Phải bắt ngồi tù mới cải thiện được ý thức giao thông?

07/05/2011 14:42 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Các ngôi sao “quậy” trên thế giới luôn được truyền thông săn sóc rất kỹ. Liên tục, tôi đọc được những thông tin, cô nọ, anh kia, lái xe quá tốc độ hoặc bị phát hiện có nồng độ cồn trong máu. Và thế là rắc rối đã xảy ra, tất cả bọn họ không những bị người hâm mộ lên án, mà còn có thể phải ra tòa, người thì bị tống vào tù như Lindsay Lohan (cô này từng phải bóc lịch 30 ngày vì lái xe trong tình trạng say xỉn - hồi năm 2007 - và 30 ngày vì lái xe ẩu). Mới đây sao phim “Hoàn châu cách cách” Châu Kiệt cũng từng bị 5 ngày tù giam vì lái xe quá tốc độ cho phép, gây tai nạn và tìm cách trốn tránh trách nhiệm.


Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

Không chỉ bị tống vào tù, họ có thể còn phải trải qua những khóa học bắt buộc về luật giao thông, về việc sử dụng rượu, thậm chí phải đi lao động công ích trong một số ngày nhất định.

Luật pháp mỗi nước có những quy định khác nhau về mức độ trừng phạt đối với người vi phạm an toàn giao thông, nhưng với việc bắt buộc phải ra tòa và phải mang một cái án (dù là án treo, hay tù giam vài ngày tùy theo mức độ vi phạm) thì rõ ràng có tính răn đe hơn nhiều so với việc chỉ phạt hành chính đơn thuần.

Trong khi đó ở Việt Nam, chỉ riêng trong vài ngày qua thôi đã có rất, rất nhiều những thông tin về tai nạn giao thông. Nào là: Tài xế ngủ gật, xe container rơi xuống kênh, xe ô tô lật nhào trên quốc lộ, chạy qua đường bị xe tông, bé 12 tuổi tử nạn, xe ben phá nát một gia đình... Đặc biệt là một con số thống kê kinh hoàng vừa được công bố: từ 30/4 đến 4/5, trên địa bàn cả nước xảy ra 212 vụ tai nạn giao thông làm chết 172 người, hàng trăm người khác bị thương.

Có thể thấy, có quá nhiều những nỗi đau xảy ra hàng ngày vì tai nạn giao thông, nhưng lại rất ít những thông tin về sự trừng phạt của pháp luật đối với những người có liên quan. Phải chăng tai nạn xảy ra nhiều, nhưng ít người có lỗi?

Không hẳn thế. Tai nạn giao thông do lỗi chủ quan của người tham gia giao thông rất nhiều. Và đó là nguyên nhân chính yếu dẫn tới tình trạng giao thông hỗn loạn. Thế nhưng, có bao nhiêu trường hợp phóng nhanh vượt ẩu, vượt đèn đỏ, đi quá tốc độ, lái xe có nồng độ cồn trong máu, mà phải ra tòa? Có bao nhiêu trường hợp đua xe bị khởi tố hình sự? Mặc dù pháp luật của các nước quy định khác nhau, nhưng rõ ràng, nếu những cái lỗi chủ quan do cố tình thiếu ý thức kể trên mà chỉ bị phạt tiền (xử lý vi phạm hành chính), hoặc bị “bấm lỗ”, tước bằng lái xe... thì chưa đủ. Gần đây có thêm “hình phạt bổ sung” là báo về địa phương đối với những người vi phạm giao thông. Nhưng cuối cùng hình phạt này cũng chẳng đi đến đâu khi người vi phạm cố tình khai báo gian dối.

Chúng ta đều biết rằng, lái xe gây tai nạn nghiêm trọng làm thiệt hại về người (chết hoặc bị thương) thì có nguy cơ phải ra tòa hoặc bị tù giam. Nhưng không hiểu sao, không ít vụ tai nạn giao thông chết người đã xảy ra, nhưng cuối cùng cả hai bên lại chọn hình thức đền bù. Có người nhận xét cay đắng, mạng người “trị giá” 30 triệu, là bởi vì đó là đền bù phổ biến trong một thời gian dài đối với hành vi gây tai nạn chết người.

Vì thế, nếu tai nạn xảy ra là do lỗi chủ quan của bên nào thì nhất thiết bên đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, chứ không chấp nhận bất cứ một sự dàn xếp cá nhân nào, dù người bị nạn hay thân nhân của họ có làm đơn “bãi nại”. Và một kẻ vi phạm luật lệ giao thông ở mức nghiêm trọng, coi thường tính mạng của người khác như say rượu khi lái xe, lái xe quá tốc độ đến mức nguy hiểm, đua xe... thì bất kể đã gây ra tai nạn hay chưa, nhất thiết phải có những hình phạt nghiêm khắc, dù người đó có giàu có như Linsay Lohan thì vẫn phải ra tòa và phải “bóc lịch” để ăn năn hối cải.

Ngồi tù để nghe tòa án lương tâm mình phán xử, có lẽ đó là cách thức tốt nhất để tác động vào ý thức giao thông, vốn là căn bệnh kinh niên, không thuốc chữa của nhiều người tham gia giao thông ở Việt Nam.

Ngô Khởi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm