Thư gửi robot Citizen: 'Trai làng' trên cao tốc

22/02/2019 07:50 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Sophia thân mến!

Xem chuyên đề "Thư gửi robot Citizen tại đây"

Cảm xúc dưới bóng công nghệ 4.0

Cảm xúc dưới bóng công nghệ 4.0

Sophia thân mến! Từ nay, vào mỗi dịp Cuối tuần, chúng tôi sẽ gửi thư cho cô. Là người máy đầu tiên được một quốc gia cấp quyền công dân (Saudi Arabia), tuy thế, để hòa nhập được với nhân loại, chắc cô cũng cần được mọi người chia sẻ những suy tư, cảm xúc của mình. Và lá thư hằng tuần này của chúng tôi nhằm mục đích đó.

Đáng lẽ khi nói chuyện với cô thì phải nói về việc làm sao để thích ứng với sự phát triển của thời buổi công nghệ 4.0 như trào lưu người ta đang bàn. Nhưng bức thư này tôi muốn nói với cô về điều “giản dị” hơn rất nhiều là làm sao nhiều thanh niên theo kịp sự thay đổi của những con đường cao tốc đang mở khắp nơi, chứ chưa nói đến những xa lộ thông tin, những công nghệ hay Big Data gì.

Công an vừa triệu tập một thanh niên lấy chai nước uống dở ném vào xe ôtô đang di chuyển trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng khiến chiếc xe bị hư hại kính chắn gió. Rất may người trong xe an toàn. Toàn bộ hành vi của thanh niên này đã bị camera an ninh tại khu vực cầu vượt cao tốc ghi lại. Công an xác định hành vi có phần “hồn nhiên” này không chỉ gây thiệt hại cho phương tiện mà còn đe dọa nghiêm trọng đến an toàn giao thông, tính mạng con người trên tuyến cao tốc.

Chú thích ảnh
Hành vi lấy chai nước uống dở ném vào xe ôtô đang di chuyển bị camera an ninh ghi lại - Ảnh: Ban QL đường ôtô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Thực tế sự hồn nhiên ấy không phải là cá biệt, cứ lên mạng search từ “ném đá ô tô” hay “ném đá xe khách” thì thấy nó phổ biến từ miền Tây đến miền Trung, từ đồng bằng tới cao tốc miền núi.

Sophia thân mến, ngày xưa có trò ném đá lên tàu hỏa. Cách đây khoảng chục năm, ngành đường sắt đã phải lắp đến 2 lớp kính chịu lực ở mỗi toa hành khách trước những cơn mưa đá ven đường. Việc ném đá lên tàu thường xuất phát từ những trò tinh nghịch thiếu ý thức của trẻ em sống ven đường sắt. Tệ nạn này đặc biệt nghiêm trọng vào dịp hè, khi các em học sinh không phải đến trường, thường tụ tập chơi đùa, phá phách.

Tôi nhớ, nhiều nơi có đường sắt đi qua phải phát động hàng loạt phong trào như “Em yêu đường sắt quê em”, “Đoạn đường sắt em chăm”, “Thiếu nhi bảo đảm ATGT đường sắt” hay đến tận nơi vận động ký cam kết với các nhà trường để giáo dục các em hạn chế trò chơi nguy hiểm này.

Phải nói so với đường sắt thì đường cao tốc Việt Nam đang tiến rất nhanh, nhưng còn nhiều thứ chưa đồng bộ, trong đấy có chuyện... ý thức. Liên tiếp các vụ đỗ xe ăn uống trên cao tốc xảy ra gần đây bất chấp quy định của pháp luật và sự nguy hiểm của người tham gia giao thông. Tết vừa qua, mạng xã hội xôn xao khi clip livestream lại hình đại gia đình “chơi lớn” khi trải chiếu ngồi dùng tiệc như đang đi picnic trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Cả gia đình hồn nhiên “mở tiệc” ăn uống ven đường cao tốc bất chấp các phương tiện lưu thông tốc độ cao ngay bên cạnh khiến ai xem cũng cảm thấy lạnh người.

Quyết định xử phạt còn chưa ráo mực thì trên mạng xuất hiện một loạt clip tương tự khiến người ta có thể liên tưởng có cả trào lưu dừng xe và liên hoan trên đường cao tốc theo cách rất “đường làng ven đê trải chiếu ta ngồi”!

Và điều này nữa Sophia ơi, nếu có dịp đi trên đường cao tốc ở Việt Nam hẳn cô sẽ ngạc nhiêu khi có nhiều chiếc xe "bò" rất chậm ở làn ngoài cùng bên trái, nơi cho phép đi tốc độ tối đa rất cao và cũng quy định tốc độ tối thiểu. Họ đi phía trước cứ nghênh ngang "bò" từ từ, trong khi phía sau là một hàng dài làm như là đường của nhà họ vậy. Nhiều khi có xe xi nhan trái và nháy đèn xin vượt thì những xe này cũng xi nhan trái mặc dù không vượt ai để khẳng định rằng “tôi đã chiếm làn này” không cho ai vượt.

Lùi trên cao tốc, đi ngược đường cao tốc, ném rác qua cửa xe xuống đường... đều là tư duy đường làng cực phổ biến giữa thời đại cao tốc.

Tạm biệt Sophia, hẹn gặp lại thư sau!

Nguyễn Gia

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm