23/06/2014 04:05 GMT+7 | Ký sự World Cup
(Thethaovanhoa.vn) - Tôi không dám hình dung là nếu Brazil thất bại ở World Cup này, xã hội ở đây sẽ thế nào.
Sau trận thắng Croatia 3-1, các thày trò ông Scolari được tung lên mây. Sau trận hòa Mexico 0-0, họ bị kéo gần xuống mặt đất. Tostao, một trong những huyền thoại của bóng đá Brazil, đồng đội của Pele tại World Cup 1970 đã miêu tả rằng, đội bóng này không có hàng tiền vệ. Họ chỉ có hàng phòng ngự và hàng tấn công.
Đội bóng với hai trăm triệu… HLV
Khắp nơi, người ta bắt đầu chỉ trích. Oscar thiếu ổn định, chỉ được một trận rồi quá tệ. Bernard như không biết đá bóng. Brazil thiếu tài năng? Scolari đã chọn một đội hình không đủ chất lượng. Scolari đã đặt Neymar vào vai trò quá nguy hiểm, việc bắt cậu ta tranh chấp, gây sức ép ngay bên phần sân đối phương có thể phải nhận những chiếc thẻ vàng vô nghĩa.
Neymar sau hai trận đã nhận một chiếc thẻ vàng. Sau lỗi giật cùi chỏ đáng ra phải nhận thẻ đỏ ở trận đầu, Neymar hiện là một trong số bốn cầu thủ của Brazil có thể bị treo giò ở vòng knock out đầu tiên hoặc tứ kết nếu nhận thêm một thẻ vàng nữa.
Vẫn chưa hết, chỉ trích còn nhắm tới thống kê 36 năm qua, Brazil chưa khi nào khởi đầu vòng bảng tệ như lần này, vì họ luôn thắng hai trận đầu, còn khi World Cup trở về đây, họ chỉ có một hòa và một thắng dù cho đó đã là kết quả lý tưởng nếu như so với việc Tây Ban Nha và Anh đã bị loại, còn Italy, Đức, Bồ Đào Nha đang cầu nguyện và chờ đợi.
Có cái gì đó khá quen thuộc. Neymar gánh trên vai sức ép của một đất nước bóng đá có dân số hơn hai trăm triệu người. Bóng đá là môn thể thao số 1, và là duy nhất có thể đưa người giàu và người nghèo đến gần với nhau. Sự kỳ vọng dành cho bóng đá là khủng khiếp.
Giấc mơ từ học viện bóng đá Neymar
Nằm giữa Sao Paulo, nơi có CLB Corinthians và Sao Paulo FC với Santos, nơi có đội bóng cùng tên lừng danh là thành phố cảng Sao Vicente, nơi mà Neymar chơi bóng đá trên đường phố khi còn là cậu bé. Những đứa trẻ chơi rông trên phố bên những dòng xe tải hạng nặng chở hàng ra cảng biển.
Ở Paira Grande, nơi Neymar xây một học viện bóng đá dự kiến sẽ mở cửa cuối năm nay, những đứa trẻ vật vờ bên những quán nước, ngồi vắt vẻo trên chiếc bàn bi-a, túm năm tụm bảy nơi đầu phố.
Chúng hoàn toàn không làm gì cả sau khi trở về từ trường học. Tất cả đều chờ đợi cánh cổng học viện mở rộng và coi nó như là con đường duy nhất mở ra tương lai. Ngay cả những người lớn ở đây cũng nghĩ thế, họ ca tụng Neymar và đếm ngược tới thời khắc người ta bắn pháo hoa khánh thành ngôi trường vừa dạy bóng đá vừa dạy văn hóa này. Anh Marcos vừa mời tôi chai Coca, vừa nói rằng, thằng lớn nhà anh năm nay 8 tuổi không thích đi học lắm, nên học viện này sẽ phù hợp với nó hơn cả.
Trên bãi biển gần đó, hàng chục thanh niên đang trần trùng trục chơi bóng. Họ đạp xe tới đây từ những xóm gần đó, rồi chổng ngược chiếc xe đạp lên làm cầu môn. Trận đấu của họ dài hơn bất cứ trận đấu nào mà tôi từng biết, bắt đầu từ lúc 2h chiều, và sẽ kết thúc khi mặt trời lặn. Brazil đang vào Đông, mặt trời lặn sớm, nhưng cũng chừng 5 giờ rưỡi.
Cuộc sống ở các vùng xa thành phố là thế. Chỉ có bóng đá và bóng đá. Và họ dành hết tất cả cho Selecao, cho Neymar, Thiago Silva và các ngôi sao khác. Ở đây, người ta không quan tâm tới tuyển Anh hay Đức, họ không cần biết Pháp đá như thế nào.
Họ chỉ cần biết Brazil phải thắng, như một lẽ đương nhiên. Còn nếu Brazil thất bại, dù là dưới tay ai, lỗi cũng chỉ thuộc về các cầu thủ và HLV của họ.
Sau Futebol là gì? Ở đây, có một cuộc tranh luận, rằng môn thể thao số hai của Brazil là gì. Người ta cho rằng là võ. Bảng chiêu sinh võ thuật, từ taekwondo cho tới Thái cực quyền treo nhiều. Jiu Jitsu, môn võ có gốc từ Nhật Bản (như một phần tất yếu của việc Nhật là quốc gia châu Á có ảnh hưởng nhất ở Brazil về văn hóa), Nhưng võ không phải là môn thể thao quy tụ được cả một dân tộc, khi bản chất của nó là rèn luyện sức khỏe. Brazil rất mạnh về bóng chuyền, cả tuyển nam và nữ đều hàng đầu thế giới. Nhưng cũng giống như các đội tuyển bóng chuyền hàng đầu khác như Mỹ hay Trung Quốc, sức mạnh này không đồng nghĩa bóng chuyền có một vị trí quan trọng trong cuộc sống. Brazil có giải đua xe Công thức 1, nhưng đây là môn thể thao của người giàu. Tay đua vĩ đại của họ Ayrton Senna đã tử nạn trên đường đua. Felipe Massa ít danh và ít tài hơn, sinh ra ở Sao Paulo, trung tâm tài chính kinh tế số 1 của Brazil lại đại diện cho một tầng lớp người Brazil da trắng nhập cư. Ông bà của Massa đến từ Italy. Ở đây cũng có giải tennis ATP 250 ở Sao Paulo. Nhưng sự xuất hiện của Gustavo Kuerten ba lần vô địch Roland Garros có lẽ chỉ là món quà bất ngờ của Chúa mười năm trước. Còn lại một Thomas Belluci giờ chỉ vật vờ trong top 50 ATP. Thực ra, họ vươn lên được tầm cỡ ấy đã là nỗ lực phi thường. Không ai trách họ cả. Sao Paulo, thành phố của 12 triệu dân chỉ có chừng 150 sân tennis tiêu chuẩn. Không trở thành siêu sao bóng đá mới là tội lỗi ở đất nước này. |
Phạm Tấn (từ Santos)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất