Thu phí 15 nghìn tỷ cũng không giảm tắc đường

12/01/2012 07:40 GMT+7

Theo Bộ GTVT, nếu thực hiện việc thu phí như Tờ trình mà Bộ nêu thì mỗi năm ngân sách sẽ thu được trên 15 nghìn tỷ. Nhưng con số có vẻ rất chắc chắn này lại không có gì đảm bảo sẽ giải quyết được vấn nạn ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn!

Hãy thử phân tích những lý do của việc đề xuất thu phí mà Bộ GTVT vừa đưa ra hôm 10/1.

Thứ nhất, Bộ GTVT viện dẫn nhiều nước trên thế giới đã làm Anh, Singapore, Mỹ, Thuỵ Điển, Trung Quốc, tuy nhiên đây chỉ là 6 trong tổng số hơn 200 nước trên Thế giới. Hơn nữa, ngay cả với những nước này thì Bộ GTVT cũng mới chỉ nêu được là họ thực hiện chứ chưa có tổng kết xem mức độ thành công đến đâu.

 Thứ 2, Bộ GTVT cho rằng, đây là biện pháp đột phá để kiềm chế sự gia tăng, giảm dần số lượng phương tiện giao thông cá nhân; giảm tải mật độ phương tiện tham gia giao thông tại các thành phố lớn (đặc biệt là khu vực trung tâm), từ đó kiềm chế, giảm dần ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông. Đây chính là một điều mà nhiều ý kiến cho rằng còn mơ hồ, cảm tính và chưa có cơ sở khoa học. 

Trong khi đó, theo phân tích của nhiều người, thì đối với xe máy, không ai cùng lúc đi hai chiếc xe ra đường, cho nên việc gia tăng số lượng xe máy là do nhu cầu thực sự của người dân với loại phương tiện phổ biến này. Hơn nữa, những người đã mua xe thì không vì 1 triệu tiền phí 1 năm mà đem bán xe, còn những người khác cũng không vì 1 triệu này mà không mua xe nữa, nếu họ thực sự có nhu cầu. Nếu cần giảm tắc đường, giảm tai nạn thì quan trọng là làm sao để họ không đi xe ra đường, chứ không phải để họ không mua xe. Còn nếu mức phí thấp hơn (500.000đ/năm) thì lại càng không có tác dụng hạn chế phương tiện.

Đối với ô tô, rất dễ xảy ra trường hợp, do tâm lý đã mất tiền đóng phí cao thì cố đi nhiều để khỏi phí, nhất là đối với các doanh nghiệp vận tải, sẽ tăng cường sử dụng, tăng tần xuất để hạn chế đầu xe, tránh nộp phí. Điều này có nguy cơ dẫn đến tăng tai nạn giao thông.

Cho nên, có lẽ chỉ có một điều có vẻ chắc chắn, đó là số tiền sẽ thu được từ quy định mới này: 15.239,080 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, điều không chắc chắn lại là số tiền này liệu góp được bao nhiêu phần trăm vào việc giảm ùn tắc giao thông, khi mà chi phí cho việc… thu phí cũng tốn không ít. Ngược lại, nhiều người sẽ đặt câu hỏi, Bộ GTVT thể đưa ra được con số, rằng việc thu phí này sẽ góp phần giảm được bao nhiêu xe máy, bao nhiêu ô tô, góp  phần giảm bao nhiêu phần trăm số vụ tắc đường, tai nạn?

Một điều nữa, có lẽ là điều quan trọng nhất, đó là Bộ GTVT cho rằng, đề xuất này sẽ làm tăng chi phí kinh tế của việc sử dụng phương tiện cá nhân, hướng người dân vào việc sử dụng các loại phương tiện giao thông công cộng. “Khi đề xuất này được triển khai, mật độ phương tiện tham gia giao thông được giảm tải, tình trạng ùn tắc giao thông được cải thiện thì chính người dân sẽ được hưởng lợi từ cơ chế do tiết kiệm thời gian, nhiên liệu và giảm hao mòn phương tiện khi tham gia giao thông”.

Tuy nhiên, giả sử người dân đồng tình với giải pháp thu phí và đồng loạt bỏ xe máy để chuyển sang dùng phương tiện công cộng, thì chuyện gì sẽ xảy ra? Có lẽ không nói thì ai cũng biết, bởi mới đây, chính lãnh đạo của công ty xe điện Hà Nội đã thừa nhận, chỉ cần đổi giờ làm thôi Transerco đã khó phân bố đủ lượng xe buýt. Chưa kể, đường phố Hà Nội rất nhỏ, trong khi chưa có đường trên cao, tàu điện ngầm… mà chỉ trông vào chuyện tăng lượng xe buýt, sẽ là quá tải.

Theo Bộ GTVT, thì nếu đề xuất này được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua, việc thu phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân có thể triển khai sớm. Tuy nhiên, mới đây, chính Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho biết, Quốc hội chưa bàn cụ thể phí và lệ phí mà chỉ nói ý chung là phải thay đổi chế độ phí và lệ phí để tạo ra động lực mới, thu hút vốn của các nhà đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước. Còn với quan điểm cá nhân, ông Uông Chu Lưu cũng cho rằng, “muốn giải quyết ùn tắc và tai nạn giao thông không phải là phí mà cần hàng loạt giải pháp đồng bộ”.

Việc hạn chế phương tiện lưu thông trên đường ra rất quan trọng đối với việc giảm ùn tắc, và quyết tâm của Bộ GTVT được người dân ủng hộ. Nhưng việc quan trọng là làm thế nào để người dân ít sử dụng xe, chứ không phải là làm thế nào để người dân không mua xe, không sở hữu xe. Như TS. Khuất Việt Hùng, Trưởng bộ môn Quy hoạch và Quản lý GTVT (Đại học GTVT) nói: cách thu này đánh vào sở hữu, chứ không phải là phí lưu hành.

Trong khi đó, quan điểm thu phí lưu hành tại những địa điểm và thời điểm dễ gây tắc đường được nhiều người ủng hộ. Theo đó, ai lưu hành nhiều sẽ phải trả nhiều tiền, chứ không phải là nộp một mức phí đồng loạt như Tờ trình của Bộ GTVT.

Theo VnMedia


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm