Thư Brazil: Một thủ môn kỳ lạ, một trung vệ vĩ đại

11/07/2014 07:06 GMT+7 | Ký sự World Cup

(Thethaovanhoa.vn) - Điều đầu tiên tôi nhớ tới khi đứng trên sân Arena Corinthians xem Romero đổ người chặn đứng cú sút của Vlaar là đôi găng tay của Goycochea treo lủng lẳng trên một chiếc xe bus của các fan Argentina ở Sao Paulo.

Goycochea đã đưa Argentina vào chung kết Italy 90 bằng những pha cản phá penalty xuất sắc trong những loạt cân não. Trước đó, ông chỉ là một thủ môn dự bị, hầu như không được thế giới bóng đá nói tới. Chấn thương của thủ thành số 1 Pumpido đã trao cho Goycochea cơ hội làm nên lịch sử ở đội bóng còn có cả huyền thoại Maradona.  

Đôi găng tay của Goycoechea màu xanh trắng, có chữ ký của ông, được đem tặng cho nhóm 11 fan Argentina đã bỏ ra khoảng 30 ngàn USD để tậu một chiếc xe bus rồi biến nó thành một ngôi nhà di động cho hành trình theo chân đội tuyển Argentina ở Brazil.

Diego Bevilacqua, một trong 11 thành viên trên chuyến xe ấy bảo Goycochea tặng đôi găng tay này như một kỷ vật có thể mang lại may mắn. Họ treo đôi găng lủng lẳng ngay trên đầu người lái xe.

Romero đã đẩy được hai cú sút penalty từ phía Hà Lan. Ngoài cú sút của Vlaar còn có cú sút của Sneijder, người đã thực hiện nhiệm vụ ấy cực tốt trước đó ít ngày (Hà Lan cũng phải đá luân lưu với Costa Rica ở tứ kết).  

Romero không phải là thủ môn dự bị ở Brazil 2014. Nhưng chưa khi nào anh được đánh giá cao trong những nhiệm vụ bình thường khác, từ các tình huống khép góc hay ra vào phán đoán các đường căng ngang.

Thế mà Romero đã trở thành người hùng. Romero còn buộc Sneijder cả trận chỉ có thể nhằm tới cột xa cho mỗi quả tạt chéo (và hầu hết ra ngoài). Romero còn đấm hết thảy các cú phạt góc hay tạt cánh, chủ yếu từ cánh của Kuyt bên Hà Lan. Romero chính là nhân tố quan trọng của hệ thống phòng ngự của Argentina đang trải qua ba trận liên tiếp không thủng lưới. Giống hệt năm 1990, khi thủ môn và các cầu thủ phòng ngự Argentina đã giúp đội bóng này vượt qua các cửa ải với các trận thắng 1-0 hoặc cùng lắm là 1-1 rồi dắt đối thủ vào các loạt đấu súng.

Và thủ lĩnh của hệ thống nói trên là Ruggeri, là người chơi gần với Goycochea nhất, là mắt xích cuối cùng của hàng hậu vệ, luôn tỏ ra cực kỳ thông minh, kín kẽ và hầu như không bao giờ phạm sai sót.

Và cái đầu lạnh của Ruggeri

Tối mùng 9/7 đáng nhớ ở Sao Paulo ấy ông cũng có mặt ở sân. Nhìn ông dễ lẫn với đám CĐV Argentina cuồng nhiệt và ngầu, để tóc kiểu “tiền cua hậu vít”, kéo chiếc mũ lưỡi chai hơi cụp xuống, khoác chiếc áo da đen và quần bò mài màu xanh bạc.

Chỉ có những người Argentina, những fan của đội tuyển này những năm 86-90 mới nhận ra ông, mới biết được sự vĩ đại của ông, người không chỉ xuất sắc ở Italy 90 mà còn là một trong những nhân tố quan trọng của Argentina vô địch thế giới 1986 dù lúc đó ông mới 24 tuổi.

Hãy nói thêm một chút để thấy nếu gọi Ruggeri là một người vĩ đại của Argentina cũng không phải quá lời. Ông, khoác áo đội tuyển muộn hơn Maradona sáu năm và họ cùng giã từ đội tuyển năm 1994, nhưng Ruggeri chơi cho Argentina nhiều hơn Maradona sáu trận (97 và 91).

Thế nên cũng chẳng có gì bất ngờ khi chẳng có ai trên hàng phòng ngự của Argentina hiện nay có thể gợi nhớ lại Ruggeri cả.

“Không, tôi không nhìn hàng thủ của đội tuyển để xem có cá nhân nào xuất sắc không. Nhưng cả hệ thống phòng ngự ấy đang chơi những trận đấu xuất sắc. Hãy xem cách sử dụng Mascherano, một tiền vệ nhưng nhiều lần là nút chặn cuối cùng. Nó hơi cổ điển. Tôi thích cách chơi phòng ngự ấy”, Ruggeri nói với tôi khi ông chuẩn bị bước vào xếp hàng mua cơm giống như bất cứ nhà báo nào đang tác nghiệp ở sân Corinthians lúc ấy.  

Ruggeri không thể sai, vì cách chơi của Argentina đôi khi làm người ta liên tưởng ngược về thời thế giới bóng đá chưa chứng kiến sự tuyệt chủng các trung vệ thòng.  

“Chúng tôi thắng Đức bằng tấn công năm 1986. Chúng tôi lại thua họ từ một quả phạt đền năm 1990. Họ biết cách ngăn chặn Maradona. Thế nên, Argentina cần phải biết cách chiến thắng ngay cả khi Messi không phát huy được hết khả năng. Hãy chơi như đã chơi với Hà Lan, và các tiền đạo cần phải xuất sắc hơn”,  Ruggeri thừa hiểu, chung kết sẽ là một trận đấu khó, “vì Đức mạnh hơn tất cả các đối thủ Argentina đã từng gặp ở giải này”.

Phạm Tấn (từ Sao Paulo)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm