26/02/2018 10:11 GMT+7 | Thể thao
Hơn 1 vạn người thi tuyển, PVF chỉ chọn 50 học viên xuất sắc nhất để đào tạo chuyên nghiệp. Nhưng ngay cả khi vào được PVF, hành trình đầy thử thách của các cầu thủ mới chỉ bắt đầu. Bởi tại đây, các em không chỉ được học đá bóng, mà còn được rèn luyện về văn hoá, kỹ năng sống và học làm người.
Kỷ luật là sức mạnh
Khi đã vượt qua những bài kiểm tra gắt gao để trở thành học viên chính thức của PVF, thử thách đầu tiên với những cậu bé mới 10 - 11 tuổi là nỗi nhớ nhà và cuộc sống tự lập từ nhỏ. “Tôi vẫn nhớ những mùa đầu tiên tuyển sinh, học viên mới vào khóc như mưa. Có bố mẹ đi về được nửa đường phải quay lại vì con khóc quá” - HLV Hứa Hiền Vinh nhớ lại. Không ít bạn đã phải rời PVF khi không vượt qua được “cú rung lắc đầu đời” này.
Rất nhanh chóng, các học viên mới sẽ phải vượt qua nỗi nhớ nhà và làm quen với nề nếp quy củ tại đây. Tất cả phải thức dậy lúc 5h30 bất kỳ ngày hè hay mùa đông để chuẩn bị cho bữa sáng, trước khi đến trường lúc 6h. Đặc biệt, ở PVF học văn hoá quan trọng không kém với chuyên môn khi các cầu thủ phải đạt chuẩn đầu ra Ielts 5.0 tiếng Anh chuyên ngành. Vừa chuyên tâm rèn luyện, vừa phải đảm bảo tiêu chuẩn khắt khe của cầu thủ thời “hội nhập” là thách thức không nhỏ, buộc những cầu thủ trẻ phải tôi luyện để trưởng thành.
Ăn đúng bữa, ăn hết thức ăn đã lấy trên khay, không để thừa, không làm vương vãi thức ăn ra sàn, ngủ nghỉ đúng giờ, gấp chăn màn gọn gàng, tự phơi đồ, chỉ dùng điện thoại ở khung giờ cho phép… là những quy định bắt buộc các cầu thủ trẻ phải tuân thủ. Đã có trường hợp học viên dù giỏi chơi bóng nhưng vẫn bị loại vì buông thả nề nếp.
“Mình học được rằng để trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, chuyên môn tốt thôi là chưa đủ. Sau nỗi buồn phải chia tay các bạn rời khỏi Trung tâm, chúng mình nhắc nhở nhau phải thật chỉn chu cả trên sân lẫn ngoài đời” - Lý Trung Hiếu, U17 PVF cho biết.
Kỷ luật nghiêm khắc nhưng đầy tính giáo dục là điều thường thấy ở Học viện bóng đá hiện đại hàng đầu châu Á này. Có thể lấy trường hợp Nick Dawes, chuyên gia vật lý trị liệu của PVF - người từng chăm sóc và trị liệu cho đội 1 tại CLB Bóng đá Cardiff City 2015 - 2017 là ví dụ.
Cầu thủ hẹn làm việc với Nick Dawes muộn chỉ 1 phút sẽ bị nhận những hình phạt như đi bộ 10 vòng quanh sân bóng, vào tập các bài tập thể hình, chống đẩy, bật nhảy. Tuy nhiên Nick không bắt họ tập một mình mà anh tập cùng luôn với cầu thủ, để chỉnh cho các em phương pháp luyện tập đúng và an toàn. Điều đó khiến cầu thủ bị phạt mà không hề xuống tinh thần.
Ở PVF không có… ngôi sao
Dù là một trong những “lò đào tạo sao trẻ” hàng đầu cho bóng đá Việt Nam nhưng tại PVF không có khái niệm cầu thủ ngôi sao, ai cũng có thể bị loại nếu không nỗ lực. Từ năm 2017,h mỗi năm học viên PVF sẽ trải qua 2 kỳ đánh giá kết quả rèn luyện vào tháng 11 và tháng 4. Đây là kỳ kiểm tra quan trọng, quyết định việc sàng lọc các học viên không có nhiều tiến bộ hoặc chậm tiến bộ so với bạn bè đồng trang lứa. .
Có những trường hợp học viên rất có tố chất nhưng không cố gắng trong quá trình tập luyện, không đáp ứng đủ chuyên môn cũng sẽ bị loại. Ngược lại, những cầu thủ trẻ xuất phát điểm thấp nhưng được các thầy tại PVF động viên, không đầu hàng trước khó khăn, nỗ lực tập luyện hoàn toàn có thể vượt qua những bài kiểm tra gắt gao từ chuyên gia.
Để ở lại PVF và có cơ hội trở thành ngôi sao bóng đá thực sự, các cầu thủ phải chứng minh khả năng xuất sắc cùng bản lĩnh, sự kiên trì và khát vọng vươn lên mạnh mẽ.
“Vào PVF là niềm vui lớn nhưng cũng có khi mình gần như suy sụp, nghĩ tới chuyện nghỉ chơi bóng đá. Đó là khoảng thời gian 2014 - 2015 mình yếu về chuyên môn, ít được tham dự giải và có nguy cơ bị loại. Ròng rã mấy tháng trời cứ cả đội tập xong là thầy Việt Thắng lại yêu cầu mình ở lại tập thêm 30 phút. Chủ nhật buổi sáng khi các bạn được nghỉ thì mình được thầy kéo dậy tập. Có lúc mình đã khóc trên sân” - Lê Văn Điệp, học viên U21 PVF bồi hồi kể lại quá trình tôi luyện gian nan, thậm chí có lúc muốn bỏ cuộc của mình.
Kết quả nỗ lực của cả thầy lẫn trò PVF là sự tiến bộ rõ rệt của Điệp. HLV Mạnh Cường tạo điều kiện cho Điệp ra sân thi đấu nhiều hơn. Sau một năm, Điệp đã được tham dự U19 QG và cùng đội vô địch năm 2015, rồi cùng đội trẻ PVF dự lọt đến vòng chung kết. Đầu năm 2017, Điệp được CLB Huế mượn về đá giải hạng Nhất và ra sân đá chính 10/12 trận, chung cuộc đội giành HC Bạc.
Nhờ giáo trình đào tạo bài bản, hiện đại, đi cùng quá trình sàng lọc gắt gao và nghiêm túc, học viên PVF được đảm bảo đủ thể chất, chuyên môn và đạo đức, trở thành những cầu thủ trẻ tài năng của bóng đá Việt Nam. 15 lần vô địch các giải trẻ trong 7 năm qua (2010 - 2017); đóng góp nhân sự chủ đạo giúp Việt Nam lần đầu tham dự vòng chung kết U20 World Cup là những minh chứng rõ nhất cho chất lượng chuyên môn cao của các cầu thủ trẻ từ lò đạo tạo PVF.
Trở thành những con người tử tế, văn minh “Những việc PVF đang làm rất thiết thực và ý nghĩa. Tôi hiểu PVF muốn tạo dựng một thế hệ cầu thủ có khả năng nhận thức lý tính các vấn đề xã hội, có khả năng rung cảm trước các giá trị lớn của dân tộc, bên cạnh khả năng sử dụng đôi chân trên sân bóng. Nếu những kiến thức giảng dậy được thấm dần vào các cầu thủ qua từng ngày, từng tuần, từng năm thì chúng ta có quyền hy vọng được nhìn thấy những lứa cầu thủ tương lai không chỉ giỏi đá bóng, mà còn có thể sống một cuộc sống tử tế và văn minh” - Nhà báo Phan Đăng, một trong những giảng viên lớp dạy văn hóa lịch sử ở PVF, chia sẻ. |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất