Thư gửi robot Citizen: Tết bao giờ là một sức mạnh mềm?

18/01/2019 07:24 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Sophia thân mến!

Xem chuyền đề "Thư gửi robot Citizen tại đây"

Tết Tây, Tết ta và Tết của tôi

Tết Tây, Tết ta và Tết của tôi

Cuộc tranh luận được khơi mào từ phát kiến của Giáo sư Võ Tòng Xuân cách đây 2 năm: Nên bỏ Tết Nguyên đán (1/2012) Lại một lần nữa gây nóng trên các diễn đàn khi Tết Dương lịch vừa qua và Tết Nguyên đán đang đến gần.

Tết Nguyên đán của người Việt Nam đang đến rất gần. Vài năm trước, đến giờ này là người ta lại xôn xao khuấy lên chuyện bỏ Tết ta, sáp nhập với Tết Tây với lý do hội nhập thời công nghiệp 4.0, và họ mang những con số thống kê “thiệt hại kinh tế” do nghỉ Tết làm luận cứ.

Đúng là Tết Tây chỉ diễn ra trong một ngày còn Tết ta kéo dài nhiều ngày, lại khác nhau về thời điểm nên tạo sự lệch pha. Cộng thêm thời gian ăn Tết, chơi Tết, thăm hỏi, tiệc tùng khiến nhiều người nghỉ Tết lại đâm ra mệt mỏi.

Điều ấy có, thậm chí với nhiều người nó còn tăng nặng theo kiểu “phú quý sinh lễ nghĩa”. Hôm qua tôi có đọc được một dòng chia sẻ của một người bạn trên Facebook rằng: “Điều kiện sống dần khá lên, người ta bắt đầu sắm Tết cầu kỳ, phức tạp, mệt mỏi. Ông chồng bỏ ra 2 ngày ra chợ hoa Quảng An ngắm quất, đếm từng quả trên cây xem có... lẻ không, nếu chẵn không mua, mà vẫn chưa ưng được cây nào”.

***

Đến giờ, tiếng nói bỏ Tết hay sáp nhập gì đó đã lạc lõng và cũ hơn... Tết năm ngoái rồi Sophia ạ. Nhưng thực sự tôi thấy người Việt Nam có lỗi với cái Tết của mình. Chúng tôi chưa biết cách biến nó thành một “thương hiệu” mà nội lực của nó có thể tạo ra, ngoài việc nhiều người đang biến cái Tết thành chuỗi ngày mệt mỏi.

Chú thích ảnh
Ảnh: Internet

Không quá lời khi nói Tết cổ truyền là một di sản văn hóa, gìn giữ trong nó đầy đủ những giá trị tinh thần đặc trưng của đất nước con người Việt Nam. Và thay vì cứ theo riết ý nghĩ yếm thế làm sao bỏ Tết ta theo Tết Tây, hãy biến bản sắc tiềm tàng đó thành cơ hội. Thái Lan là một ví dụ.

Tết cổ truyền đón năm mới của Thái Lan Songkran được tổ chức vào ngày đầu năm theo Phật lịch, tương ứng giữa tháng 4 Dương lịch. Cũng không trùng Tết Tây Sophia nhỉ. Người Thái dọn dẹp nhà cửa, nấu các món ăn truyền thống, mặc các trang phục cầu kỳ nhiều màu sắc, đi chùa tỏ lòng kính trọng với Đức Phật, người cao tuổi, tham gia diễu hành và nhất là té nước lên nhau bằng đủ mọi dụng cụ.

Tết Songkran không hề ngắn với đủ các tục lệ, nghi lễ. Và năm ngoái (2018) năm đầu tiên sau 1 năm để tang cố quốc vương, Lễ hội té nước Songkran diễn ra ở nhiều tỉnh thành Thái Lan từ ngày 11/4 đến 17/4, sân bay đón hơn 3 triệu lượt khách với 17.550 chuyến bay, rồi ngành du lịch, khách sạn, nhà hàng, dịch vụ bán lẻ. Người Thái... ăn đậm.

***

Không phải ai khác, chính họ đã biến cái Tết thành “sức mạnh mềm” của đất nước mình. Còn chúng ta đang ứng xử với nó, vun đắp nó ra sao? Sophia ạ, tôi có lần được trò chuyện với tiến sĩ Olivier Tessier, một nhà sử học, một chuyên gia về phương Đông của Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp, Tessier kể anh thường đón Tết ở Hà Nội, gia đình anh cũng sắm hoa đào, bánh chưng và giò lụa.

Tết anh cùng gia đình đi ngắm pháo hoa, dạo quanh hồ Gươm, đi vòng hồ Tây, thả bộ trên đường Thanh Niên, ngắm Cột cờ Hà Nội, vườn hồng đường Bắc Sơn, thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh, về chợ Đồng Xuân dạo chơi phố cổ và viếng Phủ Tây Hồ...

Tessier cực hiểu Hà Nội và Việt Nam, anh nói: “Nếu một khách phương Tây nào muốn thưởng ngoạn Hà Nội, muốn hiểu Việt Nam hãy đến vào những ngày Tết Nguyên đán”.

Nhưng tiếc rằng không nhiều người biết điều này, trừ những người bạn của anh hay những... Việt kiều xa quê. Ngay nhiều người Việt Nam cũng trốn Tết như trốn “dịch”, khi họ đủ tiền du lịch khắp nơi, ngày Tết là lúc xuất ngoại du hí, trốn tránh sự mệt mỏi ngày Xuân. Không sai nhưng âu cũng là một sự lãng phí tinh thần ghê gớm.

Hẹn gặp cô thư sau!

Nguyễn Gia

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm