Hoa hậu Việt Nam xin 'vượt rào' để tuyển người đẹp

14/06/2016 10:35 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Trong số 18 người đẹp đầu tiên có mặt ở Vòng chung kết Hoa hậu Việt Nam năm nay, Nguyễn Thị Như Thủy đã “phạm quy” so với Thể lệ cũng như pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, trường hợp này đã được BTC “bảo lãnh” trước cơ quan chức năng.

Chung khảo cuộc thi Hoa hậu Việt Nam vừa diễn ra tại TP.HCM, được đánh giá là thu hút nhiều gương mặt sáng giá. Song, đêm thi cũng chỉ chọn được 18 người đẹp thay vì 20 gương mặt như dự kiến ban đầu.

Người đẹp nhỏ tuổi nhất còn là học sinh

Cụ thể, Nguyễn Thị Như Thủy, mang SBD 242, sinh năm 1998, là học sinh trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng). Như Thủy có chiều cao 1,73 m, cân nặng 54 kg, số đo ba vòng 82-61-97 và gương mặt khả ái.

Đúng như kế hoạch thì phải tới kỳ thi Tốt nghiệp THPT Quốc gia sắp tới Như Thủy mới có thể tốt nghiệp và đạt trình độ văn hóa đúng theo Thể lệ Hoa hậu Việt Nam cũng như luật hiện hành.

Theo Thể lệ được BTC cuộc thi Hoa hậu Việt Nam công bố, đối tượng dự thi “là nữ công dân Việt Nam tuổi từ 18 đến 27 (tính theo năm sinh ghi trong giấy khai sinh) và phải đáp ứng các điều kiện: có đạo đức tốt; có vẻ đẹp tự nhiên... Tiêu chí về “Trình độ văn hóa” được ghi rất rõ: Tốt nghiệp Trung học phổ thông trở lên.

Thể lệ của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam luôn được đánh giá cao về sự chặt chẽ. Sau “sự cố” Vương Thu Phương lọt vào tận vòng chung kết cuộc thi Hoa hậu Việt Nam khi đã tổ chức đám cưới và chung sống như vợ chồng với một nhiếp ảnh gia, BTC đã thận trọng bổ sung quy định “chưa lập gia đình” được hiểu là: chưa tổ chức đám cưới, chưa đăng ký kết hôn lần nào và chưa chung sống với ai như vợ chồng.


Nguyễn Thị Như Thủy chưa tốt nghiệp THPT

Tuy nhiên, sau đêm chung khảo phía Nam, công luận khá băn khoăn về trường hợp của thí sinh Như Thủy. Cô hiện còn là học sinh và kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn ở phía trước.Vậy thực hư việc BTC cuộc thi đã “vượt rào” như thế nào?

“Nợ” bằng tốt nghiệp

Trả lời câu hỏi của PV Thể thao & Văn hóa về sự xuất hiện của một học sinh chưa tốt nghiệp THPT ở vòng chung kết cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, nhà báo Lê Xuân Sơn - Tổng biên tập báo Tiền phong, Trưởng BTC - giải thích: “Đúng là thể lệ cuộc thi Hoa hậu Việt Nam quy định như thế. Nhưng năm nay, vì chúng tôi có chương trình Vẻ đẹp nhân ái, do vậy cần có thời gian dài 2 tháng để thực hiện trước khi bước vào chung kết.

Bởi vậy, chúng tôi có xin phép Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ VH,TT&DL) cho các thí sinh “nợ” bằng tốt nghiệp, nhưng phải viết bản cam kết để được tham dự cuộc thi với điều kiện sau khi bước vào vòng chung kết (tháng 8/2016 tới tại TP.HCM), các thí sinh này phải có Bằng Tốt nghiệp hoặc Giấy chứng nhận Tốt nghiệp tạm thời. Nếu đến lúc đó, thí sinh vẫn chưa có giấy tờ chứng nhận, chưa tốt nghiệp THPT, BTC chúng tôi sẽ hủy kết quả”.

Nhà báo Lê Xuân Sơn cũng cho biết thêm: “Sắp tới, vòng chung khảo khu vực phía Bắc sẽ diễn ra từ ngày 9/7, sau kỳ thi THPT Quốc gia vài ngày, dự kiến cũng sẽ có một số thí sinh vừa thi tốt nghiệp xong nhưng chưa biết kết quả. Các em cũng sẽ phải viết một số bản cam kết và sẽ được BTC cho phép thi, miễn là vào vòng chung kết là phải có Giấy chứng nhận Tốt nghiệp hoặc Bằng Tốt nghiệp THPT. Việc thay đổi này của BTC chúng tôi đã báo cáo với cơ quan quản lý Nhà nước, cụ thể là Cục Nghệ thuật Biểu diễn và được trả lời khi nộp hồ sơ về Cục trước vòng chung kết, các hồ sơ đầy đủ giấy tờ hợp lệ là được”.

Như vậy, cả BTC cuộc thi Hoa hậu Việt Nam và chính các người đẹp đang “đặt cược” mình vào một “cuộc chơi” mà khả năng được – mất là 50/50. Điều này có lẽ phù hợp với “truyền thống” của Hoa hậu Việt Nam khi rất nhiều năm, cuộc thi này trao ngôi vị cao nhất cho những cô gái vừa tròn 18 tuổi: Kỳ Duyên, Thùy Dung, Mai Phương Thúy...

Khi thí sinh hoa hậu được yêu cầu bớt 'sống ảo'

Khi thí sinh hoa hậu được yêu cầu bớt 'sống ảo'

Có một thông tin khá thú vị từ hậu trường cuộc thi Hoa hậu Việt Nam tại vòng chung khảo khu vực phía Nam, 30 thí sinh được Ban thí sinh yêu cầu 'bớt sống ảo, hạn chế dùng điện thoại di động'.

Tuy nhiên, không phải không có những “lùm xùm” xảy ra với những cô gái “tuổi teen” này. Trần Thị Thùy Dung (Đà Nẵng) đăng quang khi chưa tốt nghiệp THPT. Tất nhiên, năm đó, quy định hiện hành chưa “khắt khe” như bây giờ, cụ thể, trình độ của thí sinh được ghi: có trình độ THPT (được hiểu là có thể chưa tốt nghiệp THPT).

Trả lời câu hỏi của Thể thao & Văn hóa liên quan tới trường hợp này, một cán bộ Bộ VH,TT&DL cho hay, ở vòng ngoài, BTC tự chịu trách nhiệm về nhân thân của thí sinh. Khi vào vòng chung kết, Bộ sẽ bắt đầu rà soát hồ sơ của các ứng viên Hoa hậu. Ai vi phạm sẽ bị loại ngay lập tức.

An Như
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm