Thi THPT Quốc gia môn Ngữ văn: Đề rất khó nhưng cũng có cái hay

25/06/2018 19:27 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Đề thi THPT quốc gia môn Ngữ văn năm 2018 diễn ra vào sáng ngày 25/6/2018 hiện vẫn đang gây tranh luận sôi nổi trên nhiều diễn đàn.

Nhiều ý kiến cho rằng đề có tính phân loại cao, "đánh thức tuy duy độc lập" của học sinh. Bên cạnh đó, lại có ý kiến cho rằng đề thi... có vấn đề, chưa bám sát nghiệp vụ sư phạm và chưa phù hợp với học sinh chuyên văn chứ chưa nói gì đến học sinh đại trà.

Chú thích ảnh
GS Trần Đình Sử

"Đề thi ngữ văn năm nay... có vấn đề không phải nằm ở bài thơ của Nguyễn Duy mà vấn đề nằm ở chỗ các em học sinh không quen với bài thơ này.

Các em không được đọc một bài hoàn chỉnh thì không hiểu hết được tư tưởng, ý nghĩa của cả bài thơ" – GS Trần Đình Sử nói với Thể thao & Văn hóa.

Chú thích ảnh
Đề thi THPT quốc gia 2018 môn Ngữ Văn

Theo GS Trần Đình Sử, câu 1 yêu cầu đọc hiểu văn chương trong khi câu hỏi liên quan đến văn chương quá sơ sài, như: "Đoạn trích được viết theo thể thơ nào?" Tiếp theo là tác dụng của một câu hỏi tu từ cũng quá đơn giản nhưng nếu không được đọc cả bài thơ Đánh thức tiềm lực thì không thể trả lời hay câu hỏi này được.

"Câu hỏi 3 theo tôi dễ dẫn học sinh đi ra ngoài văn bản vì ở đây có một thái độ với nền văn học thiên về ca ngợi quá nhiều mà ít về hiện thực, thực tế mà nếu không chuyên sâu nghiên cứu về cái đó thì không thể trả lời được".

GS Trần Đình Sử cũng cho rằng, đề thi năm nay với học sinh chuyên văn cũng chưa hợp chứ chưa nói gì đến học sinh đại trà. Vì thế, theo ông ra đề cần phải bám sát nghiệp vụ sư phạm: Nội dung đề phải mang tính rộng rãi và vừa sức với học sinh. Không nên chọn một trích đoạn, một bài lạ hoặc quá dài để ra đề khiến các em lúng túng.

Đề hay vì "đánh thức" được "tiềm lực" của học sinh

Trao đổi với Thể thao & Văn hóa, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng, để làm được bài ngữ văn năm nay, các em học sinh phải tư duy độc lập tốt chứ không thể học vẹt, học tủ như cũ được. Qua những đề thi như thế này, chúng ta cũng có thể đo lường được, cảm nhận được mức độ nhận thức xã hội của các em học sinh bây giờ.

Chú thích ảnh
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên - Ảnh: HT

Theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, việc đưa trích đoạn bài thơ Đánh thức tiềm lực của nhà thơ Nguyễn Duy vào đề thi THPT Quốc gia năm nay là rất hay, học sinh khi làm đề này có dịp được tiếp cận với thái độ công dân của nhà thơ với đất nước, từ đó đề cao trách nhiệm của những công dân trẻ trước khi bước vào đời. Cách ra đề như thế cũng đánh thức được tiềm lực, những suy nghĩ, những trăn trở  của những học sinh, những người còn rất trẻ tuổi đối với sự phát triển của đất nước.

Đề tài ấy theo tôi đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự. Đó là phát huy nhân tài, phát huy tiềm lực và khả năng của từng người để xây dựng đất nước. Vì vậy, các em học sinh cần phải nhận ra được điều này để triển khai trong bài làm. Nhưng có thể có một đáp án rộng mở hơn thì các em cũng có thể nói riêng về tiềm lực tài nguyên của thiên nhiên đang được con người khai phá một cách bừa bãi, thiếu cân nhắc và tính toán có thể dẫn đến làm cạn kiệt nguồn tài nguyên.

Phạm Huy (ghi)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm