Thư châu Âu: Chuyện chép ở một thư viện nhỏ

20/04/2015 15:30 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Thưa quý anh chị,

Thư viện nằm trong một tòa nhà không bề thế lắm, vẻ bên ngoài của nó cũng không hề gây chú ý cho bất cứ ai mới đến đây lần đầu. Một dòng chữ nhỏ xíu ghi giờ mở và đóng cửa. Một cái tên màu đỏ hiện ra trên tấm biển để gần cánh cổng sắt. Một con đường nhỏ bằng sắt chạy đến cánh cửa lúc nào cũng đóng.

Thế nhưng, bên trong đó, đằng sau lưng một cô thủ thư già nhưng rất đôn hậu và có nụ cười hiền lành ấy, là một thế giới của sách, của những đứa trẻ yêu sách, yêu các hoạt động mà thư viện này luôn tổ chức. Đấy là một trong những gì ưu tú nhất mà hệ thống dịch vụ công ở Ý, vốn bị cho là ì ạch, quan liêu, xuống cấp và đang bị cắt giảm ngân sách, đem lại cho người dân.

Ở cái khu dân cư Tor Tre Teste của tôi, nhiều người dân từ lâu đã nghĩ rằng, nơi này đã bị quên lãng. Những khu chung cư xấu xí và cũ kỹ. Những con đường đầy ổ gà. Dăm ba dự án đường giao thông cứ làm túc tắc bao năm chưa xong. Chỉ có cái công viên lúc nào cũng xanh và thư viện nhỏ mang tên cố nhà văn nổi tiếng với các tác phẩm cho thiếu nhi Gianni Rodari ấy là điều tự hào của tất cả.

Phải chăng vì đấy là những dịch vụ miễn phí? Không hẳn là thế, dù đúng là làm thẻ vào thư viện này không mất một đồng nào. Bạn chỉ cần chìa ra giấy cư trú, khai vào một mẫu đơn, là có thể trở thành một thành viên của thư viện, có thể vào đọc trong những phòng đọc rất khang trang với đầy ắp sách và báo, tạp chí trong các giá xung quanh, cũng như có thể mang sách, báo và đĩa hình về nhà trong một thời gian nhất định. Miễn phí, bởi thư viện sống bằng nguồn kinh phí của thành phố, sự hảo tâm của những người yêu sách đóng góp và cả sự tự giác của những người đến đọc.

 Người ta quý sách và đối xử với sách một cách thực sự trân trọng. Và người tự hào bởi đấy là một không gian văn hóa chung của cộng đồng mà tất cả mọi người cùng chung tay vun đắp, trong hoàn cảnh mà nguồn vốn của Nhà nước rót cho các dịch vụ công ngày càng ít đi.

Con tôi thích cái thư viện này lắm. Kể từ ngày đi dạo trong công viên sau nhà, tình cờ tìm được thư viện mà nhìn bề ngoài chẳng có gì đáng chú ý này, nó trở thành một người quen thuộc đối với bà thủ thư và các giá sách, cơ man là sách. Không thể tin nổi một tòa nhà bé thế kia, trong một khu dân cư không có gì khá giả, lại nhiều sách đến thế. Mà con bé cũng chỉ là một trong số rất nhiều đứa trẻ của khu này đến đây đọc và mượn sách thường xuyên. Chúng đến đây học bài và hoặc đọc sách sau giờ đến trường, xem phim trong một phòng media nhỏ của thư viện, thực hiện học nhóm hoặc sinh hoạt chung với nhau trong một phòng họp khác và lúc nào cũng để ý đến những chương trình văn hóa liên quan đến sách ở đây.

 Thư viện cũng trở thành một cầu nối cho các hoạt động văn hóa khác của một trong những thủ đô bận rộn nhất về văn hóa trong năm: ở một góc, người ta bày ra một loạt tờ rơi chương trình của các nhà hát, bảo tàng, các rạp chiếu phim trong thành phố. Thư viện cũng thỉnh thoảng tổ chức các cuộc nói chuyện chuyên đề về sách, những buổi ngâm thơ, và người dân trong khu đến tham gia chật cả không gian bé nhỏ ấy.

***

Tôi chợt chạnh lòng nghĩ đến những thư viện ở Việt Nam. Nhìn cái cảnh người ta đưa bọn trẻ đến thư viện hàng ngày để rồi cho chúng đọc trong đó, còn bản thân họ thì tập thể dục trong công viên chỉ cách đó đúng một con đường, mà thỉnh thoảng lại nghĩ đến những thư viện ở mình, những đứa trẻ lười đọc một phần vì bố mẹ chúng không đọc khi chỉ mải kiếm tiền và bon chen danh lợi.

Cũng chạnh lòng khi thấy trong hàng ngàn cuốn sách ở đây, không có cuốn nào liên quan đến Việt Nam. Tôi nhét vào túi của con gái mấy cuốn họa báo về Việt Nam, vài cuốn sách mà Nhà xuất bản Thế giới vẫn đều đặn gửi sang các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để làm công tác đối ngoại. Chúng tôi cùng đến tặng số ấn phẩm ấy cho thư viện.

Người Italy không biết nhiều đến Việt Nam của hiện tại. Đối với nhiều trong số họ, Việt Nam đơn thuần chỉ là một cuộc chiến. Cuộc chiến ấy đã kết thúc 40 năm, nhưng theo một cách nào đó, nó vẫn tồn tại đối với họ và dường như là cách duy nhất để họ biết đến chúng ta. Phải có cách nào đó để họ biết đến Việt Nam của bây giờ, trong cái khu tưởng như đã bị Rome hào nhoáng bỏ rơi.

Tôi tin, sẽ có ngày, những cuốn sách ấy sẽ được ai đó ở khu ngoại ô Rome này tìm đọc.

Trương Anh Ngọc (từ Rome, Italy)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm