Cơn “sóng ngầm” bất động sản ở Hà Nội

10/03/2011 09:10 GMT+7 | Thế giới

Mặc dù TP chưa có quyết định cuối cùng về đồ án mở rộng thành phố “tầm nhìn 2050”, nhưng thị trường bất động sản dường như đã sôi trở lại với hàng loạt các giao dịch mua bán. Giá đất tại các khu vực TP mở rộng tiếp tục được đẩy lên bất thường bất chấp lạm phát, bất chấp về nguồn vốn vay cho bất động sản ngày càng eo hẹp, thậm chí bất chấp việc TP đang có chủ trương thu hồi các dự án đô thị “ma”.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

TP mở rộng tới đâu, giá đất tăng tới đấy

Theo đồ án TP tầm nhìn 2050, Hà Nội sẽ có các tuyến đường Hồ Tây - Ba Vì, trục quốc lộ 32 mở rộng, đại lộ Thăng Long, trục quốc lộ 6, quốc lộ 3, trục quốc lộ 1, trục Nhật Tân - Nội Bài. Ngoài ra, TP cũng sẽ cải tạo và xây mới các tuyến đường vành đai như vành đai 1, 2, 3 đoạn Cầu Giấy - Trần Khát Chân dài 10,2 km, quy mô 6 - 8 làn xe; quy hoạch lại và nâng cấp hạ tầng xã hội, hệ thống cơ quan công sở cấp Trung ương, quy hoạch và làm mới hệ thống giao thông đô thị, kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh. Theo đó, Thủ đô Hà Nội được xây dựng theo mô hình chùm đô thị, bao gồm đô thị hạt nhân trung tâm kết nối với 5 đô thị vệ tinh Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên - Phú Minh và Sóc Sơn.

Có lẽ nắm bắt được ý đồ của TP, giá đất tại các khu vực trên đã được lũy tiến theo yếu tố đầu tư, thậm chí cả việc gom đất chờ thời cơ. Đơn cử như tại các trục đường lớn của quận Hà Đông, Long Biên, Hoàng Mai, Quốc lộ 32, giá được được đẩy lên tăng 10 đến 15 triệu đồng/m2 so với thời điểm trước Tết Tân Mão (khoảng 55-60 triệu đồng/m2). Giá đất ở mặt đường Phạm Hùng, Lê Đức Thọ có giá trên dưới 170 triệu đồng/m2 (tăng 50 triệu đồng/m2 so với thời điểm này của năm 2010). Giá đất ở khu Kim Chung, Di Trạch vào khoảng 60 triệu đồng/m2, trong khi thời điểm tháng 12-2010 chỉ có khoảng 40 triệu đồng/m2. Đường 32, quốc lộ 3, thị trấn Đông Anh, đoạn quốc lộ 1A qua Ngọc Hồi, giá đất ở thời điểm này đã tăng lên gấp đôi, ở những lô đất mặt đường vị trí đẹp thậm chí tăng gấp 3, khoảng 60-70 triệu đồng/m2...
 
Mặc dù giá đất tăng như vậy song giao dịch thành công chủ yếu chỉ nhắm vào nhóm đối tượng giữa người có đất và người đầu tư, còn người sử dụng thực sự chỉ như muối bỏ bể. Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Đặng Hùng Võ cho biết, ở mọi thời điểm, sự đầu cơ luôn đi đôi với sự phát triển của đô thị. Tuy nhiên, không chỉ riêng TP Hà Nội, sự đầu cơ lại có tính “hoang tưởng”, cụ thể là người đầu cơ luôn muốn bỏ 1 đồng vốn để thu về 2, 3 đồng lãi. Với ý niệm như vậy, người sau cứ tiếp nối người trước và đó chính là sự bất bình thường của thị trường bất động sản, khiến giá đất được đẩy lên cao tới mức không còn theo quy luật của sự phát triển đô thị. Hệ quả là những người đầu cơ đang “đi buôn” với nhau, trong khi người có nhu cầu nhà ở thật lại không đủ tiền để mua nhà ở.

“Bong bóng” bất động sản

Ông Đăng Hùng Võ lấy dẫn chứng cơn sốt nhà đất tại Ireland năm 2006 và khẳng định thứ “bong bong” bất động sản ở Việt Nam như căn bệnh truyền nhiễm, đã len lỏi vào cuộc sống của người dân, thậm chí vượt ra ngoài vấn đề tài chính. “Chỉ cần một chén trà là người nói ngay đến bất động sản, mua hoặc bán nhà. Điều này giống như cảm xúc của một nhóm người, chứ không phải một cá nhân nào đó. Nếu Việt Nam không kiểm soát được thứ bong bóng này, sẽ đến lúc, giống như Ireland năm 2006, cứ năm căn nhà thì một căn không có người ở”

Theo ông Võ, không chỉ Hà Nội, mà các TP phát triển những bất động sản bỏ hoang sẽ là cái giá phải trả cho những khiếm khuyết về chính sách quản lý bất động sản khi để cho nạn đầu cơ hoành hành mà hậu quả sẽ phải gánh chịu trong tương lai. “Các công cụ chống đầu cơ đất đai ở đô thị đang bị vô hiệu hóa. Điều đó khiến cho chính quyền không thể kiểm soát được bong bóng bất động sản và chắc chắn cơn sóng ngầm của thị trường bất động sản sẽ bùng phát”.

Có thể hiểu điều này theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Song dù nghĩa gì thì đều không có lợi trong thời buổi cả nước đang phải “thắt lưng buộc bụng” gồng mình để chống lạm phát hiện nay.

Theo ĐĐK

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm