12/05/2011 10:28 GMT+7 | Du lịch đời sống
Tỉnh Bình Thuận đang đẩy mạnh quảng bá và hoàn chỉnh hạ tầng ở làng Nga. Những người kinh doanh hàng hoá, dịch vụ đang tranh thủ bốn tháng vắng khách Nga để đi học tiếng Nga.
Ông Lê Văn Nghĩa, chủ tịch HĐQT công ty Nhật Minh có gần 30 năm sống ở Nga, là người đã đưa đoàn 43 doanh nghiệp Nga cùng giới báo chí, truyền hình và các cơ quan du lịch Nga sang để giới thiệu về Việt Nam vào năm 2005.
Những cầu nối nhiệt tình
Khảo sát nhiều nơi như Hà Nội, Hạ Long, Nha Trang, Phú Quốc, TP.HCM... cuối cùng Hàm Tiến – Mũi Né được chọn với những lý do: bãi biển dài và đẹp; nắng – gió tốt; nhiều cảnh đẹp hoang sơ; đặc biệt không có khách sạn, nhà cao tầng; từ đây tiện cho du khách đi tiếp Đà Lạt, Nha Trang, Bà Rịa – Vũng Tàu hay vào TP.HCM…
Làn sóng khách Nga chủ yếu từ Moscow, Novosibirsk đến TP.HCM hoặc từ Vladivostor và Khabarovsk đến Cam Ranh rồi tập trung vào Hàm Tiến – Mũi Né. Hiện nay, ngoài Vietnam Airlines và Aeroflot là hai hãng hàng không lớn, các hãng khác cũng đã có chuyến bay hàng tuần từ Nga sang Việt Nam như Transaero Airlines, Sibiry Airline S7, Vladivostor Air.
Ông Igor Klokov – chủ nhà hàng Boctok và con trai Nicolai (đứng)
chụp ảnh với những người đồng hương từ Moscow sang.
Một người Nga tình nguyện làm tư vấn cho đồng hương cũng là để hỗ trợ dân địa phương làm du lịch là ông Igor Klokov – chủ nhà hàng Boctok (31 Nguyễn Đình Chiểu, Hàm Tiến) mà mọi người quen gọi là nhà hàng gấu vì trước cổng có hai con gấu đá ngộ nghĩnh. Ông Igor học chuyên khoa tiếng Việt, thực tập ở cơ quan tham tán kinh tế của Liên Xô (cũ) tại Hà Nội từ 1979 – 1981. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông trở lại Việt Nam làm việc ở hội Hữu nghị Xô – Việt từ 1983 – 1991, rồi cộng tác với một số công ty du lịch.
Ông Igor mở nhà hàng đã ba năm vì muốn làm một nơi để đồng hương sang yên tâm có “người nhà”. Du khách Nga thấy ông biết nhiều về Hàm Tiến – Mũi Né và Việt Nam nên muốn đi đâu, mua gì, ăn gì cũng hỏi. Chúng tôi cứ tưởng nhà hàng Boctok có nhiều món Nga nhất, nhưng Igor bảo chủ yếu là món ăn Việt Nam vì ông muốn giới thiệu về Việt Nam.
Giữ làng thêm khách
Theo ông Igor, người Nga đang muốn thay đổi nơi du lịch sau thời gian dài đi Thái Lan, Ai Cập hay Thổ Nhĩ Kỳ và họ đã thấy đất nước hấp dẫn mới là Việt Nam, nên thời gian tới người Nga du lịch Việt Nam sẽ tăng tiếp. Khách Nga đã thích ở đâu thì gắn bền với nơi đó nếu như mọi thứ luôn làm họ hài lòng, nên việc giữ chất lượng và giá cả hàng hoá, dịch vụ ổn định, môi trường du lịch an toàn, sạch đẹp rất quan trọng. Khách Nga từng nhận xét làng du lịch còn nhiều rác, ý thức người dân chưa tốt, nhiều lúc họ còn bị rác vứt từ xe buýt xuống trúng vào người.
Những quản lý resort và nhiều chủ nhà nghỉ cũng đồng nhận xét như ông Igor. Mặt tiền các resort muôn vẻ khác nhau, con đường Nguyễn Đình Chiểu – Huỳnh Thúc Kháng có nhiều rặng dừa cao rất đẹp, nhưng trên vỉa hè, dọc bờ biển rác không ít. Một điểm thu mua phế liệu nằm giữa các cơ sở dịch vụ du lịch lại đổ đủ thứ chai, lon, hộp nhựa tràn ra đường. Tài xế taxi cho biết khách du lịch thích đi chợ, nhưng khi chở họ đến chợ Rạng hay chợ Mũi Né thì họ “dội” vì chợ nào cũng đầy rác trước cổng, những lối đi trong chợ bừa bộn, cảnh buôn bán thực phẩm mất vệ sinh, ruồi nhặng đầy. Ông Trần Văn Trang, giám đốc công ty Chuông Gió cho rằng hạ tầng làng du lịch quốc tế làm quá chậm, vỉa hè đi bộ trên đường Nguyễn Đình Chiểu chỉ mới đẹp một phía dọc các resort, còn phía đối diện đã bao năm nay vẫn luộm thuộm.
Ông Nghĩa cho rằng Hàm Tiến – Mũi Né còn thiếu nhiều dịch vụ cho khách Nga, hiện mới có dịch vụ lưu trú là tốt thôi, còn những câu lạc bộ ban đêm vui chơi giải trí, các điểm chăm sóc sức khoẻ chưa đạt yêu cầu. Người Nga hay du lịch theo dạng gia đình nhiều thế hệ, nên cũng cần nghiên cứu dịch vụ cho người già và trẻ em.
Hiện nay, du khách xuống sân bay từ TP.HCM, phải mất 5 – 6 giờ ra Hàm Tiến – Mũi Né, thường xuyên tắc đường khiến khách mệt mỏi. Mặt khác, tình trạng xe tải lưu thông xuyên làng du lịch làm mất đi sự yên tĩnh, mỹ quan.
Tỉnh Bình Thuận đã thấy tiềm năng khách Nga còn lớn, đang tiếp tục các chương trình quảng bá. Trung tâm Phát triển kinh tế xã hội thuộc liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Bình Thuận cũng đang mở liên tục các lớp dạy tiếng Nga giúp các cơ sở lưu trú, kinh doanh chuẩn bị đón khách tốt hơn.
Theo SGTT
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất