Vụ chìm phà kinh hoàng ở Hàn Quốc: Nhói lòng những tin nhắn cuối cùng của các nạn nhân

18/04/2014 07:15 GMT+7 | Trong nước


(Thethaovanhoa.vn) - Các tin nhắn thể hiện nỗi sợ hãi, tình yêu và cả sự tuyệt vọng, do các học sinh trung học gửi đi từ một con phà Hàn Quốc lúc nó đang chìm, đã làm tăng thêm sức nặng cho thảm kịch đang khiến cả đất nước bàng hoàng.

Gần 300 người, phần lớn trong số đó là học sinh thuộc một trường trung học đang tới hòn đảo Jeju để du lịch, đã mất tích sau khi con phà chở họ bị nghiêng và chìm trong buổi sáng ngày 16/4.

"Mẹ ơi, con yêu mẹ"

Hàng loạt tin nhắn đã được các em học sinh thi nhau gửi đi lúc con phà đang chìm xuống. "Con gửi tin nhắn để đề phòng mình không thể nói được điều này thêm một lần nữa. Mẹ ơi, con yêu mẹ" - một học sinh có tên Shin Young-Jin gửi tin cho mẹ và thông điệp của cậu về sau đã được nhiều tờ báo Hàn Quốc đăng tải lại.

"Ồ mẹ cũng yêu con, con trai" - người mẹ nhắn tin trả lời, không hề biết lúc đó con mình đang ở trong tình thế cực kỳ hiểm nghèo và đã nỗ lực tìm cách thoát khỏi con phà chìm quá nhanh. Không giống nhiều người khác, cuộc trao đổi tin nhắn giữa 2 mẹ con Shin đã có một kết thúc tốt đẹp khi cậu nằm trong nhóm 179 người sống sót duy nhất được cứu, trước khi con phà chìm nghỉm.


Người ta vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác vì sao phà Sewol bị đắm

Một học sinh khác tên Kim Woong-Ki, 16 tuổi, đã tuyệt vọng gửi tin nhắn cầu cứu cho anh trai, khi con phà nghiêng mạnh sang một bên. "Phòng em đã nghiêng 45 độ, điện thoại của em không hoạt động tốt" - Kim nhắn. Nhằm trấn an em trai, người anh trả lời rằng chính quyền đang tìm cách trợ giúp. "Đừng hoảng loạn em nhé và hãy làm những gì người ta yêu cầu. Rồi em sẽ ổn thôi" - người anh nhắn tin hồi đáp.

Sau tin nhắn này, hai bên đã đứt liên lạc và Kim giờ nằm trong số 287 người mất tích còn chưa được tìm thấy.

"Cha ơi, đừng lo lắng"

Đáng buồn thay, tin nhắn của người anh trai lại giống như mệnh lệnh mà thủy thủ đoàn ban ra với các hành khách, yêu cầu họ ở yên tại chỗ khi con phà bắt đầu gặp sự cố. Thuyền trưởng đã không cho sơ tán hành khách cho tới tận khi sự cố đã xảy ra được 30 phút. Khi ông ta bắt đầu làm việc này cũng là lúc con phà bắt đầu chìm nhanh. Thuyền trưởng sau đó đã nằm trong nhóm những người đầu tiên rời khỏi con phà.

Gia đình các nạn nhân tin rằng mệnh lệnh yêu cầu ở yên tại chỗ đã khiến các hành khách bị mắc kẹt khi con phà nghiêng về một bên, cắt đứt đường thoát nạn của các học sinh.

Gần 300 người trong số 462 người đi trên phà Sewol đã bị mất tích và 9 người được xác nhận đã chết. Con phà chìm khi đang trên đường tới Jeju. Một số tờ báo địa phương nói rằng có thể phà đã va phải đá ngầm do điều kiện trời nhiều sương. Trong số 325 học sinh đi trên phà cùng 14 giáo viên, mới chỉ có 80 người được tìm thấy.
Kịch bản này thể hiện rõ trong các tin nhắn của một nữ sinh 18 tuổi có họ Shin. "Cha ơi, đừng lo lắng. Con đã mặc áo phao cứu sinh và con đang ở với các bạn gái. Chúng con đang ở trong phà, vẫn đang đứng tại hành lang" - cô gái nhắn tin cho cha. Người cha đã nhắn tin lại, yêu cầu con gái cố gắng tìm cách thoát ra khỏi tàu, nhưng đã quá muộn. "Cha à, con không thể. Con tàu đã nghiêng quá mức rồi. Hành lang giờ đông chật người" - là tin nhắn hồi đáp cuối cùng của Shin.

Một số bậc phụ huynh đã cố gắng thực hiện cú điện thoại cuối với con cái khi các em đang cố gắng thoát nạn. "Cháu nói với tôi rằng phà đã bị nghiêng sang một bên và chẳng thấy gì cả" - một bà mẹ kể với tờ Dong-A Ilbo - "Cháu nói: 'Con còn chưa mặc áo phao nữa' và rồi điện thoại đột ngột ngắt".

Nỗi đau quá lớn

Trong số những người bị mất tích có Park Ji Yoon. Cô bé không thích đi đu lịch cùng trường, bởi sẽ phải đi phà. Khi Ji Woon gọi điện cho bà nội Kim Ok Young, 74 tuổi, người đã nuôi cô bé lớn lên, giọng cô run bắn. Ji Yoon thông báo tin sốc rằng con phà đang chìm xuống.

“Bà ơi, cháu nghĩ mình sẽ chết. Con tàu đang chìm và cháu đang bám vào lan can" - tới đây điện thoại đứt liên lạc. Bà Kim cố gọi cho cháu thêm 1 lần nữa. Trong cuộc gọi đó, Ji Yoon chỉ nói rằng: "Cháu phải đi đây" rồi cúp máy. Lúc 10 giờ sáng, cô bé gửi đi một tin nhắn nữa, có chứa ký tự Hàn Quốc duy nhất nhưng không có nghĩa. Kể từ đó, đã chẳng có tin gì của Ji Yoon cả.

"Mẹ ơi, con gửi tin nhắn để đề phòng con không thể nói được điều này thêm một lần nữa. Con yêu mẹ" -  tin nhắn cuối cùng của 1 học sinh trong vụ chìm tàu

Một danh sách dài đã được người ta dán lên một chiếc bảng lớn ở trường Trung học Danwon. Những người được tìm thấy sẽ được đánh dấu màu dưới tên. Cái tên của Ji Yoon vẫn chưa được đánh dấu.

"2 ngày trước khi tham gia chuyến đi, cháu nói với chúng tôi rằng không thích tham gia bởi phải qua phà" - bà Kim kể - "Chúng tôi nói rằng cháu sẽ hối tiếc nếu không đi. Giờ chúng tôi đang phải tiếc nuối. Lẽ ra chúng tôi không nên cho cháu đi".

Tường Linh (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm