Thư gửi robot Citizen: Lòng tốt luôn ở quanh ta

03/07/2020 07:07 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Sophia thân mến!

Chữ và nghĩa: 'Lây' cả 'lòng tốt'?

Chữ và nghĩa: 'Lây' cả 'lòng tốt'?

Theo thông tin từ trang unicef.org, từ ngày 6/5/2020, UNICEF Việt Nam và Bộ Y tế Việt Nam đã phát động Chiến dịch “Lòng tốt dễ lây” trên các phương tiện thông tin đại chúng và truyền thông xã hội, nhằm kêu gọi thanh thiếu niên thể hiện sự giúp đỡ cộng đồng bằng cách khuyến khích sự đồng cảm, bao dung, vị tha, hòa đồng và chia sẻ các giải pháp đổi mới sáng tạo để ngăn chặn đại dịch Covid-19.

Cách đây vài ngày, tại Việt Nam chúng tôi, câu chuyện về một phụ nữ nhặt được 136 triệu đồng và trả lại cho người đánh rơi đã được loan truyền rộng rãi. Chuyện sẽ chẳng có gì đáng bàn luận nếu như công an huyện Yên Lập (Phú Thọ) - nơi người phụ nữ này cư trú, đã phát hiện những dấu hiệu bất thường trong câu chuyện “người tốt, việc tốt” này. Họ nhanh chóng điều tra, xác minh và sự thật lại không đúng như những gì được loan truyền.

Sophia biết không, theo dõi mạng xã hội một vài năm gần đây, tôi nhận thấy có nhiều những câu chuyện hư hư, thực thực, trắng đen lẫn lộn. Nhiều vụ việc lòng tốt bị lạm dụng khiến cho niềm tin vào lòng tốt của cộng đồng bị lung lay.

Tôi vẫn nhớ cách đây gần 2 năm, một thầy giáo dạy thể dục ở Hà Tĩnh cũng “bịa” chuyện rằng: Mình nhặt được hơn 50 triệu đồng và 23 chỉ vàng, trả lại người mất. Chỉ đến khi sự thật được phơi bày, thầy giáo này mới viết bản tường trình thừa nhận là mình đã “bịa” chuyện và xin được tha thứ.

Có thể Sophia cũng sẽ đặt câu hỏi: “Lòng tốt” là gì mà mọi người phải lạm dụng nó, phải “bịa” chuyện mình làm việc tốt?

Nhà văn Mark Twain đã từng nói: “Lòng tốt là thứ ngôn ngữ mà người điếc có thể nghe, người mù có thể thấy”. Trong thế giới của chúng tôi, biểu hiện về lòng tốt có rất nhiều. Có khi chỉ là dắt một bà cụ qua đường, nhường ghế trên xe buýt cho một chị phụ nữ mang thai. Hay là nhặt được của rơi trả lại người mất, hoặc nhặt đám rác che lấp miệng cống thoát nước giữa cơn mưa…

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trở lại với câu chuyện người phụ nữ ở Phú Thọ và người thầy giáo ở Hà Tĩnh. Trong câu chuyện của họ, Sophia dễ dàng nhận thấy ở 2 người có điểm giống nhau, đó là sự không trung thực. Người phụ nữ ở Phú Thọ đã khai nhận toàn bộ nội dung trên là do bản thân “đạo diễn” nhằm câu view, câu like, để thuận lợi cho việc bán hàng qua mạng sau đó. Còn người thầy giáo ở Hà Tĩnh thì lại đưa ra lý do “kể với bạn bè cho vui vì thời gian gần đây ngành giáo dục có quá nhiều vụ việc tiêu cực”. Lý do càng không thể chấp nhận. Lòng tốt cũng cần phải được đặt đúng nơi đúng chỗ chứ không thể đem ra làm trò tiêu khiển.

Chắc là Sophia cũng sẽ đồng tình với tôi rằng, trong cuộc sống đời thường, cho dù báo chí không đưa tin về các câu chuyện lòng tốt xung quanh chúng ta, cho dù chúng ta có biết hay không thì lòng tốt vẫn luôn luôn tồn tại.

Tôi nhớ tới Nicole Cliffe là một nhà văn, nhà báo người Canada. Trên tài khoản Twitter của mình, cô đặt ra một câu hỏi giúp mọi người chia sẻ câu chuyện của mình. Đó là: Điều tốt đẹp nhất mà người không quen biết đã làm cho bạn là gì?Trong phần bình luận, tôi thấy có khá nhiều chia sẻ của những người đã được nhận món quà “lòng tốt” từ những người khác trong cộng đồng. Hầu như những người chia sẻ lòng tốt không kể việc làm của họ ra sao. Điều ấy rất đúng với những gì tôi đã đọc, đó là đã giúp đỡ ai đó thì không nên kể công, tức là lòng tốt luôn luôn rất vô tư.

Chính vì điều này mà nhà văn V.Huygo đã nói: “Trên đời này chỉ có một thứ mà ta phải cúi đầu thán phục đó là tài năng và chỉ có một thứ mà người ta phải quỳ gối tôn trọng đó là lòng tốt”.

Xin chào Sophia, hẹn gặp lại thư sau.

Quốc Khánh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm