29/01/2021 07:39 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Sophia thân mến!
Tết sắp đến, người Việt Nam chúng tôi lại phải đối diện với nhiều nỗi âu lo. Mà nỗi lo lớn nhất là nguy cơ dịch Covid-19 trở lại, sau khi có gần trăm ca nhiễm ở Quảng Ninh, Hải Dương.
Nhưng lo thì vẫn phải bình tĩnh đối mặt. Xin tạm gác lại nỗi lo đó. Cuối năm tôi xin kể một câu chuyện làm ấm lòng người.
Chúng tôi trong nhóm từ thiện vì trẻ em vùng cao đã kẽo kẹt 7 năm vào những bản ở rất sâu trên núi làm những lớp học cho các cháu mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi để chúngđược học tại bản. Qua 7 mùa nắng mưa, chúng tôi đã làm được 31 lớp học trên 14 điểm ở Đồng Văn và Mèo Vạc (Hà Giang) và 1 điểm ở Ba Bể (Bắc Kạn). Với trên 2,5 tỷ đồng quyên góp được, để cho gần 700 lượt trẻ em được học tại bản thì đó là những giá trị vàng thực sự.
Càng đi vào những bản sâu núi xa, càng chia sẻ với người dân bản, càng thấy quý những đồng tiền quyên góp từ các cá nhân đủ tầng lớp, từ học sinh đến thầy cô giáo và những nhà hảo tâm, trong đó có cả những người từ nước ngoài. Người lao động Việt Nam ở Czech đã gửi đến tôi 50, 100USD, hoặc gửi hàng trăm bộ quần áo rét…
Những đồng tiền từ 1 ngàn đến 500 ngàn của các cháu Trường Tiểu học Nghĩa Tân quý như vàng vì nó đã phát huy tác dụng tối đa giá trị lao động trong nó để chuyển hóa sang một giá trị lớn lao hơn, bền lâu hơn cho tương lai trẻ vùng cao.
Trong những chuyến đi ấy, chúng tôi thường gặp trên đường các bé chưa đầy chục tuổi, nhỏ và còm, mặt mũi nhem nhuốc đi cắt cỏ nuôi bò. Những bà mẹ lầm lũi tay thu trước bụng, còng lưng cõng những bó cây ngô khô chất trên các mỏm đá về đun nấu.
Vùng cao núi đá còn nghèo lắm. Việc trẻ học chữ có vẻ không thiết thực bằng nhặt nhạnh miếng ăn hàng ngày. Những ngày đầu, họ nhìn chúng tôi với con mắt nghi ngờ, nhưng rồi sau 2 - 3 năm họ đã tìm đến chúng tôi để xin có lớp học, và cũng sẵn sàng hợp tác, đóng góp công sức cho những lớp học làm cho con cháu họ…
2 năm gần đây, có những nhà hảo tâm ủng hộ tiền nhiều hơn, thì ngoài sân chơi có thêm cầu bập bênh, máng trượt, thế là nhiều trẻ tự đòi đến lớp vì ngoài học chúng được leo trèo vui đùa…
Mới đây, trung tuần tháng 1/2021, sau ngày cắt băng khánh thành cho lớp học ở bản Đậu Chúa-Sàn Ma Sao thuộc xã Thài Pìn Tủng, Đồng Văn, chúng tôi sang Lủng Sính, xã Phó Cáo, một điểm trường đã làm cách đây 2 năm,trao tiếp 36 triệu hiện vật quà Tết gồm gạo, mắm, muối, áo quần trẻ nhỏ, chăn chống rét cho gần 60 hộ bản.
Tiếp tục khảo sát tiếp địa điểm mới, chúng tôi bắt gặp một chuyện thật cảm động cũng dính đến giá trị tiền.
Trên con đường liên xã, chạy dài dưới chân núi đá, những vạt ruộng trũng là những nương cải trắng, củ trồi trên mặt đất ngổn ngang như đàn lợn con… Cô Hằng, trưởng nhóm chúng tôi, thích quá, nói với trưởng thôn Trá Mí De, hỏi mua một ít về luộc cho đoàn ăn tối. May là cô chủ vườn người Mông đang cắt cỏ bò ở đấy. Cô xuống nhổ cho 2 bó củ cải nặng chừng chục cân. Chúng tôi hỏi trả tiền, cô lắc đầu nói nhẹ nhàng bằng tiếng phổ thông chưa thạo: "Mình giồng cải để nuôi lợn thôi, không lấy “tiền” đâu. Nói rồi, cô khoác quẩy tấu cỏ lên vai, bước nhanh về nhà khi trời đang chuyển về chiều muộn…"
Sophia biết không, củ cải là một loại thực phẩm giàu dinh dưỡng của rẻo cao vì nó hợp đất… vậy mà chỉ để cho lợn ăn mà không khai thác được thành thương phẩm để đẩy đời sống lên…Nghe thấy có gì đắng lòng. Nhưng câu chuyên cô chủ vườn cải không lấy tiền khiến chúng tôi suy nghĩ rất nhiều.Một vùng biên nghèo, những con người nghèo lầm lũi một ngày kiếm đâu ra vài nghìn, nhưng họ thế đấy. Những thứ tự làm ra được, họ sẵn sàng cho không.
Khảo sát xong địa điểm mới, trên đường về chúng tôi cứ nghĩ ngợi mãi về những đồng tiền giá trị vàng của những người hảo tâm, và tấm lòng vàng của người dân xứ sở mình đến giúp họ.
Với những giá trị vàng ấy, không cókhó khăn gì mà chúng ta không thể vượt qua được.
Tạm biệt Sophia, hẹn gặp thư sau!
Đỗ Đức
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất