Thư Nam Phi: Đó chính là “FeeFA”

01/07/2010 12:21 GMT+7 | World Cup 2010

(TT&VH)- 7 phiên bản (có lẽ là) cúp vàng và 2 chiếc áo đấu của FIFA vừa bị đánh cắp ngay ở văn phòng của tổ chức này tại Johannesburg.

 

Người ta chưa xác định được động cơ của vụ cướp vì chưa có kẻ nào rơi vào tay của cảnh sát Nam Phi. Nhưng hôm qua, dư luận Nam Phi lại tỏ ra cực kỳ sung sướng với cái tin ấy. Còn sướng hơn cả tin Tư lệnh cảnh sát bị cướp vào nhà lấy đi 1 triệu Rand (3 tỉ đồng) và Thứ trưởng Bộ công an Nam Phi cũng vừa bị trộm viếng thăm và cuỗm đi chiếc màn hình tivi LCD.

 

FIFA đã mang đến Nam Phi World Cup. Đó là một nghĩa cử, dù cho trên vài khía cạnh, đất nước này cũng rất xứng đáng với tư cách chủ nhà. Vậy, điều gì khiến cho người ta cảm thấy sung sướng trên nỗi đau hay ít ra cũng là nỗi xấu hổ của FIFA?

 

Bắt đầu từ tuần này, trên đường phố Nam Phi, người ta gặp những thanh niên bán hàng rong chào bán những chiếc áo phông in chữ “FeeFA” (phát âm giống FIFA). Một sáng tạo dựa trên thói quen chơi chữ của người phương Tây. “Fee” ám chỉ về tiền bạc, về các khoản phí, và những nguyên tắc chặt chẽ tới mức khó chịu liên quan tới marketing do FIFA đặt ra.

 

FIFA từng cấm CĐV của Hà Lan vào sân vì vi phạm về quảng cáo bia- Ảnh Reuters
Các hệ thống kinh doanh nhỏ và lẻ là đối tượng bị luật lệ của FIFA chèn ép. Ở Durban, Port Elizabeth và Pretoria, hàng loạt hàng quán phải tháo dỡ biển quảng cáo chỉ vì họ sơn hình cầu thủ bóng đá lên đó, dù nó cách xa tít tắp các sân bóng. Cái lý của FIFA là họ chi ra 1 tỉ USD và nắm thương quyền. Nhưng lợi nhuận họ thu được ước tính lên tới 3,2 tỉ USD. Người Nam Phi muốn tận dụng cơ hội World Cup để kinh doanh một cách bình thường, nhưng không được.

 

Đó có vẻ như là lý do cho việc hàng loạt các dịch vụ tăng giá vô tội vạ, như cắt cổ các nhà báo và CĐV. Nếu như một nhà nghỉ hạng xoàng trước đây chỉ là 150-200 rand/người (450-600 ngàn đồng), thì bây giờ nhân lên gấp 3, gấp 5. Chúng tôi cũng là nạn nhân. Không phóng viên Việt Nam nào thoát khỏi “lưỡi hái” ấy.

 
Cũng khó trách. Bởi chính FIFA còn tranh thủ "chặt chém". Họ vừa định ra mức giá trên trời cho một suất xem chung kết có thêm dịch vụ gia tăng để giải trí lên tới 31.400 rand (gần 4.000 USD) cho số vé đã được “om” lại bây giờ mới chuẩn bị tung ra bán theo kiểu “ai đến muộn thì về”.

 

Chợt nhớ tới một bài báo trên tờ Mail & Guardian của Nam Phi, đã sáng tác ra một cách chơi chữ khác. Họ giật tít: Fick FUFA, khơi màu cho một làn sóng chỉ trích trước những kẻ đang núp danh FIFA và quyền năng gần như vô hạn của tổ chức này để tung hoành ở Nam Phi.  

 

Luật sư Tim Burrell, chuyên gia về luật sở hữu hôm qua đã lên các phương tiện truyền thông nhận xét hóm hỉnh: “Nam Phi giờ như không có luật, và giờ đang được điều chỉnh bởi luật của FIFA”. Tất cả đều để phục vụ và nghe lời FIFA.

 

Những phản ứng nói trên không hoàn toàn xuất phát từ việc FIFA đã không làm “một cái gì đó” để đưa Nam Phi tiến vào vòng trong, thậm chí họ còn bị tổn thương bởi sự nghiêm khắc thái quá (thậm chí có thể coi là sai lầm) của trọng tài khi rút thẻ đỏ với thủ môn Khune trong trận thua Uruguay 0-3 ở vòng bảng.   

 

Người Nam Phi hài lòng là họ đã không học tập 1 trong 2 nước chủ nhà của World Cup 2002 là Hàn Quốc đã tìm mọi cách để vượt qua vòng bảng, và đã tiến vào bán kết nhờ những quyết định tranh cãi của trọng tài, dù họ biết FIFA đôi khi cũng chỉ là “FeeFA”.

 

Phạm Tấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm