Tác quyền âm nhạc 2016: Tăng Nam, giảm Bắc

24/01/2017 13:25 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Vừa qua, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã có buổi tổng kết hoạt động năm 2016. Theo đó, năm qua Trung tâm này đã có số tăng trưởng hơn 7% với tổng thu là 72 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào con số của 2 trung tâm phía Nam và phía Bắc sẽ thấy có một sự chênh lệch lớn. Nếu như VCPMC phía Nam có tổng thu là hơn 52 tỷ đồng (tăng 17% so với 2015) thì con số này ở phía Bắc chỉ vào quãng 20 tỷ (trong khi năm 2015 là 24 tỷ) và kéo tỷ lệ tăng trưởng của cả trung tâm chỉ còn 7%.

Hệ lụy từ “lá bài lách luật”

Một mâu thuẫn có thể thấy rõ: năm 2016, phía Bắc trở thành mảnh đất vàng của giới biểu diễn. Hàng loạt các show ca nhạc lớn bé đều được tổ chức tại đây, trong khi cảnh đìu hiu lại diễn ra khá phổ biến tại phía Nam.

Nhưng sẽ bất ngờ hơn biết rằng, dù ít show nhưng thị trường phía Nam cũng đã tăng trưởng 3% ở lĩnh vực biểu diễn (thu hơn 2,7 tỷ đồng) trong khi phía Bắc lại gần như thụt lùi. Đáng nói hơn, số tiền 2,7 tỷ đồng của phía Nam thậm chí còn không cao bằng số tiền tác quyền mà VCPMC thu được từ khách sạn, resort, cao ốc văn phòng có sử dụng âm nhạc (3,5 tỷ đồng).


Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vẫn là tác giả nhận tác quyền cao nhất năm 2016

Bởi, show Bắc thắng lớn nhưng tác quyền thì thu được không hề nhiều. Theo nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc VCPMC, thì việc cho ra đời Thông tư số 01/TT-BVHTTDL ngày 24/3/2016 với việc ban hành mẫu đơn số 14 (văn bản cam kết thực thi đầy đủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả) đã trở thành lá bài lách luật của giới biểu diễn, làm ảnh hưởng nghiên trọng đến lợi ích của chủ sở hữu quyền tác giả.

Theo đó, một trong số những thủ tục cần thiết khi nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật cần có: “01 văn bản cam kết thực thi đầy đủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả hoặc bản sao hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận với tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả”. Có nghĩa là, một trong các điều kiện để cơ quan quản lý nhà nước cấp phép là đơn vị tổ chức biểu diễn phải có cam kết bằng văn bản với chủ sở hữu tác phẩm hoặc người được chủ sở hữu tác phẩm ủy thác (VCPMC).

Thế nhưng, thông tư hướng dẫn lại đưa kèm mẫu số 14: “Văn bản cam kết thực thi đầy đủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả”. Có nghĩa là, đơn vị tổ chức biểu diễn chỉ việc nộp bản cam kết này tới cơ quan cấp phép này là xong và không cần quan tâm tới việc các tác giả có đồng ý hay không.

Và kết quả là các nhà tổ chức gần như đã “biến mất” ngay sau đó mà không cách nào có thể đòi được tiền tác quyền.


Chương trình “Khánh Ly live concert in Sài Gòn” (diễn ra vào ngày 2/12/2016) vẫn nợ VCPMC gần 300 triệu đồng tác quyền.

Điều này thật sự đã gây căng thẳng cho các bên và hiện VCPMC đã quyết định sẽ tiến hành khởi kiện 5 trường hợp tổ chức/cá nhân lợi dụng mẫu “đơn cam kết số 14” khi đăng ký tổ chức biểu diễn, phát hành băng đĩa nhạc để né tránh việc xin phép, trả tiền cho chủ sở hữu quyền tác giả, trong đó có một số đơn vị tổ chức biểu diễn. Trong số này, đáng chú ý lại có tên Công ty TNHH Giải trí Đồng Dao với live show Khánh Ly tại TP.HCM (nợ 285 triệu đồng tiền tác quyền).

Cũng trong thời gian qua, VCPMC đã quyết liệt kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước cần sớm sửa đổi quy định của Thông tư số 01/TT-BVHTTDL, quyết tâm bảo vệ tới cùng quyền và lợi ích chính đáng của các nhạc sĩ.

Kết quả là vào ngày 19/10/2016, ngành quản lý đã có văn bản quy định bãi bỏ “Mẫu số 14” (đơn cam kết) của Thông tư số 01/2016/TT-BVHTTDL. Việc bãi bỏ này, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017.

“Đây thật sự là điều mà chúng tôi trông đợi. Hy vọng 2017 tình hình sẽ sáng sủa hơn”, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Giám đốc VCPMC phía Nam, cho biết.

Giảm thê thảm và tăng đột biến

Năm 2016 lại tiếp tục chứng kiến sự đi xuống trông thấy của thị trường băng đĩa khi tổng thu ở lĩnh vực này giảm đến 26% (chỉ còn hơn 400 triệu đồng). Đây thật sự là một bài toán khó cho bất cứ nhà sản xuất nào muốn tiếp tục đầu tư vào thị trường này.

Xu hướng online phát triển mạnh mẽ đang đẩy thị trường băng đĩa vào ngõ cụt. Cần biết rằng, chi phí cho một music video (MV), như trường hợp MV Vì anh là soái ca của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, cũng đã tốn hơn 500 triệu đồng. Có nghĩa là vốn đầu tư Hưng bỏ ra còn lớn hơn khoản tác quyền của cả thị trường băng đĩa phía Nam cộng lại.

Tác quyền âm nhạc: Nhiều thách thức hơn cả việc đòi nợ thông thường

Tác quyền âm nhạc: Nhiều thách thức hơn cả việc đòi nợ thông thường

Xung quanh vấn đề tác quyền âm nhạc và cả những ý kiến trái chiều về “công ty đòi nợ thuê” VCPMC (Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam), Thể thao & Văn hóa cuối tuần có cuộc trao đổi đầu năm với nhạc sĩ Phó Đức Phương.


Nhưng MV này và cả một loạt MV của những nghệ sĩ khác sẽ lại thắng trên thị trường online. Năm 2016, số tiền tác quyền mà VCPMC thu từ các website, ứng dụng nhạc là gần 8 tỷ đồng, tăng vượt trội 87% so với 2015 và gấp 20 lần so với thị trường băng đĩa 2016.

Đồng thời, một trong những lĩnh vực có doanh thu đột biến là tác quyền âm nhạc từ các trung tâm chăm sóc sức khỏe (gần 390 triệu đồng, tăng 96%) hay từ siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng (hơn 3,1 tỷ đồng, tăng 20%).

Xu hướng tác quyền đang có những đoạn chuyển mới mẻ từ những lĩnh vực mới trong khi các lĩnh vực khác như nhạc từ hàng không, karaoke, file midi, vũ trường phòng trà có dấu hiệu chững lại hoặc tăng nhẹ.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương kết luận lại rằng năm 2016 bị ảnh hưởng khá nhiều từ mẫu đơn số 14 dẫn đến thất thoát khoản thu tác quyền khá lớn. Và điều này không phản ảnh rõ được một thị trường âm nhạc ngày càng phát triển ở Việt Nam.

“Cho dù năm nay tỷ lệ tăng trưởng cao hơn năm ngoái nhưng không được như mong muốn của phía Trung tâm. Với tổng thu khoảng 3,5 triệu USD chúng ta còn khoảng cách khá xa với nhiều nước” - nhạc sĩ cho biết. “Hiện Malaysia đang có tổng thu tác quyền hàng năm tầm 25 triệu USD và chúng tôi phấn đấu sẽ đạt được điều này vào 10 năm tới”.

Top 5 tác giả nhận tác quyền cao nhất 2016

Số liệu được dựa vào nguồn từ VCPMC phía Nam và được tính từ 3 quý đầu năm 2016 và quý 4 của năm 2015:

1. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: 682,115,496 đồng

2. Nhạc sĩ Thanh Sơn (Lê Văn Thiện): 598,299,549 đồng

3. Nhạc sĩ Khánh Đơn (Nguyễn Quốc Tuấn): 479,085,057 đồng

4. Nhạc sĩ Nguyễn Hồng Thuận (Nguyễn Đình Thuấn): 415,193,982 đồng

5. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: 377,744,983 đồng


Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm