01/04/2022 07:15 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Sophia thân mến!
Trung bình mỗi năm, cả nước tôi có đến 2.000 trẻ em bị đuối nước, tỷ lệ cao gấp 3 lần so với các nước thu có nhập cao. Cứ đến dịp Hè, nguy cơ trẻ em đuối nước lại càng tăng. Đấy là lúc các em được tham gia các hoạt động cộng đồng. Năm nay, khi dịch Covid-19 đã tạm ổn, những đôi chân trẻ đã được giải phóng nên càng có nhiều lý do để lo ngại.
Chỉ trong thời gian ngắn, cả nước liên tiếp xảy ra các vụ trẻ em đuối nước hết sức thương tâm, trong đó rất nhiều vụ là chị, anh em ruột. Sáng 27/2, tại Đắk Lắk, 3 chị em ruột đã tử vong khi tắm hồ Ea Dhung Tiêng. Ngày 1/3, hai chị em ruột ở Đắk Nông chết đuối trong ao tưới sầu riêng ở vườn nhà. Ngày 23/3, tại Huyện Ea Súp, Đắk Lắk xảy ra vụ đuối nước khiến 2 bé gái 11 tuổi tử vong. Tương tự là 2 em ở Đồng Nai ngày 25/3. Mới nhất là trưa 30/3, 4 em nhỏ rủ nhau ra sông Mã (Thanh Hóa) tắm, do nước sâu, dòng chảy xiết nên cả 3 em xuống tắm đã bị đuối nước…
Nói chung là tần suất trẻ em chết đuối xảy ra liên tục, khiến xã hội không thể không rúng động.
Chúng ta hãy xem số liệu thống kê dưới đây để cùng suy ngẫm. Tỷ lệ tử vong do đuối nước ở trẻ em xảy ra chủ yếu tại cộng đồng với 76,6%, tại gia đình là 22,4% và 1% số vụ xảy ra tại các trường học.
Trẻ em miền núi, từ nhỏ chẳng ai dạy cho bơi lội. Cha mẹ cũng không thể quản lý được sự hiếu động bởi quá nhiều thứ phải lo. Trẻ em ở phố được gia đình quản lý chặt chẽ hơn. Mặt tích cực là tỷ lệ đuối nước rất thấp. Ngược lại, số biết bơi lại rất ít.
Học phí các khóa dạy bơi cũng cao, nên đâu phải phụ huynh nào cũng có thể cho con học bơi. Các em còn phải học thêm rất nhiều môn. Có cảm giác các bố mẹ thường ưu tiên cho con vào việc học văn hóa, hay âm nhạc, hội họa, bóng đá. Chương trình học bơi ở trường thường ngắn, lại không “đến đầu, đến đũa”. Thành thử, muốn con biết bơi thì phải đầu tư ở các trung tâm, hoặc trực tiếp dạy. Rất nhiều phụ huynh đã đưa con ra biển và dạy bơi thành công cho lũ nhóc.
Sophia biết không?
Việt Nam có hệ thống sông ngòi chằng chịt, bãi biển trải dài nên bơi là kỹ năng cần thiết nhất để trẻ phòng tránh đuối nước. Vậy mà, hầu hết hoạt động dạy bơi cho học sinh chưa thật sự hiệu quả. Việc trang bị cho các em những kỹ năng ứng phó khi gặp sự cố, vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em không chỉ của riêng ai, mà nó là trách nhiệm của toàn xã hội, cần được triển khai với các giải pháp đồng bộ. Đã đến lúc cần tăng cường công tác quản lý, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương, có giao ước cam kết trong trường học, ấp, khu phố, địa bàn dân cư và gia đình về việc thực hiện phòng chống tai nạn đuối nước; đoàn thanh niên các đơn vị, địa phương chủ động tổ chức các lớp sinh hoạt Hè, thu hút các em học sinh tham gia.
Công tác tuyền truyền cần được thúc đẩy mạnh hơn. Nên đưa ra các dẫn chứng về nạn đuối nước để các em rút kinh nghiệm cho bản thân mình.
Vừa rồi, “kình ngư” Nguyễn Thị Ánh Viên đã chia tay đường bơi, để lại khoảng trống mênh mông về nhân tài. Lẽ ra với ưu thế được thiên nhiên ban tặng, Việt Nam phải là cường quốc bơi, chứ không phải là quốc gia có số trẻ em đuối nước quá cao như hiện nay.
Tạm biệt Sophia và hẹn thư sau!
Hữu Quý
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất