World Cup nữ: Bóng đá nữ 'ly hôn' FIFA, nên hay không?

08/07/2019 16:51 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Không phải chờ đến thời điểm World Cup nữ khởi tranh tại Pháp hè này mới có những thắc mắc về sự phân biệt giữa bóng đá nam và nữ. Theo ký giả Jessica Luther, đã đến lúc bóng đá nữ nghĩ đến chuyện rời khỏi FIFA.

World Cup bóng đá nữ: Vua phá lưới ủng hộ CĐV la ó, chỉ trích Chủ tịch FIFA

World Cup bóng đá nữ: Vua phá lưới ủng hộ CĐV la ó, chỉ trích Chủ tịch FIFA

Megan Rapinoe cho rằng những tiếng la ó nhằm vào Chủ tịch FIFA Gianni Infantino trên SVĐ Olympic Lyon là điều bình thường và cô ủng hộ điều đó.

Trong một buổi họp báo trước thềm World Cup nữ, khi được hỏi về sự phát triển của bóng đá nữ thế giới, tiền đạo đội tuyển Mỹ Megan Rapinoe ngán ngẩm: “Làm những thứ y hệt như bóng đá nam và tạo ra một bản sao trong một cơ chế kìm hãm các cầu thủ nữ quá lâu chẳng phải cách tốt nhất để phát triển bóng đá nữ”.

Cân nhắc “ly hôn” FIFA

Rapinoe nói có lý. Đã đến lúc bóng đá nữ nên cân nhắc việc “ly hôn” khỏi FIFA, tổ chức quyền lực nhất túc cầu thời điểm hiện tại, để xây dựng một cách vận hành riêng biệt với bóng đá dành cho phái mạnh. Hai trong số những thành viên của FIFA, Liên đoàn bóng đá Nam Mỹ (CONMEBOL) và Liên đoàn bóng đá Bắc Trung Mỹ & Caribbean (CONCACAF), lại tiến hành trận chung kết ở các giải đấu họ tổ chức vào hôm Chủ Nhật vừa rồi, trùng với thời điểm diễn ra trận đấu cuối cùng của World Cup nữ. Họ nói rằng đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng ai dám tin đây có phải sự thật hay các liên đoàn ấy lãng quên sự tồn tại của bóng đá nữ.

Thậm chí, từ giờ đến tháng Ba sang năm, chúng ta chưa thể biết chủ nhà của kỳ World Cup nữ tiếp theo vào năm 2023. Ngược lại, Qatar được lựa chọn là chủ nhà của kỳ World Cup nam vào năm 2022 cách đây 9 năm. Bất cứ chủ nhà nào đăng cai World Cup nữ sắp tới sẽ chỉ có hơn 3 năm cho quá trình chuẩn bị. Bản thân FIFA hiện đang vướng vào rắc rối liên quan đến nạn phân biệt giới tính trong bóng đá liên quan đến đất nước Afghanistan. Còn ở kỳ World Cup nữ vừa qua, tất cả chỉ ra hàng loạt vấn đề liên quan đến công tác tổ chức giải đấu: từ cách sắp xếp chỗ ngồi, số lượng vé bán ra cho đến việc thiếu quảng bá cho giải đấu.

Câu khẩu hiệu cho kỳ World Cup nữ 2019 này là “Dám tỏa sáng”. Jean Williams, giáo sư nghiên cứu về bóng đá nữ, lại cảm nhận ngược lại: “Các cầu thủ nữ ở giải này chưa đủ dũng khí để tỏa sáng và đáng ra FIFA phải trao cho họ nền tảng để họ dám thực hiện mong muốn của mình. Thật tiếc, sự bất bình đẳng về cấu trúc giải đấu khiến nhiều phụ nữ chưa dám dấn thân vào bóng đá. Tôi nghĩ chỉ có 36 quốc gia sẵn sàng cho một kỳ World Cup nữ, so với con số 211 thành viên của FIFA”.

Chú thích ảnh
Rất ít người quan tâm đến trận chung kết World Cup nữ 2019 do trùng thời điểm với chung kết Copa America 2019

Cần cơ chế riêng cho cầu thủ nữ

Việc FIFA quyết định tăng gấp đôi số tiền thưởng cho kỳ World Cup nữ năm nay từ 15 triệu đôla lên 30 triệu đôla chẳng thấm vào đâu so với con số 440 triệu đôla các đồng nghiệp nam nhận được. Thực tế, theo tiết lộ từ trang AP, doanh thu của FIFA trong giai đoạn từ 2015 đến 2018 lên tới 6,4 tỷ đôla.

Rapinoe cho rằng những cố gắng từ FIFA rốt cuộc chẳng giải quyết được vấn đề gì, và ủng hộ ý tưởng cần một liên đoàn bóng đá riêng cho nữ: “Nếu bạn có một Liên đoàn bóng đá nữ, họ sẽ làm việc với một số lượng CLB nhất định. Chẳng hạn, Liên đoàn bóng đá Argentina đang quá tập trung vào những CLB lớn như Boca Juniors hay River Plate, nhưng hai CLB này chẳng hề phát triển bóng đá nữ”.

Đó là một nhu cầu cần thiết, khi bóng đá nữ bắt đầu tìm thấy tiếng nói. Ở Brazil, có tới 22,4 triệu người theo dõi các trận vòng bảng của đội tuyển bóng đá nữ, nhiều hơn hẳn con số 600 nghìn người cách đây 4 năm. Nếu FIFA tiếp tục đối xử bóng đá nữ như hiện tại, phải chăng đã đến lúc cần một cơ chế khác cho các nữ cầu thủ?

Đức Linh (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm