Thư Brazil: Nếu Brazil thất bại...

04/07/2014 14:19 GMT+7 | Ký sự World Cup

(Thethaovanhoa.vn) - Joao Franca, nhà báo, chuyên mảng tin hình của trang web UOL, tờ báo mạng lớn nhất Brazil nói với tôi rằng các cuộc biểu tình sẽ bùng lên nếu như Brazil thất bại, sau khi chúng tôi phỏng vấn lẫn nhau bên một bức tranh vẽ trên tường (graffiti) được cho là được nhắc tới nhiều nhất ở World Cup lần này.

Bức tranh vẽ bởi họa sĩ Paulo Ito, có tên “Cậu bé đói “ăn” quả bóng”, trở nên nổi tiếng bởi nó nói tiếng nói thời cuộc ở Brazil khi đất nước này đang tổ chức một World Cup đắt nhất trong lịch sử còn xã hội cần nhiều hơn những chính sách cho người nghèo, còn FIFA sẽ phủi tay ra đi với 2 tỉ  USD lợi nhuận.

Dự báo của Joao được xem là dễ dàng hơn rất nhiều so việc dự đoán tỉ số trận tứ kết Brazil với Colombia dù cho có thể cho đây là cuộc đối đầu giữa gã khổng lồ Goliath và chàng David bé nhỏ. Colombia mới trở lại World Cup sau 16 năm vắng mặt và họ chưa bao giờ đi quá vòng tứ kết, còn Brazil đang hướng tới danh hiệu thứ sáu trong lịch sử.

Vì biểu tình là cơm bữa ở Brazil. Khi tôi đang viết những dòng này, ở trung tâm Sao Paulo, Liên đoàn Lao động thành phố đang tập trung người vô gia cư, không đất đai và người nghèo khác tuần hành đòi cải thiện các chế độ và chính sách, và đòi thả chàng sinh viên 27 tuổi Fabio Hideki Harano đã bị bắt trước đó chục ngày vì biểu tình trái phép.

Và ở những thành phố đã kết thúc World Cup như Crutiba nằm ở phía Nam, khi các CĐV quốc tế vừa rời khỏi, thì các cuộc biểu tình đã nổ ra hoặc được tiếp tục trở lại để đòi tăng lương.

Những cuộc biểu tình ấy không mang lại sự đe dọa nghiêm trọng nào cả, ngoài làm đình trệ giao thông nếu như tham gia có những người công nhân ngành tàu điện ngầm hay lái xe bus. Trừ phi người Brazil tái hiện lại cuộc biểu tình quy tụ 1 triệu người như hồi Copa America năm 2013, nhưng đây là một khả năng khó trong bối cảnh phòng ngừa biểu tình là nhiệm vụ hàng đầu.

Thế nên, câu hỏi lớn hơn là liệu có hay không những cuộc bạo loạn bùng phát trong những cơn tức giận nếu như Brazil thất bại?

Khi bạo loạn không nằm trong cảnh báo cho du khách

Ba tuần ở đây, thâm nhập vào xã hội của cả người giàu và nghèo, xem bóng đá trong những quán cơm bình dân của những người kéo xe ba gác, hay cuốn mình trong đám thanh niên thượng lưu sành điệu, ngồi trên sân bóng với những người chỉ có nhiều tiền mới mua được vé hay đứng nói chuyện với những người bán rong tranh thủ bán những lon bia gấp năm lần giá gốc dịp World Cup, gợi nhớ lại những gì đã xảy ra bốn năm trước ở Nam Phi.

Nam Phi, chủ nhà của World Cup 2010, cũng có những cuộc biểu tình của người nghèo trước và trong World Cup, nhưng đã chẳng hề hấn gì sau khi họ loại ngay sau vòng đấu bảng. Vuvuzela vẫn thổi và bóng vẫn lăn.  

Có thể sẽ khác Nam Phi, bởi Brazil là đất nước của bóng đá, của cả trăm triệu người dừng lại mọi công việc chỉ để xem đội tuyển thi đấu, thì nỗi thất vọng chắc chắn sẽ lớn hơn, nhưng người Brazil chưa từng có tiền lệ nhằm vào người ngoại quốc để trút giận hay phá phách.

Các CĐV Mỹ tới Brazil mà không phải nhận những cảnh báo đặc biệt. Các CĐV Nhật tới Brazil chỉ nhận được khuyến cáo về trộm cướp. Các CĐV Anh tới Brazil lại nhận khuyến cáo phải cẩn trọng trước một vài băng đảng Argentina mò sang Brazil (khuyến cáo hơi mang màu sắc chính trị khi quan hệ Anh và Argentina vẫn băng lạnh).  

Trên thực tế, cuộc biểu tình đẫm máu nhất ở Brazil gần đây nhất là hồi cuối tháng Tư, xảy ra ở Rio de Janeiro, khi một thanh niên bị cảnh sát đánh chết đã dẫn đến cuộc nổi loạn của những người nghèo, đốt lửa và dựng lên các hàng rào ngăn cảnh sát tiến vào các khu ổ chuột, còn các băng nhóm xã hội đen trà trộn xả súng nhằm vào cảnh sát.

Cuộc chiến giữa các băng nhóm tội phạm, buôn bán ma túy với cảnh sát mới chính là vấn đề lớn nhất ở Brazil. Đỉnh điểm của nó là một chiếc trực thăng của cảnh sát bị bắn hạ ngay ở một khu ổ chuột cách đây 5 năm. Và mối hận của các băng đảng là chúng phải hiền lành hơn trong dịp World Cup sau khi cảnh sát đã thực hiện hàng loạt chiến dịch bình định ở đây.   

Nhưng, nhà báo Joao Franca, một người chuyên làm các bản tin video về mọi lĩnh vực, trong đó có cả xã hội, không tin là các băng đảng sẽ lấy cái cớ bóng đá (nếu thất bại) để khiêu chiến, châm ngòi cho các cuộc bạo loạn.

Hãy cứ tạm tin Joao Franca vậy!

Phạm Tấn (từ Sao Paulo)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm