(TT&VH) - Không lâu sau ngày ra mắt trường ca cải lương Phật hoàng Trần Nhân Tông, TS-NSƯT Bạch Tuyết cho biết mình vừa hoàn thành phần chuyển thể cải lương tác phẩm Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh thành Trường ca Hồ Chí Minh, công trình đã được bà ấp ủ suốt 14 năm qua. TT&VH đã có cuộc trao đổi với bà về công trình mới này.
* Từ đâu bà có ý tưởng chuyển thể tập thơ Nhật ký trong tù của Bác thành trường ca cải lương? - Trong các tác phẩm của Bác, tôi rất thích Nhật ký trong tù, những bài ca về khí khái của một con người dù trong hoàn cảnh khốn cùng nhưng không hề sợ hãi, khát khao tháo cũi sổ lồng, tìm tự do cho dân tộc. Đây là thời kỳ đầy biến động mà dân tộc ta phải trải qua một chặng đường dài từ những đau thương, mất mát đến thành công. 100 năm ra đời và phát triển của cải lương cũng song hành với thời đại này mà tôi cũng là người gần như sống trọn trong giai đoạn phát triển bão táp nhưng đầy thú vị này. Tôi đã ấp ủ ý tưởng, đọc và nghiền ngẫm tư liệu trong 14 năm trời. Theo tôi, những gì đáng tôn kính nhất không phải để thờ mà mọi người phải cảm được, phải thấy được những giá trị của nó, phải sống cùng nó. Tôi chỉ góp phần đưa tác phẩm văn học, những tư tưởng của Bác đến với mọi người nhiều hơn, để cho mọi người dễ nghe, dễ thấm cũng như phương châm của Bác là làm sao để dân “dễ nhớ, dễ thuộc, dễ làm theo”. * Cái “thần” của Nhật ký trong tù sẽ được thể hiện như thế nào? - Trong 14 năm qua, tôi đã tìm đọc rất nhiều tài liệu cả trong lẫn ngoài nước về Bác và tác phẩm Nhật ký trong tù, nghiền ngẫm kỹ những lời bình, tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia. Tất cả những kiến thức thu nhặt được để lắng đọng lại cùng với những cảm nhận, suy nghĩ của riêng bản thân mình, cố gắng thể hiện được tâm sự của một con người tuy “một mình” nhưng vẫn đang ở giữa mọi người. Và tôi tìm thấy được cả tinh thần của Kiều và Lục Vân Tiên trong tác phẩm này. Ở Bác có nỗi xót thương đời của Nguyễn Du cũng như cái nghĩa khí, khảng khái của dân tộc trong Nguyễn Đình Chiểu. Và chỉ có Bác với nghĩa khí làm người của dân tộc Việt Nam thì trong cảnh tù đày trên đất bạn mà vẫn thấy được một Trung Hoa vĩ đại, người dân Trung Hoa đẹp và người dân Trung Hoa cần phải được giải phóng. Tôi đã chỉnh sửa rất nhiều lần cũng như nhờ những nhà nghiên cứu, phê bình về văn học, văn hóa xem và góp ý để có một bản chuyển thể thật ưng ý. * Trường ca Hồ Chí Minh sẽ được cụ thể hóa thành tác phẩm ra sao? - Chắc chắn tôi sẽ phải thể hiện công trình này thành tác phẩm cụ thể. Hiện tại tôi vẫn đang suy nghĩ, tìm ý tưởng và chắc chắn một điều tác phẩm này sẽ rất chú trọng đến chất âm nhạc. Khi thực hiện Trường ca Phật hoàng Trần Nhân Tông tôi đã sử dụng nhiều làn điệu Bắc Bộ nhưng lần này Hồ Chí Minh là người của đất nước, của dân tộc nên tôi sẽ kết hợp âm nhạc của cả ba miền. * Tác phẩm này sẽ kịp ra mắt vào đại lễ chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội? - Bản thân tôi và nhiều người nữa rất hy vọng có thể hoàn thành tác phẩm vào dịp chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Nhưng đây là tác phẩm không thể làm gấp được. Tất cả cần phải đủ phúc, đủ duyên thì mới hoàn thành công việc tốt được. * Cảm ơn bà, hy vọng Trường ca Hồ Chí Minh sẽ kịp đến với đại lễ!
Ngọc Tuyết