế không "vỡ đầu" à?",... thì tôi bắt đầu ngại. Sửa nhà xong, tống vào buồng, đỡ phải nghe các câu hỏi không biết trả lời ra sao. Tuy thế, tôi vẫn luôn luôn cổ vũ đọc sách. Nếu ai hỏi đã trao lại cho các con tài sản gì lớn nhất, không phải cân nhắc, tôi sẽ trả lời đó là: "Tình yêu sách và thói quen đọc sách".
Có ý kiến cho rằng sự suy giảm, mai một của Văn hóa đọc ở Việt Nam do sự lấn át của Internet, các phương tiện nghe - nhìn và công nghiệp giải trí. Nghe cũng có lý. Nên lần đầu sang châu Âu, một trong một số điều tôi muốn tìm hiểu là ở nơi Internet, các phương tiện nghe - nhìn và công nghiệp giải trí phát triển hơn ở Việt Nam rất nhiều thì người châu Âu lười đọc sách hay không?
Và không phải điều tra, phỏng vấn, tôi đã có câu trả lời rằng người châu Âu không chỉ vẫn đọc mà còn đọc rất nhiều. Vì tôi đã gặp rất nhiều người đang đọc sách trên tàu điện ngầm, xe bus, máy bay, ngoài công viên... Những bức ảnh tôi đã chụp trong những chuyến ngao du cho thấy rất rõ điều đó.
Xét đến cùng, Văn hóa đọc xác định các tiêu chí ứng xử với một loại sản phẩm văn hóa, đó là sách. Vì thế Văn hóa đọc không những là giá trị mà còn là hành vi. Tức là Văn hóa đọc không chỉ là giá trị tinh thần mỗi người cần thâu nhận, mà họ cần phải thể hiện qua hành vi cụ thể là đọc sách. Do đó trong tương quan tất yếu và hữu cơ, Văn hóa đọc đồng thời yêu cầu sách phải thực sự là sản phẩm mang tính văn hóa, có khả năng thỏa mãn nhu cầu một cách tích cực, góp phần nâng cao tri thức và đó là trách nhiệm của giới xuất bản.
Mặt khác như mọi giá trị - hành vi văn hóa khác, Văn hóa đọc luôn liên quan mật thiết với nhu cầu. Vì hiển nhiên, không có nhu cầu đọc thì con người không đọc sách. Từ đó có thể nói do gắn liền với con người nên Văn hóa đọc chỉ có thể tạo lập, xây dựng, phát triển, trao truyền trên cơ sở nhu cầu tự thân của chính con người. Mỗi người chỉ đọc sách khi bản thân ham thích và tìm cách thỏa mãn sự ham thích.
Theo quan sát của tôi, hầu như thói quen đọc sách hình thành từ khi còn ít tuổi, không có nhiều người đến khi lớn tuổi mới thích đọc sách, Như vậy, muốn sách và Văn hóa đọc trở thành nhu cầu phổ biến, cần bắt đầu từ người lớn, gia đình, mà trước hết là cha mẹ.
Lẽ thường, chẳng cha mẹ nào có thể "bắt" con cái đọc sách này sách kia. Nếu bị "ép" như thế, con cái sẽ đọc quấy quá cho xong. Còn khi con cái còn bé chưa biết chữ, hằng ngày cha mẹ không dành chút thời gian đọc sách cho con nghe, hướng dẫn con xem truyện tranh; còn khi ở nhà cha mẹ dán mắt vào smartphone, thỏa mãn với loại thông tin đôi ba dòng nhiều khi tào lao, vô bổ tràn ngập trên các mạng xã hội, mà vẫn yêu cầu con cái phải đọc sách thì thiển nghĩ khó có kết quả khả quan.
Sophia thân mến!
Cha mẹ ham thích đọc sách sẽ là yếu tố quan trọng khiến con cái ham thích đọc sách. Và theo tôi, không phải đến khi biết đọc, biết viết thì trong đứa trẻ mới xuất hiện nhu cầu đọc sách. Mà ngay khi chưa biết đọc, biết viết qua chuyện cha mẹ kể hằng ngày, dấu ấn đầu tiên của nhu cầu đọc đã xuất hiện. Đến khi biết đọc, biết viết thì hình thành rõ rệt.
Cũng phải nói thêm, đọc sách thời hiện đại có quan hệ chặt chẽ với đặc điểm tiếp cận tri thức, nhu cầu thẩm mỹ, thị hiếu thẩm mỹ, sở thích của mỗi thế hệ. Ngay các cuốn sách cha mẹ thích đọc khi còn bé, cũng chưa hẳn sẽ phù hợp với đặc điểm riêng của thế hệ con cái. Do vậy cha mẹ cũng nên tự nhận thức để hiểu, thích ứng với đặc điểm riêng của thế hệ con cái.
Từ tiếp cận này thì một ngày người lớn, cha mẹ còn coi thường sách, không trau dồi các giá trị của Văn hóa đọc, không hiện thực hóa các giá trị đó qua hành vi đọc sách thì ngày ấy, phổ cập Văn hóa đọc vẫn là một thách thức, phải không?
Tạm biệt Sophia và hẹn gặp thư sau!
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất