18/02/2012 12:35 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - Nhà thơ Quang Dũng nổi tiếng tài hoa. Nhiều thế hệ người Việt thuộc lòng những câu thơ trong bài Tây Tiến của ông. Người mê nhạc còn có thể hát vang ca khúc Đôi mắt người Sơn Tây do nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ từ hai bài thơ Đôi bờ và Mắt người Sơn Tây của Quang Dũng. Tuy nhiên, ít người biết tâm hồn Quang Dũng còn ngập tràn đường nét, sắc màu hội họa.
Hiện nay, có khá nhiều nhà văn, nhà thơ lấn sân sang hội họa để tìm thêm niềm vui ngoài con chữ, như: Trần Nhương, Nguyễn Quang Thiều, Lê Thị Kim, Lê Minh Quốc, Nguyễn Khắc Phục, Hoàng Minh Tường… Nhưng hơn nửa thế kỷ trước, nhà thơ Quang Dũng cũng đã tìm đến hội họa như một thú vui nghệ thuật. NXB Hội Nhà văn và Công ty Nhã Nam vừa ấn hành tập sách Mắt người Sơn Tây gồm những thơ văn tinh tuyển của Quang Dũng. Trong tập sách này in hơn 10 bức tranh bột màu và màu nước được Quang Dũng vẽ từ những năm 1950 - 1960. Có lẽ đây là lần đầu tiên tranh của tác giả Tây Tiến được công bố nhiều như thế.
Vẽ tranh lên tường nhà, giấy báo…
Nhà thơ Quang Dũng trên bìa sách viết về ông
Nhà thơ Quang Dũng sinh năm Tân Dậu 1921 tại làng Phượng Trì, thuộc tổng Phùng, huyện Đan Phượng, Hà Tây nay thuộc Hà Nội. Tên khai sinh của Quang Dũng ban đầu là Bùi Đình Dậu, sau có người bà con tên Dậu nên gia đình đổi lại tên ông là Diệm. Gia đình Quang Dũng thuộc loại khá giả, nên từ nhỏ ông được cha mẹ cho đi học đàng hoàng và còn có tiền để mua sách báo về đọc.
Nhà thơ Quang Dũng bắt đầu làm thơ từ khi nào? Câu hỏi này dễ trả lời vì Quang Dũng có bài thơ Chiêu Quân làm từ năm 1937 khi ông 16 tuổi: “Tuyết lạnh che mờ trời Hán quốc/ Tỳ bà lanh lảnh buốt cung thương/ Tang tình năm ngón sầu dâng lệ/ Chiêu Quân sang Hồ xừ hồ xang”. Trong sách Quang Dũng - nhà thơ của xứ Đoài và Tây Tiến do Huy Toàn biên soạn, NXB Kim Đồng ấn hành 10/2011 có kể: Khoảng năm 1950, Quang Dũng chép bài thơ Chiêu Quân tặng bác sĩ Phan Quang Chấn - nguyên trưởng ban quân y Trung đoàn Tây Tiến, cuối bài ghi rõ là năm 1937.
Còn Quang Dũng vẽ tranh từ khi nào? Cũng trong sách Quang Dũng - nhà thơ của xứ Đoài và Tây Tiến thuật lại lời của tác giả Phan Lạc Tiếp: “Những năm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, khi ấy Quang Dũng đã thoát ly đi đánh giặc, Phan Lạc Tiếp có việc đến nhà Quang Dũng ở tổng Phùng. Bấy giờ ngôi nhà đã bị phá đi căn gác để thực hiện “tiêu thổ kháng chiến”. Nhưng ở căn buồng đầu nhà, nơi Quang Dũng ở, Phan Lạc Tiếp còn thấy một bức tranh vẽ khá cao trên tường. Tuy đã bị phủ bụi nhưng vẫn còn hiện rõ bức tranh vẽ vườn chiều. “Của anh Diệm đấy” - thân mẫu Quang Dũng nói với Phan Lạc Tiếp. Ở buồng khách cũng có một bức tranh do Quang Dũng vẽ”.
Có thể nói, máu mê hội họa trong người Quang Dũng không kém gì thi ca và có lẽ ông bắt đầu vừa vẽ vừa làm thơ cùng lúc. Nhạc sĩ, họa sĩ Nguyễn Đình Phúc - tác giả ca khúc Tiếng đàn bầu - theo sách đã dẫn, kể: “Năm 1943, khi tôi đang vẽ bức tranh Đứa trẻ lạc loài ở nhà thì có một chàng trai to lớn tìm đến. Sau khi giới thiệu là Quang Dũng, chàng cho biết vừa xem phòng tranh của tôi ở phố Tràng Tiền và thấy rất thú nên tới làm quen. Biết Quang Dũng cũng mê vẽ, tôi tặng người bạn mới quen một ít bột màu và bút vẽ. Bẵng đi một thời gian, Quang Dũng lại lừng lững đến nhà tôi, đem theo vài bức tranh bột màu khoe bạn. Những bức tranh phong cảnh trông thật sinh động và cũng thật ngộ. Có cái gì đó vừa ngượng ngịu ngây thơ, vừa dạt dào tươi mát. Nhìn vào tranh mới thấy rõ niềm say mê hội họa và càng hiểu rõ cái nghèo của anh… Tác phẩm cái thì vẽ trên mẩu giấy báo, cái vẽ trên bìa, xé ra từ một quyển vở nào đó”.
Bức tranh của Quang Dũng tặng Thi nhân Việt Nam - Yến Lan (ảnh: Hoàng Tuấn)
Làm thơ bằng… hội họa
Trong Mắt người Sơn Tây có in một bức tranh mang tên Bến Ngọc được Quang Dũng vẽ năm 1960. Bức tranh này khá đặc biệt vì Quang Dũng vẽ về nơi mà đoàn quân Tây Tiến đã xuất binh và từ đó nhà thơ sáng tác nên: “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc”. Phía góc dưới bên phải Bến Ngọc, Quang Dũng ghi: “Bến Ngọc sông Đà, mồng 4 Tết năm 1960. Lên thăm ông Sự - Mùa sông Đà cạn. Nhớ lại năm 1947 ngược lên Tây Tiến từ bến này. Quang Dũng”.
Chị Bùi Phương Thảo, con gái nhà thơ Quang Dũng cho biết: “Bức vẽ Bến Ngọc đã thất lạc trong nhiều năm, gần đây được một người bạn của bố tôi tặng lại gia đình. Nâng niu bức tranh đã bị rách, bốn góc phải “băng bó” và phía sau bồi bằng một tờ bìa mỏng trông thật “tội nghiệp”, tôi không khỏi bồi hồi khi hình dung ở trên Bến Ngọc này, cách đây hơn 60 năm, một đoàn những chàng trai Hà Nội tràn đầy sức xuân, trong đoàn quân Tây Tiến hăng hái nhận nhiệm vụ phối hợp với quân đội Lào chống quân đội của thực dân Pháp. Trong đoàn quân ấy có cha tôi, và bài thơ Tây Tiến đã ra đời sau khi cha rời xa đơn vị ít ngày”.
Bức tranh Bến Ngọc vẽ nơi đoàn quân Tây Tiến xuất binh
Tranh của Quang Dũng “thất lạc” có nhiều lý do, trong đó chủ yếu do ông thường đem tranh tặng bạn bè mà gia đình không biết. Người viết bài này lần đầu tiên được ngắm tranh Quang Dũng tại nhà Thi nhân Việt Nam - Yến Lan ở tỉnh Bình Định. Bức tranh Quang Dũng tặng Yến Lan vẽ bằng bột màu về một cách đồng còn trơ gốc rạ với vài vết bị rách và ố màu thời gian. Hiện bức tranh này được gia đình Yến Lan treo trang trọng tại nhà lưu niệm tác giả Bến My Lăng nhằm ghi dấu tình bạn thủy chung giữa hai thi sĩ.
Lâu nay, luận bàn về thơ văn của Quang Dũng đã có nhiều bài viết và nhiều cuốn sách. Nhưng dường như có rất ít nhận định về tranh của người nghệ sĩ tài hoa Quang Dũng. Có lẽ tranh của Quang Dũng ít phổ biến, ngay cả trong cuốn sách Mắt người Sơn Tây cũng chỉ có hơn mười bức tranh. Vậy tranh của Quang Dũng có giá trị nghệ thuật gì và phản ánh tâm hồn nhà thơ ra sao? Xin mượn lời nhận xét của nhà thơ Trần Lê Văn - một người bạn cùng thời với Quang Dũng: “Quang Dũng viết văn xuôi cũng là một cách làm thơ… bằng văn xuôi. Cũng như anh vẽ tranh cũng là một cách làm thơ bằng hội họa”.
Hoàng Nhân
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất