Bạo động ở Ferguson, Missouri: Cảnh sát Mỹ lạm dụng hàng quân sự

20/08/2014 07:15 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Trước khi Vệ binh quốc gia can thiệp vào các cuộc biểu tình ở Ferguson, Missouri, việc cảnh sát trấn áp bạo động và sử dụng quá nhiều trang thiết bị quân sự để đối phó với người biểu tình đã khiến không ít dân Mỹ bị sốc.

Họ kinh ngạc trước sự xuất hiện của xe bọc thép, đạn hơi cay, súng trường quân sự và áo giáp bảo vệ toàn thân. Với những món "đồ chơi" này, cảnh sát Mỹ trông giống như một đạo quân và các con phố ở Mỹ đã như một chiến trường ở Iraq hay Afghanistan.

Thực tế, cảnh sát Mỹ đã có thời gian dài bổ sung vào kho nhiều món thiết bị dư thừa do quân đội thải ra. Nay vụ bạo động mang tới cơ hội để họ dùng thử các công cụ đặc biệt này. Trang web Vox.com đã nhân đó điểm mặt hàng loạt thiết bị quân sự mà cảnh sát Missouri sử dụng, trước khi Vệ binh quốc gia thay họ xử lý tình hình.

"Pháo âm thanh" LRAD

LRAD (Thiết bị âm thanh tầm xa) về cơ bản là một khẩu pháo âm thanh. Nó có khả năng bắn các luồng âm thanh cực lớn, theo loạt ngắn, tới các mục tiêu quân sự, cướp biển, đám đông, khiến những người nghe không thể chịu nổi.


Viên cảnh sát điều khiển "pháo âm thanh" LRAD ngồi trên nóc xe cùng vũ khí của mình, bên cạnh một người lính bắn tỉa

Vũ khí này không chỉ gây tiếng ồn. Âm thanh do nó phát ra mạnh tới mức có thể khiến người ở trong "tầm bắn" bị đau đầu và khắp mình mẩy. Theo một quan chức quản trị tại công ty sản xuất LRAD, thiết bị thậm chí có thể gây điếc vĩnh viễn, nếu người ta phát âm thanh liên tục thay vì sử dụng các loạt ngắn.

Cảnh sát dường như đã dùng LRAD để giải tán đám đông người biểu tình ở Ferguson trong ngày 13 và 17/8. Các đoạn video được người biểu tình ghi lại và phát tán lên mạng cho thấy cảnh sát đã dùng thiết bị liên tục trong vài phút. Vox.com nói rằng cảnh sát dường như đã phát ra âm thanh lớn tới mức 149 decibel, vượt qua ngưỡng âm thanh có khả năng gây mất thính lực là 130 decibel.

Xe bọc thép MRAP

MRAP (Xe bảo vệ chống phục kích) là các xe bọc thép tốt, được thiết kế để chống chọi một vụ nổ của mìn hoặc bom vệ đường. Xe được thiết kế dành riêng cho chiến trường Iraq, do Al Qaeda cùng Taliban hay dùng bom vệ đường tấn công các đoàn xe Mỹ. Nó được chuyển tới Iraq hồi năm 2007, trước khi được chuyển lại cho các cơ quan cảnh sát.

Khi được hỏi vì sao lại phải dùng MRAP ở Ferguson, nơi không có mìn lẫn bom vệ đường, Giám đốc cảnh sát Ferguson Tom Jackson trả lời rằng "có những kẻ đã bắt đầu dùng bom" trong bạo động. Thực tế chẳng có thông tin nào về việc người biểu tình dùng bom ở Ferguson.

Áo giáp quân sự

Cảnh sát xuất hiện trên các con phố ở Ferguson được phát hiện đã mặc áo giáp toàn thân, gồm mũ bảo vệ và mặt nạ phòng độc. Điều này khiến nhiều cựu binh phải thốt lên rằng cảnh sát đang được trang bị đồ bảo vệ còn tốt hơn cả một người lính phải đối mặt với hòn tên mũi đạn trên chiến trường.

Cựu giám đốc cảnh sát Seattle là Norman Stamper cảnh báo rằng khi cảnh sát mặc đồ quân sự, họ đã làm gia tăng bầu không khí thù địch, có thể đẩy cao nguy cơ bùng phát bạo lực, thay vì trấn áp. "Giữ hòa bình tại một điểm biểu tình có nghĩa cảnh sát phải mặc cảnh phục tiêu chuẩn, không phải đồ quân sự" - Stamper nói - "Nếu không, dân thường sẽ cho rằng cảnh sát xem họ như kẻ thù trong một cuộc chiến tranh".


Cảnh sát mặc đồ quân sự, giáp bảo vệ từ đầu tới chân có thể làm gia tăng không khí thù địch với người biểu tình và dân địa phương

Súng trường của quân đội

Không ít viên cảnh sát tới Ferguson đã mang theo súng trường M4 của quân đội, nhưng có nòng ngắn hơn, như nhận xét của cựu Lính thủy đánh bộ Paul Szoldra trên tờ Business Insider. Dường như các khẩu súng được nạp đạn gỗ và đạn cao su, ít sát thương hơn đạn tiêu chuẩn. Tuy nhiên các loại đạn này vẫn có thể gây ra thương tích nghiêm trọng.

Nhiều báo cáo nói rằng cảnh sát thường xuyên chĩa súng vào người dân Ferguson, kể cả những người không tỏ ra nguy hiểm, như một biện pháp đe dọa, bắt dân thường tuân theo lệnh cảnh sát. Việc dùng súng kiểu này đã vấp phải sự chỉ trích từ các cựu binh. Họ đánh giá chĩa súng lung tung chỉ làm tăng thêm không khí thù địch với người biểu tình, thay vì hạ nhiệt tình hình.

Hơi cay dùng tràn lan

Hơi cay là một loại vũ khí hóa học đã bị cấm trong chiến đấu, theo Công ước cấm vũ khí hóa học 1993. Nhưng cảnh sát vẫn "vô tư" dùng hơi cay để giải tán người biểu tình Ferguson. Kết quả là trong đêm 17/8, một bé trai 8 tuổi đã suýt chết ngạt, sau khi cảnh sát bắn hơi cay trúng một nhóm người biểu tình, ở gần nơi cậu bé đang đứng.

Được biết hơi cay chứa đầy các hóa chất kích thích màng nhầy ở mắt, mũi, mồm và phổi người vô tình hít phải nó. Ngoài việc gây chảy nước mắt không ngừng, hơi cay còn gây ho, nghẹt thở và đau đớn thân thể. Mặc dù trong phần lớn trường hợp, hơi cay chỉ gây ra các triệu chứng tạm thời, nó vẫn có nguy cơ làm nảy sinh các tác động nguy hiểm khác như hư hại về mắt, nghẹt thở do hen suyễn và bỏng hóa chất.

Tường Linh (Theo Vox.com)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm