Thói hư tật xấu người Việt: Tốt đấy, xấu đấy

20/12/2013 19:32 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Không ở đâu chất sang trọng cao quý của người Việt được trình ra như trong Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân (1940). Bằng một giọng điệu từ tốn chậm rãi, tác giả như muốn vẽ ra một hình ảnh mỗi cá nhân trong thế ổn định và chất lượng sống thì đã ngưng kết lại trong thời gian. Người ta có một đời sống tinh thần cao cả thâm nghiêm. Người ta biết vượt lên trên cái tầm thường hàng ngày để theo đuổi những giá trị trường tồn. Và người ta có một mỹ cảm tinh tế thanh cao.

Một thiên truyện như Ngôi mả cũ cho thấy, cái chất quý phái kia đồng nghĩa với sự nhẫn nại hi sinh. Trong sự vô cảm của cuộc đời, con người thừa hiểu rằng chỉ mình biết cho giá trị của mình, và vẫn kiên trì cái lý tưởng sống bằng ấp ủ.

Nhưng trong tập sách đậm chất văn hóa này của Nguyễn Tuân, cũng có những truyện như lạc hẳn đi, đúng hơn là ngẫu nhiên chạm phải một cái gì ẩn sâu bên trong đời sống mà văn chương chưa động tới. Trong Những chiếc ấm đất, nhân vật chính cũng có máu quý tộc. Nhưng cái chất đó phập phù và tạm bợ. Trong hoàn cảnh bình thường thì không sao. Đến khi gặp cảnh ly loạn thì tất cả đổ vỡ. Ông lão lịch lãm chơi những cái ấm tàu hôm qua, trong khi thất cơ lơ vận, rút cuộc hiện ra như một tay lưu manh, láu cá, nói dối không biết ngượng, sẵn sàng bắt chẹt người khác, kiếm mấy hào vặt.


Ít ra, qua đây cũng có thể kết luận những nét tính cách tưởng như đã cố kết ở người Việt hóa ra thiếu bền vững. Nó hời hợt và được sử dụng để trình diễn nhiều hơn là một trạng thái thực. Người ta không tỏ ra chắc chắn trong lòng tốt và ý định hướng thiện của mình. Những cái tốt đẹp mong manh và dễ bị đánh mất tuy không bao giờ mất hẳn.

Theo nhà sử học Nguyễn Văn Kiệm (trong cuốn Góp phần tìm hiểu một số vấn đề lịch sử cận đại Việt Nam, H.2003), khi nhận xét về tính cách người Việt, các giáo sĩ nước ngoài thường lặp lại một khái quát, đó là tính không kiên định (inconstant) và hời hợt (léger). Có thể hiểu điều này rõ hơn, nếu liên hệ với một nhận xét khác: “Bản chất người dân xứ Đàng ngoài khá thật thà mặc dù đôi khi họ cũng phải nói dối một cách khéo léo khi cần phải cảnh giác… Họ cũng hào hiệp, song sự hào hiệp đó thường được hướng về lợi ích cho mình và khi cảm thấy không có gì để hi vọng, họ cũng chẳng sẵn sàng ban phát; trong những trường hợp như vậy, họ thường rất kín đáo về của cải của mình để khỏi bị quấy rầy. Nói chung họ rất dũng cảm, siêng năng, khéo léo, rất hào phóng trong những vụ chi tiêu vì danh vọng như trong các dám cưới, đám ma, các ngày lễ, các đám ăn hỏi”.

Tạm tóm tắt thành ba điểm:

1/ Con người nơi đây có cả cái tốt lẫn cái xấu, vừa cởi mở lịch thiệp, vừa khép kín, vừa ki bo bủn xỉn, vừa thật thà vừa dối trá .

2/ Những nét tính cách này không chắc chắn mà tùy điều kiện mà bộc lộ, và có thể chắc chắn người ta chỉ tốt khi thấy có lợi.

3/ Xét tổng thể, nói chung cái xấu có xu hướng lấn lướt, trở thành ấn tượng cuối cùng từ nhiều người.

Dưới ánh sáng của nhận xét tổng quát này, thì trường hợp như con người trong Những chiếc ấm đất của Nguyễn Tuân trở thành dễ hiểu.

Lâu nay trong các tài liệu nói về người Việt, các nhà quan sát thường khi rơi vào tình thế mâu thuẫn. Người này bảo người Việt chăm chỉ, người khác bảo họ lười biếng; người này khen họ thật thà, người khác ngán ngẩm vì thấy họ tinh ma quỷ quái; người này ghi nhận cái sự hồ hởi, dễ tin ngời lên trên nét mặt đám đông; người khác thấy cái nhìn hoài nghi dường như ăn vào máu bất cứ ai mình đã gặp.

Hóa ra những đặc tính đó đều tồn tại, tất cả chung sống với nhau thành một thứ hỗn độn, tùy từng lúc, tùy từng hoàn cảnh mặt này hay mặt kia nổi lên, và bởi lẽ trong trường kỳ lịch sử hoàn cảnh sống quá khó khăn mà ước ao của con người thì quá lớn, nên cái tốt thường trở thành của xa xỉ dễ bị xếp xó, còn cái xấu như một thứ cỏ dại mọc lan ra và không dễ gì diệt nổi.

Không phải người ta không biết mình xấu đi, song bởi lẽ quá bất lực trong việc chống lại định mệnh, đành chịu đầu hàng. Trong nỗi khao khát tự khẳng định, con người lương tri vẫn tìm mọi cách để tiến bộ. Biện hộ cách nào? Bằng cách nhớ lại rằng mình đã có lúc mơ mộng lắm, tốt đẹp lắm. Người độc ác nhớ lại rằng, lúc nhỏ mình cũng đã nghĩ thương người như thể thương thân; người dối trá nghĩ rằng mình vốn được cha mẹ dạy bảo khôn ngoan chẳng lọ thật thà; người đâm đầu vào cuộc kiếm chác mưu cầu danh lợi đinh ninh rằng xưa nay mình vẫn hay bảo là không gì bằng cái tâm. Cứ thế, những cái tốt giương lên như khẩu hiệu, được biến thành nơi nương náu cho sự hư hỏng. Và rút cục là cái cách sống thường trực nói một đằng, nghĩ một nẻo, “nói zậy mà không phải zậy” ngày một lây lan.

Nói theo tâm lý học hiện đại, trong con người thường xuyên có sự phân thân, một người mà có rất nhiều khuôn mặt cùng lúc tồn tại, mỗi người là một thực thể lung linh mời gọi khám phá.

(còn tiếp)

Vương Trí Nhàn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm