Ca sĩ Thu Phương: Muốn về thời tóc ngắn, quần jeans, để hát rock

19/09/2016 12:01 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - 30 năm trong sự nghiệp ca hát, cũng là 30 năm trải nghiệm với những thăng trầm cuộc đời, “đi qua” hai cuộc hôn nhân, làm mẹ của bốn đứa con, sống ở hai môi trường khác biệt… Đó là những gì khiến Thu Phương cảm thấy mình là một người cảm thấy không bao giờ được trọn vẹn.

Tất nhiên, “khao khát nhiều, oan trái cũng nhiều” – chị tự trả lời cho mình lý do của sự không trọn vẹn ấy.

Nhưng có một sự trọn vẹn đã diễn ra, một sự hân hoan mà Thu Phương muốn chia sẻ với khán giả ở quê hương trong thời điểm này. Đó chính là album Hội Trăng vừa ra mắt (trước Tết Trung Thu 3 ngày).

Hãy nghe Thu Phương trải lòng vào thời điểm mà chị bảo rằng mình muốn nói nhiều nhất vào lúc này.

* Với album Hội Trăng, chắc hẳn, sẽ nhiều hơn một ý nghĩa với chị là tri ân khán giả dịp Trung thu?

- Đúng vậy. Hội với tôi ở đây là sự gặp gỡ, là sự hội ngộ. Một trong những cuộc gặp ý nghĩa đó là khi tôi nói chuyện với nhạc sĩ Dương Trường Giang về tình yêu với Hà Nội - nơi cả tôi và cậu ấy đều đã và đang sống và làm việc, trân trọng những gì mình đang có.

Rồi đến khi chúng tôi thực hiện album này, tôi thấy mọi thứ đến với mình giống như một sự vừa vặn, tròn đầy. Hội Trăng là như thế. Bao hàm cả sự may mắn vì album dù chỉ có 19 ngày thực hiện nhưng đã hoàn thành chỉnh chu.

Mà với tôi, điều gì xảy ra được trong cuộc sống như thế là thuận theo tự nhiên. Và tôi thấy vui, hân hoan vì mình đã làm được.


Ca sĩ Thu Phương. Ảnh Dạ Miêu

* Nói đến chuyện cũ người mới ta. Ca khúc trong album “Hội Trăng” không mới nhưng có thể hiểu cách làm mới đc thể hiện ở phong cách electro pha ballad là chủ yếu. Bên cạnh đó là giọng hát có sự trải nghiệm sau 30 năm khi hát về tuổi thơ. Và chị nhớ lại quãng thời gian hát Rock của mình như thế nào?

- Bây giờ tôi vẫn chất đầy chất rock trong mình đấy chứ, chỉ là chưa có cơ hội “bung lụa”. Vì tôi nghĩ, những gì là bản năng, là bản chất hay cá tính thì sẽ luôn được đầy đủ thêm, được bổ sung hoàn thiện mỗi ngày, chứ không mất đi.

Rock là cá tính của thời trẻ. Lúc đó tôi hát với năng lượng, nhiệt huyết tuổi trẻ, với sự tương tác của khán giả là sinh viên và đó là thời “tưng bừng” mà tôi đã được sống trọn vẹn.

Cũng vì thế, tôi chưa bao giờ hối tiếc khi hát tại bất cứ sân khấu nào từ trước đến nay, từ quán bar, vũ trường, sân khấu học đường hay ở những nơi hành chính sự nghiệp, cho đến sân khấu hải ngoại.


Thu Phương trong buổi ra mắt album "Hội Trăng"

Cho đến thời điểm này, tôi nhận thấy mình vẫn là người nhiệt huyết. Tôi phải cảm ơn những người trẻ bởi họ chính là những người đã truyền năng lượng cho mình, giúp mình yêu đời và thi vị hơn. Và mong muốn của tôi là sẽ làm một tour diễn dành cho sinh viên. Tôi thấy mình còn rất trẻ và muốn trở lại một thời tóc ngắn, quần jeans, áo ba lỗ, phong cách tomboy để hát rock.

Nhìn lại chặng đường ấy, tôi muốn mượn lời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để nói rằng: “Tôi luôn luôn nhớ thương tuổi trẻ. Tuổi của tình yêu nồng nàn. Khi tôi yêu thương tuổi đời ngọt ngào ấy, tôi luôn nhớ về một thời đã qua, một thời tuổi trẻ tôi đã mất”.

Và cũng từ những triết lý ấy, mà tôi nghĩ mình phải sống và nắm bắt hiện tại thật tốt.

* Vậy Thu Phương mà hát rock thì được là chính mình đến đâu?

- Phải 70%. Rock đang là một phần chưa được thức dậy trong tôi. Có thể tôi đang chờ đợi một sân khấu, một thời điểm thích hợp để quay trở lại với rock. Và biết đâu, từ cuộc trò chuyện này, các nhóm rockband có thể “ngó” đến một nhân tố như tôi thì sao nhỉ?

* Như chị chia sẻ, trong dự án này, nhạc sĩ trẻ Dương Trường Giang thường phải gợi ý tưởng tượng cho chị về cách thể hiện ca khúc một cách khá cường điệu. Và tôi tự hỏi, cuộc sống của chị chẳng lẽ chưa đủ trải nghiệm để tự cảm nhận về tác phẩm?

- Thực ra, nhạc sĩ Dương Trường Giang muốn tôi thể hiện cái nhìn khách quan - cái nhìn nhằm nhận được sự đồng điệu của người nghe hơn là cái nhìn chủ quan của riêng tôi.

Mà tôi nghĩ đó là sự gợi ý đúng. Bởi với 30 năm đi hát, nếu vẫn giữ “nếp” hát cũ, với những ca khúc đã quen thuộc thì tôi sẽ bị lặp lại chính mình.

Còn thực ra, một người cất tiếng hát, “nhả” một chữ thôi đã nặng trĩu năm tháng, đôi khi muốn gào thét thì phải gìm mình lại, thực sự khó có thể hát trong sáng những tác phẩm như Con cò hay Đưa cơm cho mẹ đi cày được lắm. Trước khán giả, tiếng hát cất lên có vẻ dễ dàng nhưng với tôi, đó thực sự là một cuộc đấu trí với chính mình.

Để thể hiện được những ca khúc như vậy, tôi đã phải để lòng mình tĩnh lại, bản thân phải quay ngược lại thời gian. Khi tâm hồn trong sáng bình lặng, mình hát lên sẽ khác. Và quả thật như vậy!


Thu Phương và vị hôn phu Dũng Taylor

* Quay ngược lại thời gian, chị nhớ gì về kí ức tuổi thơ trong dịp Tết Trung Thu?

- Cuộc sống gia đình tôi thời ấy có nhiều khó khăn. Cứ sau bữa cơm chiều là mẹ tôi đi làm từ 8h tối đến 7h sáng mới về. Từ bé, giấc ngủ của tôi ít khi có mẹ bên cạnh. Tôi lại là người nhạy cảm nên hay mau nước mắt nên tuổi thơ cũng có nhiều nỗi buồn đeo đẳng đến mình bây giờ.

Tôi nhớ Tết Trung Thu thường là những ngày vui nhất khi mấy anh chị em chúng tôi có được một đĩa lạc rang hoặc luộc, có đĩa vải để chia nhau.

Tôi nhớ, khi những bạn cùng xóm có đèn lồng, có đồ chơi đẹp thì anh trai tôi phải cắt bìa vở cũ, rồi vẽ để làm mặt nạ để chơi. Thậm chí, anh còn vẽ nhiều để hai chị em mang đi bán.

Tôi đã có ít nhất 10 năm tuổi thơ như vậy. Sau này có điều kiện hơn thì cả xóm xem chung cái tivi. Đó là những kỉ niệm đẹp nhất của tuổi thơ tôi dịp Trung Thu.

* Vậy, bây giờ chắc hẳn các con chị có Trung Thu đầy đủ hơn mẹ?

- Không, thực ra là các con lại còn thiệt thòi hơn mẹ. Nhất là hai cháu bé. Ở bên Mỹ, cộng đồng người Việt vẫn tổ chức ngày lễ này cho các con nhưng không thể như ở Việt Nam được.

Tôi nghĩ dù mình có nói bao nhiêu cũng không thể diễn tả cho các con hiểu Trung Thu thật hay, thật đúng là như thế nào. Bây giờ, chỉ có mở trên Youtube, tìm lại một số tư liệu và chỉ cho con thấy. Mình cũng chỉ có thể bồi đắp thêm cho các con, để các con có được những ngày Tết vừa mới, vừa cũ trong kí ức tuổi thơ.

Nhưng cũng vui là con trai tôi rất yêu âm nhạc và ngày nào cũng là ngày Trung Thu của cháu. Cháu thích rồng và trống nên ngày nào cháu cũng vẽ tranh rồng, chơi trống. Còn tôi, năm nào cũng mua trống, đầu rồng từ Việt Nam sang. Cứ hỏng, lại mua.

* Trong cuộc sống gia đình, người ta bảo một ông chồng điếc và một bà vợ mù sẽ làm nên hạnh phúc. Chị nghĩ sao về câu nói này với cuộc sống của gia đình mình?

- Thực ra, trong gia đình tôi, cả hai đều nói nhiều và cũng mâu thuẫn đến giờ. Nhưng điều này, không khó hiểu vì cả hai cùng cá tính mạnh, cùng có tuổi thơ độc lập, dữ dội, đến với nhau trong môi trường văn hóa khác nhau. Nên đây là cuộc thử thách cả hai.

Lúc đầu, anh ấy nghĩ chỉ cần với tình thương và sự bao bọc dành cho những đứa con của tôi, anh ấy sẽ làm được. Nhưng thực tế, không hẳn vậy.

Vì thế, cho đến giờ, con người ấy cũng đã từng trải qua những giai đoạn “bầm dập” với gia đình tôi và bản thân tôi cũng nhiều phen “lên bờ xuống ruộng”, sống dở chết dở để “bảo tồn” gia đình đến ngày hôm nay.

Điều mà chúng tôi phải lắng nghe nhau nhất ở đây có lẽ là việc nuôi dạy con. Khi mình là người lắng nghe xung quanh, quan sát và chia sẻ, sẽ thấy nuôi con thật khó khăn. Một thuyền một bến còn trục trặc, còn nhiều chuyện, huống chi là như tôi.

Nên, nhiều khi mình cũng phải phục bản thân vì mình mạnh mẽ, cứng rắn, nhưng có khi lại phải uyển chuyển để thuyết phục gia đình vượt qua nhiều rào cản, định kiến.

Thời gian 10 năm qua, cho tôi nhiều kinh nghiệm vô cùng. Và tôi nghĩ, cuộc sống nhiều mâu thuẫn thì mình luôn vận động, luôn có nhiều phương án giải quyết còn cái đích tốt đẹp thì vẫn còn ở xa lắm. Nhưng mình vẫn cố gắng.

* Nếu muốn vươn tới sự hoàn hảo, tại sao chị không kết hôn?

- Thì đúng là vì mình thấy chưa cầu toàn mà. Từ bé, tôi là người tự quyết định mọi việc. Nếu không tự mình chứng kiến, giải quyết các vấn đề là tôi không yên tâm. Song, không phải cứ muốn là được. Thế nên, chúng tôi vẫn đang trên cuộc hành trình.

Rõ ràng là trong quá trình hoàn thiện đôi bên, chúng tôi đều chưa đáp ứng được nhau. Khi có mâu thuẫn, chúng tôi giải quyết chưa chuẩn nên chưa có kết quả. Vì thế, tôi nghĩ cả hai còn phải khám phá, thử thách, căn chỉnh, hoàn thiện nhau. Mà cái đích càng chưa tới, hành trình càng hấp dẫn.

Còn thực ra, tôi nghĩ đây chỉ là quan điểm sống của mỗi người. Nếu hiểu hạnh phúc là đích đến thì trong cuộc hành trình đến đích đấy, chúng ta còn nhiều bến đỗ. Nếu mình nghĩ kết hôn là bến đỗ đầu tiên thì sau đó vẫn còn nhiều bến đỗ khác cần giải quyết.

Hôn nhân là khi quy về một mối, sẽ có nhiều mâu thuẫn khi kinh tế chung, con cái chung, cái gì cũng chung. Điều đó sẽ khiến hành trình đi đến hạnh phúc phải giải quyết quá nhiều thứ. Và nếu mình bị quá sức, sẽ buông xuôi. Đó là lý do dẫn đến ly hôn.

Còn nếu bình tĩnh, cảm thấy chưa muốn kết hôn mà muốn giải quyết mâu thuẫn trước, thì mình có thể thay đổi trật tự đó được mà.

Từ kinh nghiệm từ cuộc hôn nhân đã qua, tôi nghĩ trong tình yêu có nhiều điều tốt đẹp. Khi người ta phải chinh phục nhau sẽ phát huy nhiều cái hay ho. Tôi muốn như vậy và đang làm thế.

Cũng như trong sự nghiệp âm nhạc, cái đích là có được sự trọn vẹn trong lòng khán giả, còn giải thưởng chỉ là tô điểm. Nên nếu không có giải thưởng nào thì mình vẫn phải đi đến đích. Bằng cách chậm mà chắc, từng bước vững vàng.

* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

Ngọc Minh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm