Thư châu Âu: Chuyện không chỉ về đồ hiệu

12/12/2014 09:10 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Thưa quý anh chị,

Một trong những câu hỏi mà tôi hay được nghe nhất từ những “người mình” khi sang Italy, là mua đồ xịn ở đâu. Đồ xịn thì nhiều dạng lắm: giày, thắt lưng, túi xách các loại, ví da, quần áo, nước hoa... và rất nhiều các đồ khác nhau được đặt dưới hai chữ hàng hiệu nữa - nhằm chỉ chung những thứ hàng xa xỉ và cao cấp nổi tiếng mà nước Italy sản xuất.

Sự ngưỡng mộ đồ hiệu ấy thực ra một phần từ cảm giác cao cấp và thời thượng mà những thứ đó đem lại cho người dùng, nhưng cũng phản ánh thêm một sự thật nữa: người mình ngày càng giàu, và chuyện đi shopping đồ hiệu ở một đất nước từ lâu đã đồng nghĩa với mốt và cuộc sống tươi đẹp như Italy đã trở thành một chuyện không còn hiếm. Chẳng ngạc nhiên nếu những tour du lịch cho khách Việt tới đây dành một thời lượng đáng kể cho việc đi phố thời trang hoặc đến các outlet. Càng không lạ khi một tour guide tôi quen có lần bảo: “Khách của em nằng nặc đòi bỏ tour đi Bảo tàng Vatican để có thêm thời gian đi mua đồ”.

Cứ nhìn các cô nhân viên phục vụ người nước ngoài ở các cửa hàng nổi tiếng ở Rome hay Milan, những trung tâm thời trang của thế giới, là có thể thấy các xu hướng mua sắm của những người mới giàu lên nhanh chóng. Trước kia, bên cạnh các nhân viên bản địa luôn có những cô trợ giúp bán hàng là người Nhật. Sau đó, xuất hiện các cô nói tiếng Nga, và bây giờ lại tràn ngập những nhân viên người Hoa. Lượng khách Trung Quốc đang đổ sang Italy tiêu tiền và mua đẳng cấp từ đồ hiệu. Đến bao giờ trong những cửa hàng sang trọng ấy có những cô nhân viên người Việt, hoặc biết nói tiếng Việt, để chiều khách ta?

Câu hỏi ấy không dễ trả lời, nhưng với ông bạn tôi, một nhà báo Italy mới trở về từ Việt Nam, một trong những ấn tượng mạnh nhất với ông chính là việc không ít phụ nữ Hà Nội đeo túi... Louis Vuitton đi ngoài phố. Ông bảo rằng, ông không tin là kinh tế Việt Nam có thể phát triển nhanh đến mức đồ hiệu nhan nhản ngoài phố như thế, nhưng nó thể hiện một điều: ước mơ đổi đời và giàu sang, đẳng cấp đã len lỏi vào cuộc sống của tất cả mọi người. Người ta thậm chí sẵn sàng dùng những thứ hàng nhái chỉ để có cảm giác rằng họ sang trọng và theo kịp với thời thượng. Đấy là một thứ giấc mơ thực sự, vì với thu nhập khiêm tốn của mình, họ không biết đến bao giờ mới có cơ hội được dùng những đồ thứ thiệt vốn có thể lên tới hàng nghìn, hàng chục nghìn USD. Ông, một người rất hay quan sát, bảo rằng, những đồ nhái như thế có mặt ở khắp mọi nơi ông đi qua. Ông đặt một câu hỏi: phải chăng, người Việt sính ngoại đến mức sẵn sàng mua tất cả những thứ đó, bất kể đó là đồ ăn cắp mẫu mã và thương hiệu cũng như không ai biết chất lượng của chúng ra sao?

Đấy chỉ là góc nhìn của một người phương Tây về chúng ta. Nhưng giữa một giấc mơ thành hiện thực của những người có tiền đi mua đồ hiệu trên đất Italy xa xôi (đôi khi không biết rằng không ít đồ được làm nơi đây, dưới dòng chữ Made in Italy là của nhân công Trung Quốc được thuê gia công tại chỗ) và giấc mơ của những người dùng đồ nhái chỉ để có cảm giác không bị thời thượng bỏ xa trên thực tế vẫn là câu chuyện về giá trị của hình thức, và sử dụng hình thức vật chất ấy như một giá trị của bản thân. Một tờ báo Italy có lần viết rằng, chính những người đi theo hình thức ấy hoặc đã cứu vớt một nền công nghiệp thời trang và đồ hiệu đang sút giảm thu nhập vì khủng hoảng kinh tế toàn phần, hoặc giúp những kẻ làm hàng nhái ngày càng giàu lên. Tờ báo kết luận, một cách rất triết lý, rằng xét cho cùng, ai cũng phải khoác lên mình một thứ gì đó, rằng dù đồ hiệu hay nhái, thì cũng chỉ để che giấu những trống rỗng nào đó của bản thân chúng ta giữa cuộc sống bề bộn và đầy bất trắc này.

Những người mới giàu lên mua đồ hiệu và những người không đủ tiền phải dùng hàng nhái có nghĩ vậy không? Chẳng ai biết được. Họ vẫn cứ mua, mua mãi, và tin vào những giá trị mà họ đã và sẽ có nhờ chúng.

Hẹn quý anh chị trong những thư sau.

Trương Anh Ngọc (từ Rome, Italy)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm