18/09/2017 07:00 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Cơn bão số 10 vừa đổ bộ vào Việt Nam. Và, bên cạnh những hệ lụy mà nó gây ra, một... cơn bão tranh cãi khác cũng đang nổi lên trên không gian mạng.
Cơn bão ấy bắt đầu từ những phát ngôn của ca sĩ Duy Mạnh. Cụ thể, trên mạng xã hội, ca sĩ này về cơn bão số 10 một cách đầy ẩn ý: "Sau cơn bão sẽ xuất hiện, rất nhiều nhà từ thiện đứng lên hô hào quyên góp tiền, ủng hộ đồng bào miền Trung! Rồi sau đó, đồng bào miền Trung mỗi hộ được phát vài thùng mì gói để tạm qua cơn đói. Còn những nhà hô hào quyên góp thì sau đó sắm xe đẹp, xây nhà to!"
Rất nhiều người cho rằng, nhân vật mà Duy Mạnh muốn nhắc tới là Phan Anh – chàng MC "nổi như cồn" vì chuyện từ thiện trong năm 2016 vừa rồi.
Sự "nổi như cồn" ấy bao hàm cả yếu tố tích cực và tiêu cực. Cần nhắc lại, vào tháng 10 năm ngoái, khi mưa bão tàn phá các tỉnh Bắc Trung bộ, Phan Anh đã lên tiếng kêu gọi cộng đồng ủng hộ đồng bào ở vùng này. Chỉ trong thời gian ngắn, số tiền ủng hộ lên đến 24 tỉ đồng. Thế nhưng, sau khi quyên được số tiền này, Phan Anh bị rất nhiều người lên tiếng công kích rằng anh lợi dụng việc kêu gọi từ thiện vì mục đích cá nhân. Thậm chí, có cả những nghi vấn đặt ra với MC này về sự minh bạch khi quản lý và sử dụng khoản tiền khổng lồ từ các Mạnh Thường Quân ấy.
Câu chuyện đó mang nỗi buồn cho Phan Anh là một lẽ. Xa hơn, nó phản ánh thực trạng kém hiểu biết và ấu trĩ của rất nhiều người trong cái nhìn về từ thiện, cũng như cách làm từ thiện theo kiểu mùa vụ và thiếu chuyên nghiệp của chúng ta.
Đơn cử, khi thấy Phan Anh chỉ mới sử dụng một phần số tiền này vào mục đích từ thiện, rất nhiều cá nhân đã phản ứng và lo lắng rằng anh sẽ "nuốt trôi" số tiền còn lại. Hoặc, khi MC này chuyển 2 tỉ đồng vào một quỹ từ thiện có tên gọi "Hiểu về trái tim", rất nhiều người phản ứng rằng anh dùng sai mục đích và... đòi lại tiền – cho dù Phan Anh đã thanh minh rằng nhiều người đồng ý với việc này (và số tiền đóng góp của những người ấy cao hơn 2 tỷ đồng).
***
Chúng ta cần phân biệt rõ giữa từ thiện và tổ chức từ thiện.
Từ thiện (charity) mang nghĩa đơn thuần là giúp người khác có hoàn cảnh kém hơn mình. Còn tổ chức từ thiện (chairty foundation) không phải là việc làm đơn thuần xuất phát từ ý chí cá nhân của một người hay một nhóm người mà còn có sự ràng buộc cần thiết về mặt pháp lý đối với các vấn đề tài chính, cơ sở vật chất và tổ chức nhân sự, luật pháp sở tại...
Thực tế, trên thế giới có những tổ chức từ thiện đến từ các tỉ phú như Bill Gates (sáng lập tập đoàn Microsoft) hay Mark Zuckerberg (sáng lập mạng xã hội facebook). Khi tuyên bố cống hiến gần như toàn bộ hay một phần tài sản cho việc từ thiện, họ thành lập một tổ chức hẳn hoi với tôn chỉ mục đích, tổ chức nhân sự với tài chính, nhân sự rõ ràng. Khi ấy, đồng tiền mà họ bỏ vào không tiêu mất đi mà sản sinh ra lợi nhuận rõ ràng. Từ đó, việc tổ chức làm từ thiện của họ trở nên dài hạn, thực tế và chuyên nghiệp hơn.
Nhìn lại cách làm từ thiện của chúng ta, sự thiếu chuyên nghiệp, và cách làm theo kiểu mùa vụ, là lý do gây nên những chuyện buồn không đáng có. Và thẳng thắn, dù tin vào sự minh bạch của Phan Anh, tôi thấy chàng MC này cũng chưa lường hết được sự nhạy cảm và phức tạp khi phải xử lý một khoản tiền từ thiện quá lớn là 24 tỉ đồng.
Phan Anh dù sao cũng chỉ là một cá nhân. Và chắc chắn, trong việc cứu trợ, năng lực của anh và bè bạn vẫn không thể so sánh với những cơ quan và tổ chức xã hội chuyên về việc này (chẳng hạn như Mặt trận tổ quốc và Hội chữ thập đỏ các cấp). Bởi thế, những người nhiệt tâm như anh chỉ nên đóng vai trò đại diện cộng đồng để trở thành cầu nối trong các công việc kêu gọi quyên góp, chuyển tiền tới các tổ chức cứu trợ và tiến hành giám sát, yêu cầu sử dụng đúng mục đích.
Nếu xây dựng được cơ chế làm việc hợp lý và khoa học như thế, hẳn những cơn bão tranh cãi về tiền từ thiện sẽ ít đi rất nhiều...
Tiểu Mục Đồng
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất