Thư Brazil: Maracana huyền thoại chờ Brazil

08/07/2014 06:37 GMT+7 | Ký sự World Cup

(Thethaovanhoa.vn) - Nó còn ý nghĩa hơn bất cứ sân bóng nào dù cho đó là Stade de France với người Pháp, thậm chí cả Wembley với người Anh. Maracana với người Brazil là tất cả, một sân bóng từng là lớn nhất thế giới, đã chứng kiến những chiến thắng hào hùng và cả thất bại mà cho tới hôm nay họ vẫn chưa thể quên (trận chung kết World Cup 1950).

Vậy mà Brazil ở World Cup này vẫn chưa chơi một trận nào ở Maracana. Họ đá trận khai mạc ở Sao Paulo. Họ cũng đã chơi ở miền Trung cao nguyên đầy gió và đất đỏ, nơi có thủ đô Brasilia mới 54 tuổi. Rồi cứ thế Brazil dịch dần lên phía Bắc.

Brazil chơi tứ kết ở Fortaleza, nằm gần ở cực Bắc, và là một trong những thành phố hiếm hoi trong những đô thị lớn ở ven biển của Brazil mà người da trắng không chiếm đa số.  

Và ở bán kết này, Brazil chơi ở Belo Horizente, thành phố mà số lượng người da trắng chỉ nhỉnh hơn nhóm người lai và nếu tính gộp cả nhóm người da màu với người lai lẫn người Á thì người da trắng là thiểu số.

Đó không phải là sự trùng lặp ngẫu nhiên, khi việc bố trí địa điểm thi đấu đã được tính toán từ trước với xác suất Brazil sẽ đứng đầu bảng A là lớn hơn so với việc họ chỉ đứng thứ hai (và dĩ nhiên không tính tới phương án bị loại). Gần ba thập kỷ qua, Brazil luôn có truyền thống thắng cả hai trận đầu vòng bảng cho tới giải này, họ bị Mexico cầm hòa.

Dĩ nhiên, mua được vé và vào được sân ở những thành phố nói trên không phân chia theo tỉ lệ cơ cấu dân số khi mà người da trắng ở đây có điều kiện kinh tế vượt trội. Nhưng việc mang đội bóng tới gần hơn những người bản xứ, để họ được đổ ra đường, được tới gần sân, túc trực ở khách sạn nơi đội bóng Vàng Xanh đóng quân, cũng đã tạo nên sự phấn khích lớn.

Ở Belo Horizente, biểu tình chỉ diễn ra trong những ngày đầu tiên của World Cup và thành phố ấy trở nên yên bình cho tới hôm nay, trong khi những cuộc xuống đường ở Sao Paulo vẫn chưa dứt.

Người Rio de Janeiro nhìn đội tuyển Brazil cắm chốt trên phía Bắc với sự ghen tị. Lễ hội xem bóng đá trên bãi biển Copacabana hay trên những con phố thấm đẫm chất văn hóa và tiệc tùng không xoa dịu được sự thèm khát được trực tiếp chào đón đội tuyển.

Trận Pháp-Đức, một trong những cuộc chạm trán của hai đội bóng giàu truyền thống từ châu Âu diễn ra ở đây cũng không làm người Rio thực sự thỏa mãn.

Và giờ là băn khoăn làm người Rio trăn trở: Không còn Neymar (chấn thương) nữa, liệu họ có đủ sức để vượt qua Đức mà về Maracana ở Rio chơi trận chung kết hay không? Hay Brazil sẽ lại về Brasilia xa xôi cùng với ai đó giữa Hà Lan và Argentina chơi trận tranh hạng Ba?

54 năm trước, Thủ đô Brazil được chuyển từ Rio lên Brasilia, một thành phố được xây mới hoàn toàn với những công trình kiến trúc hiện đại phá cách, những con đường rộng thênh thang mà đứng từ bên này nhìn người bên kia chỉ bé như con kiến, và cả cách đặt tên đường phố “rất Mỹ” chỉ theo thứ tự ABC và số.  

Nhưng trong tâm khảm của người Brazil, thì Rio vẫn là linh hồn của đất nước, là nơi phát khởi Samba, là nơi đức Chúa cứu thế ngự trị trên đỉnh núi hoa cương. Đại bản doanh của BTC World Cup cũng được đặt ở đó để hàng ngày mỗi cuộc họp báo chung lại diễn ra ở nơi đây.

Không thắng được Đức, không về Maracana chơi trận chung kết sẽ là nỗi đau…

Người giàu Brazil đốt tiền để vào sân vận động

Các sân vận động được đầu tư hàng tỷ USD để phục vụ World Cup 2014 tại Brazil dường như chỉ là thiên đường dành cho những người thu nhập "khủng" và tầng lớp da trắng - vốn chỉ chiếm khoảng 15% trong tổng số hơn 200 triệu dân ở quốc gia Nam Mỹ này.

Datafolha lấy ví dụ là giá vé của trận Brazil-Chile dao động từ 25 USD đến 200 USD/vé. Trong số này, vé giá rẻ nhất chỉ đủ phục vụ cho 5% người hâm mộ túc cầu thu nhập thấp. Tất nhiên, không phải ai cũng may mắn sở hữu một tấm vé giá ưu đãi như thế.

Marcos Carvalho, một chàng trai Brazil 18 tuổi, than vãn: "Giá vé cao ngất ngưởng, làm sao tôi có đủ tiền để mua. Ngay cả khi có vé ưu đãi chúng tôi, những người bần cùng của xã hội, cũng chẳng thể mua nổi. Chúng tôi chỉ có cách thỏa mãn sở thích bóng đá là xem qua màn ảnh nhỏ".


Phạm Tấn (từ Brasilia)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm