06/02/2023 18:36 GMT+7 | Văn hoá
Những trăn trở về đời sống thơ ca Việt Nam đương thời được đàm luận với nhiều góc nhìn thẳng thắn tại tọa đàm Thơ hiện nay với hôm nay, diễn ra ngày 5/2. Đây cũng là sự kiện mở màn Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21, được tổ chức cuối tuần qua tại Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội.
Nhìn vào diện mạo thơ hôm nay, nhà thơ Vũ Quần Phương nêu ra một nghịch lý. "Ấy là những người làm thơ ngày một tăng. Hiện nay số lượng các nhà thơ nước ta phải tính bằng đơn vị vạn và các tập thơ xuất bản hàng năm cũng phải dùng tới đơn vị nghìn. Tỷ lệ nhà thơ bình quân trên số dân ở ta bây giờ hẳn là nhất thế giới!?".
Sự thất bại của thơ?
Vũ Quần Phương dẫn giải: "Hiện nay số tập thơ ấn hành hàng năm gấp 30 đến 40 lần các giai đoạn trước. Thơ chưa đạt chuẩn vẫn đưa ra thị trường. Thơ thành mặt hàng bị ế. Các hiệu sách có sáng kiến: không nhập thơ nữa. Hiện nay nhiều hiệu sách đã không bán thơ. Trừ những hiệu sách tự tìm lấy bản thảo, biên tập, giới thiệu công phu và liên kết với các nhà xuất bản lớn để in và bán, bán với giá cao. Như vậy số người làm thơ tăng lên, sách thơ xuất bản cũng tăng lên. Tăng dữ dội. Nhưng người đọc thơ lại giảm đi. Giảm chưa từng có".
Đồng quan điểm, nhà thơ Trần Anh Thái (Chủ tịch Hội đồng thơ, Hội Nhà văn Việt Nam) cho rằng: "Trong khi thơ in ra nhiều, mỗi năm các nhà xuất bản in cả ngàn tập thơ. Người làm thơ cứ có tiền là in thơ, bất chấp thơ hay, thơ dở. Không ít người cho rằng: Thơ ca nói riêng, văn học nói chung đang hỗn loạn. Các giá trị thật giả, đúng sai bị đánh tráo. Thơ chất lượng thấp tràn lan; giải thưởng, danh hiệu tràn lan. Cái đích thực bị khuất lấp, chìm vào im lặng".
Ông Thái nói thêm: "Đội ngũ người làm thơ rất đông. Không phải một ngàn, mà có lẽ hàng chục ngàn người. Thơ có mặt ở mọi nơi, từ làng xóm, khu phố đến xã, phường, tỉnh, huyện,… nơi nào có người là có thơ, câu lạc bộ thơ. Hàng trăm hàng ngàn câu lạc bộ thơ ra đời, mỗi câu lạc bộ hoạt động một kiểu, tùy thích".
Từ thực tế này, nhà thơ Trần Anh Thái cho rằng thơ hiện nay đang bị cái non yếu chiếm lĩnh. "Nhưng, suy cho cùng, cái non yếu của thơ cũng không hại gì. Điều đáng ngại là: Người làm thơ đông, thơ in ra nhiều, nhưng người đọc lại không đọc thơ. Bạn đọc lạnh nhạt với thơ là có thật, thậm chí quay lưng lại với thơ cũng là thật. Dù tôn trọng thơ, yêu thơ đến mấy, chúng ta cũng phải buồn bã thừa nhận, đó là sự thất bại của thơ".
Ở khía cạnh khác, nhà văn Nguyễn Hiếu cũng nêu ra một thực tế đáng buồn của thơ hôm nay: "Hơn ba thập niên gần đây nền văn học nước ta có một hiện tượng bất thường đó là sự thoái hóa hoặc nói đúng hơn là sự chối bỏ của người đọc, người xem đối với hai thể loại văn học. Đó là thơ và kịch. Cho dù hàng năm các hội nhà văn từ trung ương đến địa phương đều có những giải trao cho các tác phẩm thơ".
Nghĩ về thơ hôm nay, nhớ về thơ trước kia, nhà văn Nguyễn Hiếu còn cho biết thêm vào những năm đầu của thập niên 1970, những tập thơ của Hoàng Trung Thông, Phạm Hổ… đã từng bán rất chạy, bán hết chỉ sau vài ngày phát hành. Để thấy, có một thời thơ đã thu hút, hấp dẫn độc giả và có sức tiêu thụ mạnh mẽ như thế.
Trong khi đó, đáng buồn, hầu hết các ấn phẩm thơ trong thời gian qua đều không bán được, mà chủ yếu là tặng và cho. Hiện tượng này đã nhàm chán đến độ thành vè trong dân gian "Gặp nhau tay bắt mặt mừng/Tặng gì thì tặng xin đừng tặng thơ", hoặc thành câu giễu cửa miệng "Vào nhà đề nghị bỏ giầy, dép và thơ ở ngoài".
Lắm nguyên nhân
Theo nhà văn Nguyễn Hiếu: "Nguyên nhân sự quay lưng với thơ của người đọc bắt đầu từ việc văn hóa đọc suy sụp, không đủ sức cạnh tranh với các phương tiện giải trí, truyền thông hiện đại. Thứ hai thơ giai đoạn này đa phần là những cảm xúc riêng tư với những đề tài quá cũ, không gắn bó gì đến suy nghĩ, tâm tư của con người trong giai đoạn kinh tế thị trường, trong thời buổi xã hội có nhiều biến động. Một vài nhà thơ tìm đến những đề tài lớn như tình yêu tổ quốc, nhưng lại tạo ra các bài thơ với những câu từ sáo rỗng, gần giống như khẩu hiệu".
Ông Hiếu phân tích: "Về nghệ thuật thì hơn ba thập niên nay chưa có sáng tạo nào mới, chưa có nhà thơ nào nổi trội. Các nhà thơ, kể cả các nhà thơ có tiếng, dường như chưa tạo ra phong cách riêng, họ viết ra những bài thơ từa tựa nhau, giống từ cảm hứng, tứ thơ, cách chọn từ, đặt câu, cấu trúc... Hiện tượng thơ "lẫn", thơ "giống nhau" ngày càng phổ biến".
Ông nói tiếp: "Chính các nhà thơ cũng nhận ra sự nhàm chán bởi sự lẫn, cũ và xuống cấp trong thơ nên không ít nhà thơ đi tìm sự thay đổi, dị biệt cho thơ mình từ việc mô phỏng lại cách viết trong thể phú ở văn học cổ điển (thơ văn xuôi), đến việc nghĩ ra các thể thơ lạ như thơ "năm câu, sáu câu, đa thanh".
"Nhưng họ quên một điều, thể thơ không phải do nhà thơ nghĩ ra, mà nó hình thành từ thực trạng xã hội. Một trật tự đỉnh cao của phong kiến thời nhà Đường mới tạo nên thể thơ Đường luật. Một sự thắng thế của phái võ sĩ đạo mới tạo ra thể thơ haiku. Một nền văn hóa lúa nước và đặc trưng ngôn ngữ Việt Nam mới sinh ra thơ lục bát".
Ở bình diện khác, gốc rễ hơn, nhà phê bình Nguyễn Thanh Tâm nêu ra 4 "suy", là nguyên chính khiến cho thơ hôm nay "đuối" và có vẻ không có mấy có ích. "Thứ nhất, thơ Việt Nam hiện nay đang rơi vào tình trạng suy tư tưởng. Các nhà thơ của chúng ta đang không có những mối bận tâm lớn. Thứ hai, thơ bị suy về văn hóa. Văn hóa thơ bị suy thoái ở chỗ chúng ta đang quá xem thường thơ".
"Thứ ba, là sự suy thoái về giá trị phổ quát. Người làm thơ không có những bận tâm lớn, chỉ quẩn quanh với nỗi riêng tư, thế giới của mỗi người không chạm gặp, giao tiếp được với nhau dẫn tới việc đóng kín thế giới đó. Trong khi thơ ca hay ở chỗ nhìn thấy non cao vực thẳm, nhịp điệu tâm hồn mình trong tâm hồn kẻ khác".
"Thứ tư, thơ ca đang bị giá trị đại chúng giết chết. Chúng ta chạy theo những thứ "ăn nhanh", dễ đăng, dễ đọc mà không dừng lại trăn trở với chữ, với nghĩa, với hình tượng, với tư tưởng. Điều đó cũng đang làm thứ thơ dễ dãi phát triển".
(Còn tiếp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất