Thư châu Âu: Trong nỗi lo sợ mơ hồ

27/01/2015 13:00 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Thưa quý anh chị,

Trường học của con gái tôi bắt đầu có cảnh sát bảo vệ. Mấy ngày sau vụ tấn công khủng bố vào tòa soạn báo Charlie Hebdo ở Paris, tất cả các cơ sở đại diện ngoại giao, văn hóa và giáo dục Pháp ở Italy đều được đặt trong sự bảo vệ của cảnh sát. Buổi sáng đưa con đi học, thấy lù lù một xe hiến binh đứng ngay cạnh cổng. Một nhân viên an ninh Pháp mặc thường phục đứng ở góc đường mà các phụ huynh lái xe đưa con vào, nhận mặt từng người một bằng cách nhìn vào từng xe và chặn lại bất cứ xe nào hoặc không có trẻ con, hoặc không giống các phụ huynh thường đến trường.

Ngôi trường quốc tế Pháp với hơn 400 học sinh thuộc 40 quốc tịch khác nhau con tôi đang theo học chỉ là một trong số những nơi được cảnh sát khoanh vùng bảo vệ, trong nỗi nghi ngại, rằng nó có thể trở thành mục tiêu tấn công khủng bố. Danh sách những mục tiêu có thể bị khủng bố ở Rome rất dài, trong đó đầu bảng là Tòa thánh Vatican, nằm ở giữa lòng Rome. Cảnh sát mặc quân phục và thường phục có mặt ở khắp nơi quanh Vatican và ở những điểm quan trọng ở Rome.

Lực lượng cảnh sát Italy ở Rome được tăng cường sau vụ khủng bố tòa soạn báo Charlie Hebdo ở Paris. Ảnh: Getty Images

Rome có vẻ vẫn lừng lờ như mọi khi. Cuộc sống vẫn trôi trên bề mặt. Nhạc vẫn vui trong các khu phố đi dạo ban đêm, pizza vẫn thơm nức các quán, nhưng cái vẻ nhẩn nha thực sự của ngày xưa có vẻ như không còn nữa trên mặt những người Ý, sau khi những tin tức về khủng bố dồn dập từ Pháp, Bỉ và Đức dội về. Báo chí chạy những trang dài về khủng bố. L’Espresso, một tuần báo uy tín, trong số ra tuần trước đã đăng trang bìa ảnh một bàn làm việc ở tòa soạn Charlie Hebdo đầy máu, với dòng tít: Cái giá của tự do. Tờ báo khẳng định, Italy đã trở thành nơi trung chuyển cho các chiến binh Hồi giáo người châu Âu từ đây sang Syria và Iraq, rồi từ đó trở về. Tờ báo đặt câu hỏi: “Bao giờ họ tấn công chúng ta?”. Nỗi lo sợ là có thực, bởi một lý do duy nhất: nhiều nước châu Âu đã bị tấn công khủng bố, tùy theo mức độ. Nhưng Italy thì chưa. Điều đó khiến người ta nghĩ rằng, sau Paris, có sẽ là Rome, với Vatican, trái tim của nhà thờ Công giáo thế giới.

Emilio, người bán báo tôi hay tán gẫu trên đường Prenestina nói với tôi: “Khủng bố hay không thì cuộc sống của chúng tôi cũng đã mệt mỏi lắm rồi. Italy đã suy thoái kinh tế từ nhiều năm qua và tuy không có những vấn đề về Hồi giáo như Pháp, nhưng tôi nghĩ, một cuộc tấn công vào Rome là không thể loại trừ”. Mario, một nhân viên văn phòng thì bảo: “Mọi chuyện sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu điều đó xảy ra. Bức tranh Italy đã u ám lắm rồi. Đây là một thời điểm u ám của nền kinh tế và chính trị của cả Italy lẫn châu Âu: thất nghiệp tràn lan, chính trị chưa bao giờ ổn định, các đảng và phong trào cực hữu chống nhập cư ngóc đầu dậy, đổ thêm dầu vào lửa, khi đổ lỗi cho người nhập cư. Người dân đang đòi Chính phủ tách khỏi EU và đóng cửa biên giới”.

Cuộc chiến chống một lực lượng tồn tại mà như vô hình khiến cuộc sống căng thẳng. Không ai biết được hiểm họa sẽ đến từ đâu, khi nào, và từ ai...Từ những người không quen biết đang đi trên đường, đang uống cà phê trong quán ngay cạnh ta mỗi sáng, hay từ chính những người Hồi giáo có giấy tờ hợp pháp cùng khu dân cư với ta...?  Không ai biết, trong một nỗi lo sợ mơ hồ đang lan ra khắp châu Âu.

Hẹn gặp lại quý anh chị trong những thư sau.    

Trương Anh Ngọc (từ Rome, Italy)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm