21/04/2021 06:30 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Tiếp sau TP.HCM, triển lãm thư pháp Hương thơm quê mẹ của thiền sư Thích Nhất Hạnh đang diễn ra tại nhà triển lãm Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam (42 Yết Kiêu, Hà Nội) và kéo dài đến ngày 26/4 tới.
Vẫn là những triết luận rất ngắn thể hiện bằng bút mực nho trên giấy dướng trắng, có phần giải thích tư tưởng của từng câu viết. Về ngôn ngữ, triển lãm chỉ trưng bày hai bản viết chữ Nho, còn lại chủ yếu là tiếng Việt và tiếng Anh, trình bày nguyên trên một tờ giấy đóng khung trang trọng.
Nhiều người gọi đó là thư pháp. Nhưng với tôi, Thiền sư Thích Nhất Hạnh rõ ràng không có ý diễn hình chơi chữ kiểu thư pháp mà người Trung Hoa đưa lên thành thú chơi. Những bản chữ to viết tay sáng sủa này chỉ có mục đích đến nhanh với mọi người để trình bày những tư tưởng minh triết bằng những câu chữ giản dị như những gì trong dân gian thường nói. Bởi, con người thường nghĩ quá xa với mọi toan tính mà quên rằng mọi thứ luôn hiện hữu bên mình, phải biết lấy nó ra mà nhận chân giá trị, tìm lại sự thật sâu xa và sự thăng bằng trước nhất cho chính mình.
Thầy chọn giấy dướng trắng để viết chữ to, dễ đọc vừa rõ ràng, vừa bình dị. Trông phòng bày chữ của thầy nhã nhặn và sang trọng mà vẫn dễ gần với bình dân do cách trình bày đó. Đây không phải cuộc chơi của nghệ sĩ, mà là thiền sư muốn những triết luận của mình đến nhanh với số đông dân dã và các tín đồ, thấm tư tưởng trình bày của thầy để tu thân, tu nghiệp.
Những triết luận của thầy đã trình bày đủ các đề tài trên trăm đầu sách đang bày tại đây. Có tư tưởng định hướng rất mạch lạc. Hãy xem một bản viết: "Không bùn thì không sen". Thầy chú giải: "Hoa sen không thể hiện hữu nếu không có bùn. Cũng như vậy không có khổ đau thì không có hạnh phúc. Nhờ có khổ đau ta mới biết cách chế tác hạnh phúc. Cho nên hoa sen không thể chê bỏ bùn. Hoa sen nở ra xinh đẹp để ta thấy giá trị của bùn”. Lời giải thích cũng là lời nhắn gửi đến chúng sinh phải biết nhìn đến cái gốc của mình. Đó là cặp phạm trù nhân quả khi ta quan sát một bông hoa.
Một bản chữ Nho - chữ “Chỉ” (stop - dừng lại) - thiền sư giải thích: "Tâm trí chúng ta liên tục diễn ra những cuộc đối thoại không cần thiết… tâm ta lúc nào cũng chứa đầy lo lắng về tương lai, hối tiếc về quá khứ, hoặc quan tâm đến những dự án hiện thời. Suy nghĩ của ta đưa ta đi khỏi giây phút hiện tại và ngăn ta tiếp xúc với những điều màu nhiệm của sự sống, trong khi đó hơi thở của ta là một điều màu nhiệm, và nó chỉ có thể có mặt cho ta tận hưởng giây phút này".
Một bản Anh ngữ viết: "Peace in oneself, peace in the world", có nghĩa là tâm an thế giới an, được giải thích "sự thực tập hàng ngày của ta là chế tác bình an trong lòng. Khi ta có bình an thì thế giới cũng được thừa hưởng"…
Chỉ xin trích lục ba bản viết trong hàng trăm bản viết để thấy mục đích tư tưởng của hoạt động này. Và đến đây thì mọi người đã rõ mục đích khai sáng cho con người tiến tới sát bản chất cuộc sống bằng những suy nghĩ rất gần với bình dân rằng giữ được mình là giữ cho xã hội. Nhắc nhở mọi người hãy biết dừng đúng lúc, biết lắng nghe mình, nghe người để đạt đến thế giới tâm an.
Họa sĩ Đỗ Đức
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất