Trường quay Cổ Loa: Đón dòng phim lịch sử…

22/02/2011 10:55 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Hôm qua 21/2, đoàn phóng viên của một số báo đã có dịp ghé thăm Trường quay Cổ Loa - kinh đô của điện ảnh VN trong tương lai, nơi đang được kỳ vọng là sẽ giúp cho điện ảnh nước nhà phát triển “một bước dài”. Được Nhà nước đầu tư kinh phí lớn, tại đây nhiều hạng mục đã được hoàn thành như: khu nhà công vụ, khu trường quay nội cảnh...

Khi các phim phải dựng “bối cảnh một lần”

Trong khi dự án Trường quay Cổ Loa còn chưa hoàn thành, thì để có bối cảnh cho các bộ phim dã sử, các nhà làm phim phải rất vất vả tự dựng bối cảnh, nếu không muốn phải ra nước ngoài thuê phim trường. Điều đó cho thấy rất cần thiết phải có một trường quay quy mô, ổn định với những bối cảnh có khả năng sử dụng lâu dài để vừa tiết kiệm chi phí và tạo cơ hội phát triển du lịch!

Thật vậy, trên khu đất dành cho trường quay ngoại cảnh trong tương lai, các đoàn làm phim Huyền sử thiên đô, Thái sư Trần Thủ Độ đã phải dựng tạm lên đó những bối cảnh “sử dụng một lần” để phục vụ 2 bộ phim này. Đến đây, du khách vẫn bắt gặp một hệ thống tường thành, cổng thành đồ sộ. Tuy nhiên, cổng thành được làm bằng gỗ dán, xốp, chỉ qua vài cơn mưa là hỏng, cổng vênh, cánh méo, chẳng còn đóng lại được. Các đoạn tường thành được gắn xốp giờ bong, tróc nham nhở. Đi vào phía trong của phim trường lộ thiên, chúng tôi thấy cả một dãy phố xưa, nhà thủy đình, nhà quan, cùng vài cung điện khác. Vì chỉ sử dụng một lần, cho nên khi phim quay xong, cũng có nghĩa là các bối cảnh ấy đã “hoàn thành nhiệm vụ” và không còn sử dụng nữa.

Chưa có Trường quay Cổ Loa, các đoàn làm phim phải dựng “bối cảnh một lần”, quay xong là bỏ

Nhà sản xuất Nguyễn Hữu Trọng chia sẻ: Lúc trước ở đây còn có cả cung của hoàng hậu, các vương phủ, nhà tù... nhưng quay xong đã phá đi rồi. Tiếc lắm. Nhưng xong phim thì phải thu dọn bối cảnh lấy chỗ cho phim khác quay, tất cả thành quách, nhà cửa này không bỏ đi thì biết cất vào đâu?

Theo anh Trọng, nếu đầu tư xây dựng các cung điện này bằng “đồ xịn” thì cũng chỉ tốn gấp 4 đến 5 lần đồ giả. Nhưng điều kiện của mình chưa cho phép, trường quay của mình chưa có, trong khi kinh phí của các đoàn làm phim có hạn, họ chỉ làm bối cảnh để quay phim của mình, xong thì bỏ đi thôi. Không có trường quay, không có nơi tập trung để cất và giữ (chứ chưa mơ tới việc biến trường quay của một phim lịch sử thành một điểm du lịch) thì những người làm phim có lẽ cũng không mạnh dạn đầu tư!

Hiện nay, Hãng phim truyện I cũng đang phải tiến hành phục dựng bối cảnh để quay các tập tiếp theo của phim Huyền sử thiên đô. Tất cả bối cảnh đó rồi sẽ được thực hiện với chất liệu thô sơ, giá rẻ, dựng lên, quay xong thì... bỏ hết. Mặc cho mất nhiều công sức, lãng phí, nhưng nếu đi ra nước ngoài thuê bối cảnh, trường quay thì sẽ tốn kém hơn nhiều.

Trước thực trạng đó, câu hỏi mà ai cũng nhận thấy, nếu chúng ta tập trung vào xây dựng Trường quay Cổ Loa với những bối cảnh có khả năng sử dụng nhiều lần và được làm bằng những vật liệu bền vững, thì không những sẽ tiết kiệm mà còn đáp ứng được nhu cầu về du lịch. Các nhà làm phim không phải vất vả “mượn đất” để tự xoay xở dựng bối cảnh, cũng như để “giải tỏa” bối cảnh đó trả lại mặt bằng cho chủ nhân của nó. Tất nhiên, không phải bối cảnh nào cũng có khả năng sử dụng nhiều lần mà phải chọn lọc những bối cảnh “điển hình”, chẳng hạn như các cung điện, thành quách của Thăng Long qua các thời kỳ, các bối cảnh mang bản sắc văn hóa kiến trúc Việt Nam... Chắc chắn sẽ có rất nhiều bộ phim cần đến những bối cảnh đó.

Để kế thừa về bối cảnh, đạo cụ, phục trang…

Có lẽ ít ai biết rằng, 50 năm trước, điện ảnh VN đã có Trường quay Cổ Loa - trường quay đầu tiên. Đây đã từng là kinh đô của điện ảnh VN những năm 60-70 thế kỷ trước, nơi cho ra đời nhiều tác phẩm “kinh điển” như: Chung một dòng sông, Chị Tư Hậu, Nghêu, sò, ốc, hến... Trường quay Cổ Loa đã gắn bó với nhiều thế hệ nghệ sĩ, diễn viên, cán bộ, công nhân viên và có đóng góp rất lớn đối với ngành điện ảnh VN trong chiến tranh chống Mỹ. Đến những năm 80, cùng với những khó khăn, sự thăng trầm của đất nước, Trường quay Cổ Loa đã bị quên lãng và trở nên tan hoang, cỏ mọc um tùm.


Mô hình Trường quay Cổ Loa trong tương lai

Năm 2008, Bộ VH,TT&DL đã quyết định phục hồi và nâng cấp Trường quay Cổ Loa, với nguồn kinh phí của Nhà nước. Về tổng thể, qua 2 năm phục hồi, cải tạo, bộ mặt Trường quay Cổ Loa đã có nhiều đổi khác. Trường quay nội cảnh (rộng 400m2, do Đức xây trước đây) đã được nâng cấp trở thành trường quay hiện đại với hệ thống treo đèn, ghi hình, âm thanh đồng bộ. Hai dãy nhà cũ đã được nâng cấp thành nhà công vụ và nhà nghỉ 3 sao với nhiều phòng VIP dành cho các đoàn làm phim nghỉ ngơi khi đến quay phim tại đây.

Theo dự án Trường quay Cổ Loa (được xây dựng ngay cạnh vòng thành Cổ Loa, rộng 15ha) đến cuối năm 2015, Trường quay Cổ Loa sẽ đạt công suất khoảng 30 phim truyện nhựa/năm và năm 2020 sẽ đạt 35 phim truyện nhựa, đến 2030 sẽ đưa nước ta đứng trong 30 nước hàng đầu thế giới về lĩnh vực điện ảnh. Hy vọng rằng khi Trường quay Cổ Loa đi vào hoạt động, sẽ tạo cơ hội để hoạt động của điện ảnh VN chuyên nghiệp và có chất lượng hơn.

Ông Nguyễn Văn Nhiêm, Giám đốc Trường quay Cổ Loa cho biết: “Chúng tôi không có tham vọng xây được một trường quay phục vụ cho tất cả các dòng phim. Nhưng đã một thời gian dài, điện ảnh VN thiếu vắng dòng phim lịch sử, dã sử, cổ trang... Sự kiện 1.000 năm Thăng Long như một cú hích khiến cho dòng phim này hồi sinh với nhiều dự án đã và đang được triển khai và cũng là lúc thấy nghịch lý hiện rõ: chúng ta luôn kêu ca thiếu, nhưng đồng thời cũng đang vô cùng lãng phí! Chúng ta không hề có sự kế thừa về trường quay, đạo cụ, phục trang... do đó, khi bắt tay vào bất cứ một dự án phim lịch sử nào đồng nghĩa với việc người làm phim phải làm lại từ đầu tất cả mọi công việc, bỏ rất nhiều thời gian, công sức, chi phí... mà lẽ ra đã có thể tiết kiệm được nếu có kế hoạch bảo tồn một cách khoa học những bối cảnh, đạo cụ, phục trang từ các phim trước.

Ông hé lộ: "Trường quay Cổ Loa hồi sinh, ta sẽ không chỉ làm phim về thời Lý, mà còn nhiều thời khác như thời Trần với chiến tích 3 lần đánh thắng quân Nguyên Mông... Mảng lịch sử là vô cùng hấp dẫn nhưng cũng vô cùng khó khăn, nhưng từ dự án Trường quay Cổ Loa, chúng ta có quyền kỳ vọng về sự phát triển “một bước dài” của điện ảnh VN, khán giả sẽ không quay lưng với dòng phim lịch sử. Cũng từ đây, sẽ có sự kết nối giữa trường quay với khu du lịch di tích lịch sử Cổ Loa".

Hoài Thương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm