23/04/2021 06:48 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Sophia thân mến!
Không gian mạng và các tờ báo tại Việt Nam mấy ngày qua đang tràn ngập những bức ảnh về tượng Nữ thần Tự do tại Sa Pa. Vâng, tại Sa Pa - chứ không phải New York - và là một phiên bản “made in Vietnam” của nguyên mẫu.
“Kỳ dị”, “đột biến”, “thảm hại”- người ta đang trút lên đầu pho tượng này những cụm từ đầy biểu cảm. Và thẳng thắn, không khó để hiểu sự giận dữ ấy, bởi khi so với nguyên mẫu, phiên bản tại Sa Pa được sao chép một cách quá vụng về thô kệch. Chưa hết, “sáng tạo” lớn nhất của người thực hiện là biến nó thành một bức tượng bán thân, nghĩa là chỉ “chép” từ vai của nguyên mẫu trở lên.
Bức tượng được tạo hình để đặt trong khuôn viên của một khu du lịch tư nhân tại Sapa. Cùng với nó, một số phiên bản thu nhỏ của tháp nghiêng Pisa (Italy), tháp Eiffel (Pháp), khu phố cổ Nhật Bản... cũng được chủ nhân của khu du lịch cho xây dựng, với kỳ vọng biến nơi đây thành điểm check in chụp ảnh cho khách du lịch.
Trước mắt, sau khi kiểm tra, chính quyền địa phương đã phát hiện điểm du lịch đang trong quá trình hoàn thiện, chưa đảm bảo điều kiện phục vụ du khách. Nó tạm thời bị đóng cửa.
Sophia thân mến!
Dù sao, đây cũng là một bức tượng do tư nhân bỏ tiền xây dựng và đặt tại một không gian cũng của tư nhân - thay vì chiếm dụng không gian công cộng tại Sa Pa. Và, cái “tội”lớn nhất trước mắt của nó cũng chỉ là xấu, thay vì vi phạm thuần phong mỹ tục. Bởi thế, ít nhiều, tôi cũng muốn có một cái nhìn khách quan về câu chuyện này, giữa muôn vàn gạch đá đang dành cho “Nữ thần tự do” vừa xuất hiện.
Nhưng, chúng ta vẫn phải nói thẳng với nhau: Kể cả khi đảm bảo các thủ tục về pháp lý, thậm chí là chỉnh sửa lại cho bắt mắt hơn, một quần thể gắn với bức tượng như thế có nên coi là “điểm cộng” ở Sa Pa?
Thực ra, việc sao chép phiên bản thu nhỏ của những kiến trúc nổi tiếng nhất thế giới để phục vụ khách tham quan là cách làm không mới. Ở nhiều số thành phố du lịch quốc tế, chúng ta đều có thể gặp những quần thể như vậy được tạo dựng.
Nhưng, về bản chất, những quần thể ấy rõ ràng không thể đem lại những giá trị văn hóa tương đương so với kiến trúc nguyên gốc. Nó chỉ là nơi để người ta ghé thăm, check in chụp ảnh một lần, và thường được xây dựng tại những công viên giải trí hiện đại.
Hơn một thế kỷ qua, Sa Pa vẫn có sức hút rất riêng từ vốn di sản của mình - sự pha trộn giữa những sắc màu văn hóa của đồng bào vùng cao và những dấu ấn kiến trúc còn lại từ thời Pháp thuộc. Chắc chắn, du khách quốc tế tìm tới đây để ngắm những ruộng bậc thang, nhà thờ đá, chợ phiên vùng cao... và thưởng thức vẻ thơ mộng tĩnh lặng của cảnh quan thiên nhiên, thay vì muốn được chiêm ngưỡng những công trình hiện đại nhưng lạc lõng, mà “Nữ thần tự do” chỉ là một ví dụ.
Còn nếu muốn tìm thêm những ví dụ khác, Sophia có thể tới đây để chứng kiến những công viên, nhà cao tầng, quán xá... đang đua nhau mọc lên ở Sa Pa, giữa tiếng thở dài của những người yêu mến nơi đây.
Tư duy làm du lịch theo kiểu tạp nham, ngắn hạn và dễ dãi đang phá hủy rất nhanh những điểm đến giàu bản sắc như Sa Pa.
Sẽ rất dễ dàng để nói rằng, thay vì dựng những bản sao Nữ thần Tự do, Tháp Eiffel, phố cổ Nhật Bản... đầy thô kệch và dễ dãi, người ta nên chú ý khai thác yếu tố văn hóa bản địa để tạo nét riêng cho mình. Còn để điều ấy được thực hiện trên thực tế, đó phải là câu chuyện của chiến lược phát triển, của việc hỗ trợ kiến thức cho người dân địa phương và đặc biệt là những cơ chế tài chính đặc thù để khuyến khích người dân phát triển du lịch theo con đường cơ bản và bền vững.
Thiếu những cái ấy, chẳng có gì lạ khi người ta tự cho phép sử dụng “quyền được xấu” trên không gian riêng của mình.
Tạm biệt Sophia và hẹn gặp lại ở thư sau!
Cúc Đường
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất