Thư gửi robot Citizen: Từ bữa cơm gia đình

27/09/2019 07:29 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Sophia thân mến!

Xem chuyên đề "Thư gửi robot Citizen tại đây"

Cậu bé bị bỏ trong rừng và kỹ năng sống cho con em chúng ta

Cậu bé bị bỏ trong rừng và kỹ năng sống cho con em chúng ta

Có thể cậu bé khá nghịch ngợm, nhưng để may mắn sống sót sau 6 ngày bị bỏ trong khu rừng được coi là nhiều gấu dữ,thì chứng tỏ cậu bé đã có kỹ năng sống không quá tệ.

Một thầy giáo của một trường trung học ở thành phố Lạc Dương (Trung Quốc) đã phát hiện 39/45 học sinh đều bỏ bữa sáng do nhà trường cung cấp. Thầy nghĩ đây là việc lãng phí nên gom lại tất cả số trứng suýt bị bỏ đi với mục đích sẽ dạy cho học sinh hiểu thế nào là tiết kiệm, bắt đầu từ những quả trứng. Nhưng điều mà thầy không ngờ tới là khi phát lại số trứng cho học sinh, hầu hết các em đều không biết bóc vỏ như thế nào, dù đã 12 tuổi.

Ngạc nhiên trước những gì nhìn thấy, thầy từng bước hướng dẫn học sinh cách bóc. Cuối cùng các em cũng ăn hết phần của mình. "Ở nhà toàn mẹ bóc cho em, em chỉ phải ăn thôi. Đến trường tự bóc, không biết làm nên em bỏ” - một học sinh trong lớp chia sẻ với thầy như thế.

Sophia thân mến!

Câu chuyện trên có lẽ không phải là quá hy hữu. Sự vụng về trong một “kỹ năng sống” khá quan trọng là nấu nướng, xử lý đồ ăn dường như khá phổ biến đối với thế hệ trẻ ở nhiều nơi trên thế giới.

Bữa cơm vốn là một sinh hoạt bình thường của các gia đình Việt Nam. Nhưng với rất nhiều gia đình công chức hiện nay, công việc tại cơ quan cũng như lịch học của con em thường kín hết cả ngày. Buổi sáng ăn quà, trưa thì các con ăn bán trú, bố mẹ cơm văn phòng. Vì vậy đa số các gia đình chỉ còn bữa cơm tối là dịp đông đủ cả nhà.

Chú thích ảnh
39/45 học sinh đều bỏ bữa sáng vì không biết bóc vỏ trứng. Ảnh: Internet

Vì thế, chuyện “tối nay ăn gì” vẫn luôn là câu hỏi khó đối với nhiều chị em bởi ngoài vấn đề an toàn thực phẩm, rồi phải đúng gu ẩm thực của từng người thì việc vào bếp chuẩn bị cho cả nhà bữa ăn ngon cũng rất vất vả. Thời gian chuẩn bị bữa tối này lẽ ra là cơ hội cho con cái tham gia phụ giúp gia đình việc bếp núc, nhưng thực tế thì đa phần các mẹ “bao thầu” hết cả.

Nhiều gia đình trong bữa cơm chỉ tập trung bàn chuyện làm ăn, chuyện cơ quan mà không chú ý xem thái độ cũng như phản ứng của bọn trẻ thế nào. Một số gia đình, bữa cơm tối có khi chỉ có mẹ vì bố còn đi nhậu chưa về. Ngồi vào mâm mẹ còn giục chúng ăn nhanh lên để còn làm bài tập về nhà, xong còn tranh thủ xem phim truyền hình rồi đi ngủ.

Trong bữa tối, lẽ ra lũ trẻ có thể học được sự nhường nhịn, chia sẻ đồ ăn ngon, biết tôn trọng và quan tâm đến mọi người. Người mẹ có thể dạy con cách làm thêm món này món kia, bố sẽ giúp cho chúng tư thế ngồi khi ăn, cách gắp thức ăn vào bát, nói chuyện khi ăn như thế nào, ăn xong rồi thì bát đũa sẽ rửa dọn ra sao…

***

Nhớ cái hồi mấy anh chị em chúng tôi còn bé, bữa cơm tối như là một buổi giao ban hàng ngày, mọi người điểm danh xem thiếu ai, còn quên cái gì chưa mang ra, người nào vào ăn muộn, lý do vì sao? Ai về ăn sau sẽ được mọi người để dành khẩu phần và cất vào chạn bếp. Khẩu phần này bao giờ cũng ngon và nhiều hơn.

Rất nhiều gia đình hiện nay đã không còn quá chú trọng vào những chuyện như thế này, họ đưa ra nhiều lý do như công việc bận rộn, không có thời gian... Một số gia đình có khi còn bỏ luôn cả bữa tối ở nhà để đi ăn ngoài hàng cho tiện, đỡ phải mệt nhọc.

Một cựu bộ trưởng năng lượng Mỹ từng khẳng định: "Thất bại lớn nhất của cha mẹ là cung cấp đầy đủ cho con cái mọi thứ nhưng không dạy chúng kỹ năng trở thành người độc lập". Và ông cũng cho rằng việc quan sát bố mẹ nấu nướng và tự nấu cho bản thân cũng rèn luyện khả năng quan sát và kỹ năng bắt chước hành động.

Đấy cũng chính là điều mà tôi nghĩ các gia đình cần phải suy ngẫm thêm.

Xin chào Sophia, hẹn gặp lại thư sau.

Quốc Khánh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm