Bà Nà Hills: Xứ sở trong mây

13/10/2016 20:01 GMT+7 | Tin tức du lịch

(Dulich - Thethaovanhoa.vn) - Tôi cứ ngỡ địa danh Bà Nà gắn với một nhân thần nào đó, song rồi thấy người ta bảo vì ngày xưa thực dân Pháp thực địa khu này, thấy trên đường lên đỉnh núi có nhiều chuối nên gọi là Banana, sau dân đọc chệch thành Bà Nà. Nhà văn Nguyên Ngọc thì khẳng định Bà Nà là tiếng của người Cà Tu, nghĩa là "núi của tôi".

Một truyền thuyết khác lại kể rằng, Bà Nà là tên viết tắt của Bà Ponagar hay bà Thiên Y A Na Thánh Mẫu. Tôi nghiêng về giả thuyết thứ ba này, cũng là vì chẳng hề muốn ngọn núi Chúa hùng vĩ như vậy liên quan đến chữ Banana thô mộc.

Bà Nà cao 1.487m so với mực nước biển với nhiệt độ trung bình chỉ từ 17-20oC. Không được ai chỉ dẫn trước nên tôi lên Bà Nà trong tình trạng …lạnh cóng. Đúng vào hôm biển động, mưa to, nên đỉnh núi Chúa biệt lập này lại càng lạnh giá. Người ta nói rằng khi cơn mưa xuất hiện, bạn sẽ được xem mưa rơi xung quanh sườn núi mà trên đỉnh thì vẫn quang đãng, khô ráo.


Vậy mà tôi thấy mưa từ gót chân lên tận đỉnh đầu. Mưa quyện lẫn với sương và gió. Sương mù quấn vào những bước chân trơn trượt trên từng ngọn dốc thoải và gió tạt mưa giá phần phật tứ bề. Có lẽ, đấy mới chính là cảm giác thú vị khi “phượt” trong mưa...

Cáp treo lên đỉnh Bà Nà qua hai chặng hết hơn 20 phút. Cảnh quan nhìn từ cáp treo Bà Nà quang đãng và hùng vĩ hơn nhiều nơi khác, với tầm nhìn về đến tận bán đảo Sơn Trà, sông Thu Bồn và nội thành Đà Nẵng, bên dưới là suối Mơ với thác Tóc Tiên trải dài thơ mộng. Từ trên cáp treo lập tới hai kỷ lục Guinness là cáp treo một dây dài nhất thế giới (5.042m) và độ cao chênh lệch giữa ga trên và ga dưới lớn nhất (1.291m), tôi thấy đỉnh Vọng Nguyệt chìm trong sương mù trong một cảm giác “mênh mênh mang mang” khó tả…


 Từ khi có cáp treo, hầu như ai đến Đà Nẵng cũng phải đến Bà Nà, đông đến độ hai tuyến cáp treo bị quá tải. Sun Group quyết định đầu tư tuyến cáp số 3 mang tên Thác Tóc Tiên mang tới 4 kỷ lục thế giới mới, rồi tuyến cáp số 4, số 5 để đáp ứng hàng triệu du khách đổ về Bà Nà mỗi năm.

Tôi dừng lại thong thả ở trạm cáp trung chuyển để ngắm nhìn vườn Ngự Uyển và chùa Linh Ứng với bức tượng Đức Bổn Sư cao 27m nổi giữa nền trời vẩn mây trắng muốt. Nghe nói Bà Nà có nhiều khỉ. Khỉ quen người vào tận cả trong khách sạn, nhưng bữa nay trời mưa bão, tôi chưa có hân hạnh được chú khỉ nào giật túi xách và cướp thực phẩm trên tay như ở những khu du lịch nhiều khỉ khác.


Muốn leo tận đỉnh Bà Nà phải đi lên cáp treo thứ hai. Gần tới nơi, tôi đã thấy sương giăng bao phủ một tòa lâu đài khổng lồ âm u. Ấy là Fantasy Park, khu vui chơi trong nhà lớn top 05 Châu Á được khánh thành vào năm 2011. Giới trẻ luôn bị cuốn hút bởi không gian náo nhiệt, sôi động và những trò chơi thú vị tại đây, nhưng tôi thì thích lang thang để ngắm Bà Nà mù sương hơn.

Điều tôi thích nhất ở đỉnh Bà Nà là một không khí Pháp đầy lãng mạn với những công trình kiến trúc đậm hơi hướng cổ điển mọc lên sừng sững. Đâu đó là những tòa lâu đài cổ kính, đấu trường đua ngựa thời trung cổ, hay những mái vòm cung của thánh đường in đậm dấu ấn Châu Âu trầm mặc, cho người ta cảm giác như vừa đi lạc vào lòng nước Pháp của thế kỷ 19.


Những bóng đèn tường, ghế băng gỗ màu rêu phong, và cả những dòng chữ Pháp vẫn giữ nguyên như thể đã từng tồn tại hàng ngàn năm nay trên đỉnh núi mù sương. Các loài hoa xứ lạnh như thanh anh xanh biếc, hoa cẩm tú cầu khổng lồ, xác pháo đỏ rợp trời, hoa mã tiên bông từng cánh hồng mỏng li ti thơ mộng, hoa dạ yến thảo tím biếc… khiến khung cảnh vốn nên thơ này lại càng nên thơ hơn nữa.

Bị Làng Pháp quyến rũ, nhưng tôi đã không bỏ lỡ cuộc dạo chơi trên các triền dốc thoai thoải dẫn lên các căn biệt thự ẩn trong sương mù, và đến với khu tâm linh huyền bí trên đỉnh Bà Nà. Bên các đền đài, dường như mọi bộn bề của cuộc sống đã tan biến, và tôi chưa bao giờ cảm nhận rõ ràng đến thế rằng mình chỉ là một sinh linh bé nhỏ giữa núi rừng kỳ vĩ và đẹp đẽ nhường này…

P.V

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm