16/09/2022 07:10 GMT+7 | Văn hoá
Sophia thân mến! Năm học mới sắp bước sang tuần thứ 3 rồi. Hầu hết các lớp đều đã họp phụ huynh, và thế là các ban đại diện cha mẹ học sinh hay còn gọi là các ban/hội phụ huynh lại hối hả thành lập ở cấp lớp hoặc cấp trường, có trưởng ban/ hội trưởng, phó ban/ hội phó được đề bạt đàng hoàng.
Đây đó cũng có những lời thở than về việc một số hội phụ huynh trở thành hội… thu tiền, với bao nhiêu khoản “bày vẽ” làm rầu lòng những gia đình không có điều kiện.
Thế nên tôi xin nói chuyện hội phụ huynh ở Pháp.
Đó cũng là câu chuyện thường niên ở Pháp vào mỗi mùa tựu trường. Mỗi trường một hội. Số lượng hội viên phụ thuộc vào sự tự nguyện của các bậc phụ huynh nhưng thông thường trường lớn hội lớn, trường nhỏ hội nhỏ.
Hội phụ huynh ở Pháp là cánh tay phải giúp nhà trường trong các hoạt động ngoại khóa (tổ chức lễ hội kết thúc năm học, tổ chức các cuộc du lịch trong năm cho học sinh…). Trong mọi hoạt động, họ thường là đơn vị đứng ra tài trợ. Một ví dụ nhỏ, năm nay thầy giáo chủ nhiệm lớp 4A quyết định tổ chức cho học sinh 4 buổi đi xem kịch ở thành phố khác. Giá của mỗi buổi xem kịch không hề nhỏ, bao gồm tiền thuê xe bus và tiền vé. Số tiền đó được địa phương giúp đỡ một phần, phần còn lại là do gia đình đóng góp.
Tuy nhiên do hoàn cảnh kinh tế, có không ít những gia đình không thể chi trả được, có nghĩa là sẽ có những đứa trẻ không được tham gia. Để tránh trường hợp như thế, hội phụ huynh sẽ đứng ra cùng với chính quyền chi trả gần như 100% chi phí của mỗi buổi xem kịch, mỗi gia đình chỉ thêm vào hơn 2€ (khoảng 65.000 đồng), một cái giá quá rẻ gần như không đáng gì. Đó chỉ là một trong rất ít những sự trợ cấp của hội phụ huynh cho hoạt động ngoại khóa của trường học.
Vậy theo Sophia, hội phụ huynh lấy tiền ở đâu?
Để duy trì quỹ hội, thay vì nhận đóng góp của phụ huynh, mỗi hội sẽ tìm một cách để kiếm tiền gây quỹ. Ý tưởng gây quỹ có thể kể hàng trăm, thậm chí hàng nghìn, từ bán hàng vặt đến tổ chức các lễ hội cuối năm với việc bán bánh, đồ ăn tự làm…
Ở Saône, một ngôi làng nằm ở miền Đông nước Pháp nơi có trường cấp 1 với 10 lớp học và hơn 200 học sinh. Hội phụ huynh có khoảng 20 thành viên, phần lớn là những người mẹ không đi làm nên họ có nhiều thời gian để tham gia vào các hoạt động của hội. Vào mỗi dịp Noel, với tư cách là hội (hội có tư cách pháp nhân, có thủ quỹ, có tài khoản ngân hàng và vì thế sao kê là đương nhiên), họ sẽ mua sỉ cây thông và tổ chức các điểm bán tại địa phương.
Những ngày đó, dù không là thành viên của hội, nhưng các bậc phụ huynh đều có ý thức giúp một tay một chân vì thế công việc sẽ được giảm tải rất nhiều cho những người trong hội. Ngoài bán cây thông, họ tổ chức các buổi bán quần áo và đồ chơi cũ. Các bậc phụ huynh mang đồ cũ của nhà đến điểm tập trung, họ sẽ tổ chức các buổi bán và lấy phần trăm số tiền bán được. Ngoài ra trong năm học, họ tổ chức bán đồ ăn như phó mát, bánh kẹo... Trong bất cứ hoạt động nào, chính quyền địa phương đều có trách nhiệm giúp đỡ họ về mặt địa bàn, phương tiện, và quảng cáo thậm chí là giúp họ những điểm mua sỉ với giá ưu đãi...
Sophia thân mến!
Sẽ có nhiều người đặt câu hỏi, họ được gì khi tham gia hội phụ huynh? Câu trả lời là: Họ chẳng được gì cả, thậm chí con cái họ cũng không được thầy cô yêu quý hơn vì có nhiều người trong số họ chỉ gặp thầy cô một lần vào ngày đầu tựu trường (Phải nói là ở Pháp không có ngày lễ nhà giáo), ngược lại họ mất rất nhiều thời gian để làm việc của hội. Vậy mà hội vẫn tồn tại năm này qua năm khác, tất cả đều nhờ vào những cá nhân có ý thức trách nhiệm với cộng đồng. Và bằng cách này hay cách khác, mỗi hội một ý tưởng kiếm tiền gây quỹ nhưng không hội nào đòi hỏi đóng góp tài chính từ các bậc phụ huynh.
Không biết kinh nghiệm hoạt động của các hội phụ huynh ở Pháp có thể áp dụng được ở Việt Nam không nhỉ?
Tạm biệt Sophia, hẹn gặp thư sau!
Quyên Gavoye
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất