SVĐ Mỹ Đình: Từ 'chảo lửa' đến Top 5 Đông Nam Á

08/05/2020 05:54 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - SVĐ Mỹ Đình - địa danh đã đi vào lịch sử thể thao và bóng đá Việt Nam với nhiều sự kiện quan trọng sẽ được khoác lên mình một chiếc áo mới nhằm chuẩn bị cho SEA Games 31 vào năm tới. Giờ đây, Mỹ Đình không chỉ còn là “chảo lửa” yêu thích của riêng những người hâm mộ Việt Nam mà đã trở thành một trong những SVĐ hàng đầu của khu vực Đông Nam Á theo bình chọn của AFC.

Mỹ Đình lọt TOP 5 sân đấu biểu tượng Đông Nam Á

Mỹ Đình lọt TOP 5 sân đấu biểu tượng Đông Nam Á

Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) vừa giới thiệu một số sân vận động tốt nhất châu Á. Trong đó, Mỹ Đình cũng được đánh giá là biểu tượng của khu vực ASEAN khi lọt vào TOP 5.

150 tỷ đồng kinh phí nâng cấp

Được đưa vào sử dụng từ năm 2003 nhân sự kiện SEA Games 22 diễn ra tại Việt Nam, thời điểm đó, Mỹ Đình đã là một trong những SVĐ hiện đại của khu vực Đông Nam Á với sức chứa 40.192 chỗ ngồi với 4 khán đài và có kinh phí xây dựng gần 53 triệu USD. Trải qua gần 2 thập kỷ đưa vào sử dụng, đến nay, một số hạng mục quan trọng của sân đã xuống cấp và cần được sửa chữa, cải tạo, nếu không sẽ không được các tổ chức quốc tế công nhận đủ tiêu chuẩn để tổ chức các sự kiện thể thao cấp châu lục hoặc thế giới.

Điển hình như việc đường chạy hiện đã hư hỏng, không đảm bảo chất lượng khiến cho không thể tổ chức được các giải điền kinh trong hệ thống quốc gia từ nhiều năm gần đây. Một khó khăn khác là SVĐ Mỹ Đình hiện không có hệ thống sân phụ đủ tiêu chuẩn của sân điền kinh để các VĐV khởi động trước khi bước vào thi đấu. Vì thế, kể từ năm 2012 tới nay, chưa có một giải điền kinh quốc tế nào được tổ chức và đường chạy của sân Mỹ Đình thậm chí không so sánh được với một số sân của các địa phương khác, điển hình như sân Thống Nhất (TPHCM).

Không chỉ có vậy, mặt cỏ sân Mỹ Đình cũng đã đến thời điểm cần được thay mới khi lần cải tạo gần đây nhất đã cách nay gần 10 năm. Mặt cỏ sân Mỹ Đình không ít lần đã là nỗi lo của VFF mỗi khi đội tuyển Việt Nam có các trận đấu quan trọng, đặc biệt các trận đấu trong khuôn khổ vòng loại World Cup hoặc giao hữu quốc tế với các đội bóng lớn. Bởi với thời tiết khắc nghiệt tại Hà Nội thường nắng nóng hay gắt vào mùa hè và hiện tượng sương muối vào mùa Đông làm cho mặt cỏ sân Mỹ Đình rất dễ bị hư hỏng nếu không được chăm sóc thường xuyên.

Chính vì lý do này, tới đây SVĐ Mỹ Đình sẽ được cải tạo, nâng cấp nhằm chuẩn bị cho công tác tổ chức SEA Games 31 tại Việt Nam vào năm 2021 với nguồn kinh phí từ ngân sách vào khoảng 150 tỷ đồng theo kế hoạch trong đề án đăng cai SEA Games 31. Hai hạng mục quan trọng nhất là mặt cỏ và đường chạy sẽ là ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch sửa chữa với tiêu chí quốc tế. Riêng với đường chạy, sau khi hoàn thiện, đơn vị thi công mời các chuyên gia của Liên đoàn Điền kinh thế giới (IAAF) sang kiểm tra, đo đạc và cấp giấy chứng nhận đường chạy này đủ tiêu chuẩn tổ chức các giải điền kinh quốc tế.

Chú thích ảnh
Với tình yêu cuồng nhiệt dành cho thể thao và đặc biệt là bóng đá, người hâm mộ Việt Nam thực sự biến sân Mỹ Đình trở thành "chào lửa". Ảnh: VSI

Top 5 SVĐ tốt nhất Đông Nam Á

Sân Mỹ Đình đã trở thành địa danh lịch sử của thể thao Việt Nam trong vai trò là “trái tim” của nhiều sự kiện thể thao quốc tế lớn. Cũng chính từ Mỹ Đình, thể thao Việt Nam lần đầu tiên vươn mình giành vị trí số 1 tại SEA Games 22 năm 2003 và kể từ đó đến nay luôn là một trong ba cường quốc hàng đầu của thể thao khu vực.

Ngoài ra, SVĐ Mỹ Đình đã trở thành bệ phóng cho nhiều VĐV môn điền kinh chinh phục những đỉnh cao khu vực và châu lục sau khi trưởng thành trong thi đấu từ các giải quốc nội, tiêu biểu như Vũ Thị Hương (100m nữ), Bùi Thị Nhung (nhảy cao nữ), Trương Thanh Hằng (800m, 1.500 nữ)… và đến nay Việt Nam đã trở thành quốc gia số 1 môn thể thao Nữ hoàng sau 2 kỳ đại hội thể thao khu vực Đông Nam Á.

Với bóng đá, SVĐ Mỹ Đình là nơi chứng kiến khoảnh khắc đội tuyển quốc gia 2 lần lên ngôi vô địch AFF Cup (vào các năm 2008, 2018) đem lại niềm tự hào cho hàng triệu người hâm mộ nước nhà. Sự cuồng nhiệt, những “cơn sóng người” mà các CĐV áo đỏ sao vàng tạo nên trên khán đài đã trở thành thứ đặc sản của Mỹ Đình và biến nơi đây trở thành “chảo lửa” không thua kém bất cứ SVĐ nổi tiếng nào trên thế giới.

Chính nhờ sự cuồng nhiệt của người hâm mộ, Mỹ Đình đã được Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) lựa chọn là một trong những sân đấu tuyệt vời nhất châu lục dựa trên tiêu chí như tỷ lệ lấp đầy khán giả, cùng không khí cổ động. Ngoài ra, Mỹ Đình cũng được đánh giá là một trong năm SVĐ tốt nhất Đông Nam Á. Theo nhận định của AFC, châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng có một số sân vận động tốt nhất trên thế giới, vài địa điểm đã trở thành biểu tượng, thường xuyên đón hàng chục ngàn khán giả, đầy ắp khán đài cổ vũ cho những đội tuyển yêu thích của họ.

Mỹ Đình giờ đây không chỉ là niềm tự hào của riêng người hâm mộ Việt Nam mà đã trở thành một trong những địa danh đặc biệt của bóng đá khu vực và châu lục. Hi vọng một ngày không xa, Mỹ Đình sẽ tiếp tục là nơi chứng kiến những cột mốc lịch sử của thể thao, bóng đá Việt Nam trong hành trình hiện thực hóa những ước mơ vươn tầm ra châu lục và thế giới.

SVĐ Mỹ Đình và bí ẩn xung quanh 40 quả cầu đá

Vào ngày 6/12/2018 trước trận bán kết lượt về AFF Cup giữa đội tuyển Việt Nam với Philippines, 40 quả cầu đá gắn xích trước khu vực khán đài A và B sân Mỹ Đình đã được di dời khỏi vị trí sau nhiều năm án ngữ tại đây. Sau đó, thầy trò HLV Park Hang Seo đánh bại Philippines với tỷ số 2-1 giành tấm vé vào chung kết, đăng quang ngôi vô địch AFF Cup 2018 và điều khá đặc biệt là kể từ đó đến nay, đội tuyển Việt Nam chưa từng bị đánh bại tại sân Mỹ Đình kể cả ở các trận đấu chính thức lẫn giao hữu quốc tế.

Gần đây nhất ở các trận đấu trong khuôn khổ vòng loại World Cup 2022, đội tuyển Việt Nam giành chiến thắng trước UAE (1-0), Malaysia (1-0) và hòa với Thái Lan (0-0)... Có nhiều ý kiến cho rằng, sau khi giải quyết được vấn đề “trấn yểm” bằng 40 quả cầu đá, đội tuyển Việt Nam gặp nhiều may mắn hơn, không còn xui xẻo như trước và giành được nhiều thành tích vượt bậc. Đây chính là bí ẩn lớn nhất xung quanh câu chuyện 40 quả cầu đá tại Mỹ Đình với những người vốn tin vào phong thủy.

5 SVĐ tốt nhất ASEAN gồm những sân nào?

Mới đây nhất, AFC đã đưa ra bản danh sách các SVĐ được đánh giá là tốt nhất, lớn nhất Đông Nam Á hiện tại. Ngoài sân Mỹ Đình, 4 sân còn lại gồm SVĐ quốc gia Australia (Sydney, Australia), sân Gelora Bung Karno (Jakarta, Indonesia), Bukit Jalil (Kuala Lumpur, Malaysia) và Rajamangala (Bangkok, Thái Lan).

Đáng chú ý, sân Mỹ Đình là sân có sức chứa nhỏ nhất trong số 5 sân bóng được bình chọn ở khu vực Đông Nam Á, với 40.192 chỗ ngồi, các sân còn lại có sức chứa lớn hơn nhiều. Sức chứa to nhất trong số các sân kể trên lần lượt là sân quốc gia Australia ở Sydney. Công suất tối đa của sân bóng này khi cần có thể lên đến 110.000 chỗ ngồi. Tiếp theo là sân Bukit Jalil ở Kuala Lumpur (Malaysia) với sức chứa đến 100.000 khán giả. Trong khi đó, sân Gelora Bung Karno ở Jakarta (Indonesia) có thể chứa 77.193 chỗ ngồi, sân Rajamangala tại thủ đô Bangkok, Thái Lan có sức chứa 49.722 chỗ ngồi.

Vũ Lê

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm